(vhds.baothanhhoa.vn) - Sản xuất, tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu, tiến bộ của xã hội phát triển. Để xu hướng này trở thành hoạt động chủ đạo trong sản xuất, tiêu dùng của xã hội, tuy chưa có chính sách kích cầu, song đã nhận được sự chung tay từ nhiều phía. Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Thanh Hóa đã ghi lại ý kiến của những người trong cuộc.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Chung tay tạo dựng xu hướng tiến bộ

Sản xuất, tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu, tiến bộ của xã hội phát triển. Để xu hướng này trở thành hoạt động chủ đạo trong sản xuất, tiêu dùng của xã hội, tuy chưa có chính sách kích cầu, song đã nhận được sự chung tay từ nhiều phía. Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Thanh Hóa đã ghi lại ý kiến của những người trong cuộc.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Chung tay tạo dựng xu hướng tiến bộ

Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường): Nhiều mô hình bảo vệ môi trường giúp hình thành thói quen tiêu dùng xanh

PV: Xin bà cho biết, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã có những hoạt động thiết thực nào nhằm xây dựng lối sống xanh nói chung và tiêu dùng xanh nói riêng?

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ: Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh, lành mạnh, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, từ đó làm thay đổi tư duy và hành động về bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng vào đa dạng hóa và phong phú hình thức tuyên truyền, như tuyên truyền trực quan sinh động, lồng ghép trong các chiến dịch truyền thông đại chúng, tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, qua các cuộc thi sáng tác, viết, vẽ, tìm hiểu pháp luật về môi trường,... Đồng thời vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức.

Qua các hoạt động phối hợp đã ra đời nhiều mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực và có tính lan tỏa cao. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng được 222 mô hình: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp; xã, phường an toàn và trong sạch môi trường”; Tỉnh đoàn duy trì và phát huy hiệu quả 343 mô hình bảo vệ môi trường trong đoàn viên thanh niên; Hội Nông dân với mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư”, Hội Cựu chiến binh tiếp tục nhân rộng mô hình “Bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhân rộng các mô hình: “5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải tăng thu nhập”, “Hố rác gia đình”, “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn”, “Tổ phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn”, “Đường phố, khu phố xanh - sạch - đẹp”, “Ngày thứ bảy xuống đường dọn vệ sinh”, “Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường”... Những việc làm cụ thể từ các mô hình đang góp phần quan trọng tạo nên thói quen sản xuất, tiêu dùng xanh trong Nhân dân.

Chị Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech: Dù dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sản xuất xanh vẫn nhộn nhịp

PV: Chị có thể chia sẻ những lợi thế khác biệt của sản xuất xanh từ thực tế ở Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech?

Chị Bùi Thị Bích Ngọc: Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech hiện là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Thanh Hóa sản xuất sản phẩm hữu cơ thuộc lĩnh vực tẩy rửa bằng công nghệ enzyme. Công ty tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức lương trung bình từ 7 - 12 triệu đồng/tháng/người. Nhờ đón bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng xanh, trong 2 năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nhưng Fuwa Biotech không những duy trì sản xuất ổn định mà còn có bước phát triển mới. Từ 4 dòng sản phẩm khi mới thành lập (nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và enzyme) đến nay, sau hơn 2 năm công ty đã phát triển thêm 5 dòng sản phẩm mới và đều được thị trường đón nhận. Không những thế, công ty ngày càng nhận được nhiều lời mời hợp tác, mở nhà phân phối chính hãng tại các thành phố lớn, thậm chí còn vào sâu các tỉnh miền Nam như Kiên Giang, Long An...

PV: Tuy có lợi thế, song các sản phẩm xanh thường có giá thành cao hơn sản phẩm cùng dòng, sẽ khó tiêu thụ. Chị có thể chia sẻ cách mà các sản phẩm của Fuwa Biotech đến với người tiêu dùng?

Chị Bùi Thị Bích Ngọc: Do đặc thù của sản phẩm tự nhiên, giá thành cao hơn so với sản phẩm cùng dòng trên thị trường, lại không có nhiều chương trình khuyến mại, nếu dùng kênh và cách tiếp cận truyền thống thì Fuwa Biotech rất dễ thất bại. Vậy nên, chúng tôi chú trọng vào thị trường “ngách”, ít cạnh tranh về giá, mà cạnh tranh chủ yếu về chất lượng và dịch vụ. Một điều nữa là sản phẩm tự nhiên thường có tác dụng từ từ, vì vậy để tìm kiếm và giữ chân khách hàng, chúng tôi phát triển đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, chăm sóc, giải đáp thắc mắc về sản phẩm.

Rõ ràng sản xuất xanh, sạch đóng góp vai trò rất quan trọng, cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Nếu có được các cơ chế khuyến khích, kích cầu, thì tôi tin sẽ ngày càng nhiều hơn doanh nghiệp bước vào lĩnh vực này, chứ không ít ỏi như hiện nay.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa: Luôn có chương trình thúc đẩy tiêu dùng xanh

PV: Xin ông cho biết, Siêu thị Co.omart Thanh Hóa đã có những hoạt động nào để khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh?

Ông Lê Văn Liêm: Tiêu dùng xanh không chỉ là xu hướng ở Việt Nam mà là xu hướng tiêu dùng chung trên thế giới hiện nay, nhất là ở các nước phát triển. Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa luôn có chương trình thiết thực thúc đẩy tiêu dùng xanh. Trong một năm, siêu thị có 26 kỳ cẩm nang mua sắm, chúng tôi đã dành 10 kỳ ưu tiên giới thiệu, khuyến khích mua sắm, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, mỗi tháng siêu thị đều thực hiện chương trình “Tái sử dụng tạo tương lai”. Theo đó nếu khách hàng tự mang túi đựng đồ mà không dùng túi nilon sẽ được siêu thị hỗ trợ một phần kinh phí. Tháng 6 hàng năm, siêu thị tổ chức “Tháng tiêu dùng xanh”, với các hoạt động quảng bá, bày bán sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ... Đi kèm với đó là chương trình khuyến mãi hấp dẫn, khuyến khích khách hàng thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, tạo thói quen lành mạnh khi đi mua sắm.

Mặt khác, Co.opmart Thanh Hóa kiên quyết không bán những sản phẩm có hại cho môi trường, như đồ nhựa dùng một lần, hoặc nhãn hàng, sản phẩm bị cơ quan chức năng khẳng định có hành động gây hại ra môi trường.

Thành Phan (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]