Sau quãng thời gian thử sức với nhiều lĩnh vực như: thương mại dịch vụ, xây dựng... anh Lê Văn Thành, sinh năm 1982, tại thôn Hữu Cần, xã Tế Lợi (Nông Cống), chưa ngày nào có kiến thức về nông nghiệp. Thế nhưng, sự đam mê làm nông nghiệp đã thôi thúc anh đi đến các trang trại ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước thu thập thông tin, học hỏi cách thức sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu, học hỏi anh Thành nhận thấy, nông nghiệp hiện đại ngoài tính quy mô, cần phải lấy tiêu chí “sạch” làm đầu. Dẫu anh biết rằng, sản xuất sản phẩm sạch sẽ tốn nhiều chi phí, phải cần thời gian để người tiêu dùng thích nghi và chấp nhận, song, anh vẫn quyết tâm mang sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường, với mục tiêu là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Anh Lê Văn Thành nhớ lại: “Năm 2018, sau nhiều năm thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tích cóp được số vốn ít ỏi lại thấy vùng đất khoảng 6 ha quanh nhà tại thôn Hữu Cần - vốn là vùng đất sâu trũng khó sản xuất nên người dân một phần bỏ hoang, một phần sản xuất lúa 1 vụ hiệu quả kinh tế thấp. Nên tôi đã mạnh dạn thuê, thầu lại với hình thức 5 năm để quy hoạch thành vùng sản xuất lớn, từng bước hình thành “căn cứ địa” thực hiện giấc mơ của mình. Nhưng sau 2-3 năm sản xuất một số cây trồng truyền thống theo hướng thuận tự nhiên thì hiệu quả không được như kỳ vọng, không đủ chi phí sản xuất. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc phát huy mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà nông và nhà khoa học vào sản xuất nông nghiệp”.

Bên cạnh đó, trong dòng chia sẻ của anh Thành, cơ duyên để anh kiên định với hướng phát triển của mình chính là một lần đi tham quan tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thấy vùng đất ấy khó khăn, khắc nghiệt nhưng với hướng sản xuất bền vững, hiện đại, những vườn cây trái hữu cơ vẫn xanh tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Khiến anh càng quyết tâm khắc chế vùng đất khó quê hương.

Với anh Lê Văn Thành, làm nông nghiệp sạch, đam mê thôi chưa đủ. Anh luôn ý niệm, muốn thành công, muốn có sự đột phá tất yếu phải có khoa học kỹ thuật “dẫn đường”. Bởi vậy sau 2-3 năm sản xuất “mù mờ” không có kế hoạch cụ thể, anh đã bỏ qua lối đi truyền thống với các loại cây trồng cũ, cách chăm sóc thủ công để quyết định chi hàng tỷ đồng đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tự động và cung cấp dinh dưỡng cho cây theo công nghệ Israel. Đồng thời, anh cũng “mạnh tay” mời các chuyên gia về tận thôn Hữu Cần để phân tích chất đất, đo độ PH và đánh giá khả năng phù hợp với một số loại cây trồng nhu cầu, thị hiếu của thị trường lớn.

Sau khi nắm trong tay bản phân tích chất đất của chuyên gia, anh Thành đã xin chủ trương đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đến vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để học tập kinh nghiệm sản xuất. Ngoài một số loại rau màu, loại cây trồng thu hút anh Thành chính là cây nho Hạ Đen - loại cây trồng “kén đất” cho hiệu quả kinh tế cao và đang được thị trường ưa chuộng. Sau khi dắt lưng những kiến thức, kinh nghiệm đầu tiên cho sản xuất hữu cơ và nhất là kỹ năng trồng cây nho Hạ Đen, tháng 5-2022, anh Lê Văn Thành đã bắt tay cải hóa đất, thử sức với phương thức sản xuất hiện đại.

Đến nay, trên tổng số 6 ha đất thuê thầu lại của người dân và UBND xã Tế Lợi, anh đã hình thành được vùng sản xuất lớn, gồm 4.000 m2 nhà lưới sản xuất rau, củ quả an toàn và gần 10.000 m2 giàn mái vòm để sản xuất nho Hạ Đen. Đi trong khu sản xuất xanh mướt rau, củ mới thấy được ý chí và quyết tâm của anh Lê Văn Thành. Bởi, sau nhiều năm nỗ lực không nghỉ của gia đình anh, vùng đất sâu trũng, nghèo kiệt tại thôn Hữu Cần ngày nào đã được quy hoạch bài bản, trở thành các phân khu sản xuất hiện đại.

Anh Thành vui vẻ, cho biết: “Để có được mảnh đất sản xuất bằng phẳng, màu mỡ như hôm này, chúng tôi đã đầu tư gần 2 tỉ đồng để san lấp, nâng nền, cải tạo đất, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới và vật tư sản xuất. Nhất là đối với cây nho Hạ Đen là giống cây mới nên chúng tôi phải nhập khẩu giống từ nước ngoài về, liên kết với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăm sóc. Tuy khu sản xuất đã ứng dụng công nghệ tưới hiện đại, quản lý qua hệ thống phần mềm nhưng vẫn cần có 2-3 lao động thường xuyên chăm sóc, theo dõi quy trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng”.

Cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, anh Lê Văn Thành đã biến vùng đất hoang hóa ngày nào thành vùng đất thí điểm cho sản xuất hữu cơ, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của huyện Nông Cống. Điều mà anh luôn trăn trở và tuân theo là “nói không” với hóa chất, “nói không” với phân bón vô cơ để từng bước hình thành và thay đổi ý thức hệ về nông nghiệp hiện đại - nông nghiệp sạch.

Tham quan vườn nho Hạ Đen diện tích gần 10.000 m2 của  gia đình anh Lê Văn Thành với những chùm nho sai trĩu quả, không thể tin vùng đất “chưa mưa đã lụt” chỉ quen với trồng lúa, rau màu lại có thể phát triển thứ cây trồng mới đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao. Khác với những mô hình khác, cây nho Hạ Đen được anh Thành chăm bón bằng những vật tư mới, như: ủ phân từ vỏ trái cây để mục, tưới nước sạch và sử dụng emzim hữu cơ để xử lý sâu bệnh... Anh Thành cho biết: “Lâu nay, đa phần người nông dân vẫn lạm dụng phân bón hóa học để chăm sóc cây trồng. Việc làm này mang lại lợi ích tức thời, đẩy cây phát triển nhanh, song vô hình chung sẽ làm cho đất ngày càng chai sạn, cây cối sẽ cằn cỗi và điều quan trọng là không cho sản phẩm sạch đúng nghĩa. Vì vậy, mặc dù chậm song tôi vẫn kiên trì phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ. Đây là cách vừa cải tạo đất, làm sạch đất, sạch nước vừa bảo vệ môi trường”.

Sản xuất cây nho Hạ Đen thực sự là thử thách với người đàn ông ngưỡng tuổi 40. Và thực tế, trong quá trình sản xuất giống cây này, đã nhiều lần nụ cười vụt tắt ở người đàn ông giàu nhiệt huyết Lê Văn Thành. Đó là lần vào mùa khô cây rụng hết lá, trơ cành không còn sự sống hay những lần vườn cây vẫn xanh tốt, rậm rạp nhưng không thể ra hoa, hết quả, thậm chí là những đợt cả giàn cây trĩu quả xong nứt đồng loạt chỉ sau một cơn mưa đêm... “Trồng nho Hạ Đen cần chú trọng về khâu kỹ thuật, trước khi đưa cây giống vào trồng, cần phải làm sạch cỏ và cày bừa kỹ đất, sau đó làm luống và đào hố trồng. Kích thước luống rộng khoảng 1,5 m, cao khoảng 25-30 cm, khoảng cách trồng cây cách cây 1 m và hàng cách hàng 3 m; sử dụng phân chuồng hoai mục và phân vi sinh để bón lót cho vườn nho. Trong quá trình chăm sóc, cứ cách một tháng sẽ bón phân một lần, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển. Trong quá trình chăm sóc, cần thường xuyên tỉa bớt các lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất tầng dưới. Đồng thời, cắt tỉa những quả bị chèn ép vào nhau khi quả còn xanh để chùm nho đều quả, phát triển cân đối, tạo hình dáng và nâng cao chất lượng chùm nho sau này. Đó là những kiến thức mà tôi luôn chăm chỉ góp nhặt suốt hơn 1 năm sản xuất, phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Đại học Nông lâm Bắc Giang để ứng dụng vào khu sản xuất của gia đình”. Anh Thành chia sẻ.

Đến nay, sau hơn 1 năm, khu sản xuất đầu tiên “tiệm cận” tới danh hiệu nông nghiệp hữu cơ của huyện Nông Cống đã có được những thành quả bước đầu. Đã có nhiều đơn vị phân phối tìm đến “đòi” liên kết tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn và nho Hạ Đen. Song, với cây trồng truyền thống thì có thể ký kết bởi kỹ thuật sản xuất đã nằm lòng những lao động “ruột”, họ có thể điều chỉnh thời vụ, thời điểm xuống giống của từng loại cây phù hợp với thị hiếu của thị trường. Song với cây nho Hạ Đen, anh Thành cho biết: “Là vụ đầu tiên nên chúng tôi phải đến ngày thu hoạch mới có thể thở phào nhẹ nhõm, khi đó mới có thể tự tin đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi như đã chia sẻ, chỉ cần một cơn mưa, một đợt sương độc... mà không chủ động ứng phó thì chất lượng và năng suất của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, khi đó nếu hợp đồng trước sẽ không bảo đảm các quy định”.

Để bảo đảm sản lượng nho cung cấp cho thị trường thường xuyên, trong hơn 10.000 m2 sản xuất, anh Thành chủ động điều chỉnh thành 3 lứa thu hoạch khác nhau. Trung bình mỗi lứa sản lượng có thể đạt 2-3 tấn/lứa. Doanh thu đạt 400-450 triệu đồng/lứa. Đây là hiệu quả kinh tế vượt trội, lý tưởng ở vùng đất khó khăn này.

Bà Lê Thị Sáu, người lao động thường xuyên tại khu sản xuất cho biết: “Nhìn những giàn nho lúc lỉu quả, tròn trịa, đẹp mắt tôi cứ ngỡ mình đang ở Ninh Thuận, không bao giờ dám nghĩ ở quê mình có thể sản xuất được. Nhưng từ khi tham gia lao động tại khu sản xuất của anh Thành, tôi có thể nắm thêm những quy trình, kỹ thuật mới, hiện đại. Đồng thời hiểu rằng, chỉ có nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch mới là hướng phát triển bền vững”.

Đi giữa vùng sản xuất rộng lớn, mang nhiều triển vọng phát triển kinh tế, anh Lê Văn Thành đã tự tin vạch ra những kế hoạch phát triển mới: “Không chỉ mở rộng phát triển sản xuất rau củ quả an toàn và cây nho Hạ Đen, tôi còn dự định đầu tư máy ép lọc và hệ thống lên men để sản xuất rượu vang. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng để phù hợp với loại hình du lịch canh nông, du lịch sinh thái”.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp không bao giờ là câu chuyện dễ dàng, song với sự đầu tư bài bản, nhiệt huyết và quyết tâm lớn, anh Lê Văn Thành đã định hình được hướng phát triển riêng cho mình - đó đã là điều đáng để ghi nhận. Dẫu con đường phía trước còn nhiều thử thách và chông gai, chúng tôi tin tưởng rằng, không xa nữa, xã Tế Lợi nói riêng và huyện Nông Cống nói chung sẽ có điểm du lịch canh nông hấp dẫn và hệ thống sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng, được thị trường tin dùng, đánh giá cao.

Nội dung và ảnh: Lê Hòa - Khánh Phương

Đồ họa: Mai Huyền