(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo dục một con người là cả hành trình dài, các khóa trại hè từ 4-7 ngày chỉ đặt ra mục tiêu tương tác, uốn nắn để các con hiểu từ những điều nhỏ nhất. Vì thế các thầy cô đều quan sát, dõi theo và nắm bắt từng sự bộc lộ của các bạn nhỏ và nhẹ nhàng chỉ dẫn các con.

Trại hè - xu hướng giáo dục mới: Trao đi và nhận lại

Giáo dục một con người là cả hành trình dài, các khóa trại hè từ 4-7 ngày chỉ đặt ra mục tiêu tương tác, uốn nắn để các con hiểu từ những điều nhỏ nhất. Vì thế các thầy cô đều quan sát, dõi theo và nắm bắt từng sự bộc lộ của các bạn nhỏ và nhẹ nhàng chỉ dẫn các con.

Trại hè - xu hướng giáo dục mới: Trao đi và nhận lạiThể dục buổi sáng, bài học đầu tiên các con đến với trại hè.

Nhiệt huyết trao đi

“Trước mắt tuổi trẻ/ Rồi cũng sẽ trở thành ngày hôm qua/ Nên ta cứ sống vui đi/ Vì hôm nay là món quà” là những dòng giai điệu vui nhộn trong chuyến xe thiện nguyện của Trại hè Cánh Diều Xanh. Hà Phương, cô sinh viên năm thứ 2 khoa Luật chất lượng cao, Đại học Luật Hà Nội, ngay từ lớp 12 đã cùng một số học sinh và sinh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tổ chức trại hè miễn phí. Bởi “niềm vui nho nhỏ của em là được dành buổi chiều nhạt nắng thả cánh diều màu xanh khát vọng cho các em nhỏ vùng cao”. Nhiệt huyết “trao đi” ấy đã lan tỏa đến nhiều người. Vì thế chỉ sau 3 năm, nhóm trại hè thiện nguyện đã có danh sách cộng tác viên là 30 người; 2/3 trong số đó là học sinh THPT.

Lần đầu tiên tổ chức trại hè, Nhóm Giáo dục xứ Thanh chỉ mong muốn trao những giá trị tốt đẹp cho các bạn nhỏ. Giá trị ấy đến từ cô cậu bé còn tò mò, e dè, sợ bẩn, sợ bùn đất, sợ đau... Nhưng khi vào cuộc, sự ngần ngại của các em dần được gỡ bỏ thay bằng sự háo hức, cố gắng hoàn thành công việc. “Nhìn những tia nắng chiếu trên đầu, những giọt mồ hôi chảy dòng trên trán, trên mặt và thấm đẫm quần áo nhưng các con vẫn cười rất tươi, đó là động lực để chúng tôi nhận ra, con đường mình đang đi là đúng. Có những chia sẻ như: “Mệt nhưng vui ạ. Con vẫn làm tiếp được”, “Con làm được hết phần của mình còn giúp đội bạn nữa”, “Đi chân đất mát lắm cô ạ”, “Làm xong được ăn rồi được quà mang về, thích quá”... Vừa nghiêm khắc, kỷ luật trong bài học, vừa vui vẻ hết mình khi chơi đùa; yêu thương, quan tâm mà thầy, cô và các con dành cho nhau. Để rồi, hết khóa học chính các con đã đề nghị nhau gọi thầy cô là bố mẹ, rồi nói: “Chúng ta như một gia đình có rất đông con”. Niềm vui của người làm giáo dục là thế đấy ạ”, cô giáo Lê Thúy Phượng chia sẻ.

Trại hè - xu hướng giáo dục mới: Trao đi và nhận lạiLá thư của bé Hiển Long gửi mẹ.

Hầu hết các em tham gia trại hè cũng là lần đầu xa nhà, xa người thân. Chính điều đó khiến hành trình trao cho con, dù chỉ dăm bảy ngày đối với các thầy cô giáo cũng không hề dễ dàng. Có bạn gái được cả ông ngoại và mẹ đưa đến. Ông ngoại từng là người lính, bố cũng đang là bộ đội nên không gì lạ với môi trường quân đội nhưng vẫn ủng hộ cho bạn tham gia để học hỏi, rèn luyện. Và thực tế ngày đầu trại hè, cô bé ít nói, tham gia trò chơi cũng ở mức quan sát, lắng nghe mọi người, vào nhặt rau, bóc hành cũng rất nhẹ nhàng và làm nhón tay kiểu “không làm rau và tỏi đau”. Chị Đỗ Thị Phú (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cho biết: “Những ngày đầu tiên tôi như ngồi trên đống lửa, nhưng nhờ việc thường xuyên cập nhật ảnh, video mà tôi yên tâm hơn. Trong khi tôi đang chờ cô giáo trả lời thì con đã ngủ say giấc rồi. Và tự nhiên tôi giật mình: Hóa ra, chính mình khiến một ngày dài hơn”.

Giáo dục một con người là cả hành trình dài, các khóa trại hè từ 4-7 ngày chỉ đặt ra mục tiêu tương tác, uốn nắn để các con hiểu từ những điều nhỏ nhất. Vì thế các thầy cô đều quan sát, dõi theo và nắm bắt từng sự bộc lộ của các bạn nhỏ và nhẹ nhàng chỉ dẫn các con. Mỗi ngày trôi qua, thầy trò đều thấm mệt nhưng bài học và cảm xúc thì tràn đầy. Và sau đó là một giấc ngủ ngon như bác nông dân vừa cày xong thửa ruộng.

Và những cảm xúc không thể nào quên

5h30 sáng ngày đầu tiên xa gia đình, tiếng còi báo thức vang lên, các trại sinh nhanh chóng rời khỏi giường để tập trung tại sân và cùng các thầy cô khởi động ngày mới với nhiều hoạt động thú vị.

Sau màn khởi động là hàng loạt các hoạt động nối tiếp nhau trong ngày. “Lần đầu xa cái điện thoại con thấy khó chịu, nhưng sau 2 ngày, con quên luôn”, bé Nguyễn Trọng Phúc nói.

Nhận được lá thư con viết được cô giáo chụp lại gửi qua zalo, mẹ bé Lê Nguyễn Đức Thọ rớm nước mắt vì vừa nhớ con, vừa mừng: “Hôm nay là thứ 6 ngày 17. Ở Trại hè Tâm Việt, con được học rất nhiều điều, con đã tự giặt quần áo, đã được học gấp quần áo theo nhiều cách, buổi sáng thì được dậy rất sớm sau đó đi tập thể dục...”. Ở nhà quần áo mẹ gấp cẩn thận lắm, nhưng muốn tìm một cái áo, cái quần là con đảo tung tóe lên.

Hay thư của bạn nhỏ có tên là Lan Phương: “Con cũng tự giặt quần áo, dọn bát sau khi ăn. Hôm qua là ngày đáng nhớ nhất vì con được đốt lửa trại. Con vui lắm. Chiều nay con sẽ về. Con cảm ơn mẹ vì đã cho con đi trại hè”.

Trại hè - xu hướng giáo dục mới: Trao đi và nhận lạiNỗi buồn khi bé chuẩn bị chia tay trại hè.

Rồi những dòng thư của Minh Thư: “Ở trại con vào đội 2 có cô Liên quản. Có hôm con còn đi bộ hơn 5km. Cả nhà cứ yên tâm, con hứa chắc chắn sẽ trưởng thành hơn... Khi con về chắc là bố mẹ phải chuẩn bị một phòng riêng cho con vì ở đây con đã ngủ không cần bố mẹ cũng ngủ rất ngon”.

Nếu các bạn nhỏ thường kể lại những hoạt động lần đầu tiên mình được tham gia thì các anh chị lớn hơn lại bày tỏ cảm xúc, tự tin nói ra những điều con muốn nói.

“Ngày thứ 5 đã trôi qua với muôn vàn cảm xúc, các con được nghe chuyên gia nói về lòng biết ơn, để các con ngồi và suy ngẫm về khoảng thời gian thích nghi với cuộc sống không có ba mẹ ở bên cạnh. Và nhận ra nhà mình chính là nơi tuyệt vời nhất, chiếc giường ngủ hằng ngày là nơi êm ấm nhất, và nơi yên bình nhất chính là trong vòng tay của ba mẹ”.

Kết thúc những ngày tham gia trại hè, sau cái ôm chầm lấy nhau khi đội mình giành chiến thắng; cùng nhau vắt những bộ quần áo để nhanh khô; cùng tâm sự, chia sẻ cảm xúc và cùng nhau chiến thắng chính bản thân mình; hình ảnh cảm động nhất chính là những cái nắm tay bịn rịn, quyến luyến không muốn rời của những người bạn mới.

“Vậy là chỉ sau 4-7 ngày tham gia, các bố mẹ đã thực thấy những thay đổi của con, những giá trị chân thật mà khóa học đem lại. Thay vì lo lắng, bố mẹ đã tìm cách giải quyết và giúp con có cơ hội thay đổi và học thêm những bài học mới. Đó là quá trình trao đi để nhận lại. Khi các con dám sống, vui vẻ hòa nhập thì các con có thêm những người bạn, khi bố mẹ dám thả con ra thì con sẽ trưởng thành”, cô giáo Lê Thúy Phượng chia sẻ.

Bài và ảnh: K.H



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]