Pù Luông một ngày tháng 6 nắng lóa mắt và trời xanh như rút ruột mà xanh, chúng tôi cất vào hành trang câu dặn dò của anh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm BTTN Pù Luông “Lên đi, anh đợi. Mùa này, Pù Luông gửi vào lòng những vị lãng du lời mời gọi nhiều âm sắc. E sẽ có nhiều cái hay để viết đấy!” và ngược núi.
Bắt đầu từ rất sớm, bà con gọi nhau ra đồng, có người phụ nữ địu theo con nhỏ trên lưng để vừa trông con vừa làm việc... Họ cùng nhau vằm những nhát cuốc xuống đất, đào mương, khơi rãnh, đắp bờ để dẫn nước từ khe về ruộng cho mùa vụ mới. Bắt đầu từ những mảnh trên cao, trữ nước để hôm sau tháo sang các mảnh ruộng khác. Cứ thế, những dòng nước nối tiếp nhau chảy từ bậc thang này sang bậc thang khác, len lỏi qua những bờ đá, đánh thức những mảnh ruộng khô cằn. Nước về tới đâu, bà con làm đất, gieo mạ, cấy lúa tới đó.
Dưới nắng trưa, những thửa ruộng mới cấy như được mạ vàng, đan xen cùng luống đất nâu lóng lánh nước tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, kì vĩ. Dừng chân dưới mái nhà sàn nghỉ ngơi, đón từ tay mế bát nước cây bổ máu – thứ nước “tăng lực” của riêng đồng bào vùng cao. Khoan khoái ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng, một cơn gió thổi từ đỉnh dốc về dưới thung lũng khiến cây lá nhất loạt lao xao.
Rời bản Đôn, xã Thành Lâm – Nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất, trời đang hanh hao nắng, thoắt cái thấy mây mù âm âm trước mắt. Xe lên đến lưng chừng dốc thì đã lộp độp, lộp độp. Chỉ thêm một đoạn, mưa bắt đầu nặng hạt. Mùi đất thoang thoảng trong không gian. Qua tấm kính mờ, mưa nhảy lanh canh trên đường, rộn rã reo vui. Dưới mái nhà sàn, mấy đứa trẻ tranh thủ lúc bố mẹ chưa về, rủ nhau ra sân tắm mưa. Chúng tụm 5, tụm 3 trêu chọc những con ếch nhỏ rồi cười khoái chí. Thì ra, mái nhà sàn rộng để náu mưa, cao để tránh những lần nước suối dâng cao, ấm để vỗ về những tấm thân nhỏ giữa đất và trời.
Đi theo chỉ dẫn trên Google Map, chúng tôi lạc vào sâu lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đi cũng dở mà quay lại cũng không xong, đành tiếp tục lên đường theo hướng từ Thác Hiêu qua bản Kho Mường đến Trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ở xã Thành Sơn. Con đường bê tông rộng đủ cho xe đi qua, nhưng lại dốc lên – dốc xuống theo từng khúc cua tay áo với một bên ta luy dựng thành, một bên là vực sâu thăm thẳm. Ngồi trong xe có thể ngửi thấy mùi khét lẹt của phanh và nghe được tiếng nước réo sôi sùng sục trong bình làm lạnh khi xe xuống dốc hoặc lên dốc.
Sau gần 2 tiếng cầm lái căng như dây đàn, Trụ sở Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm yên bình trên mỏm đá lớn, ở cuối bản Pa Đan, xã Thành Sơn. Dưới chân Trụ sở bao la là rừng, rừng nối nhau chạy từ đỉnh núi xuống thung sâu. Mưa ngớt, mặt trời lại ló ra sau đám mây như trêu chọc và nắng vàng hươm trên những ngọn đồi, một khung cảnh thanh bình đến mê mải. Lũ mây không biết ở đâu bay đến, bò lổm ngổm trên từng triền đá, quyện vào cây cỏ, xóa nhòa ranh giới giữa đất với trời. Với đồng bào nơi đây, mây đã là một phần thân thuộc trong cuộc sống. Họ thức dậy cùng mây, lên nương trong mây và xem mây như một người bạn. Tuy nhiên, với du khách, mây lại là nét gì đó rất riêng của núi. Bởi thế, nhiều du khách lựa chọn lên núi “trái mùa” để cảm nhận hết cái đẹp của sơn thủy hữu tình ở Pù Luông.
Ánh hoàng hôn chỉ kịp lấp ló rồi tắt hẳn nhưng không gian tĩnh lặng và thanh bình tưởng như có thể nghe được tiếng con giun đất kêu sau mưa, mới hay ở nơi núi cao, rừng sâu này, vạn vật đều khát những hạt mưa. Dù đó có là những mảnh ruộng khô cằn, nứt nẻ; hay những loài côn trùng; ngay cả con người ... đều tìm thấy sức sống từ mưa.
Xe của chúng tôi sau chuyến đi dài đã không thể gắng gượng phải đợi thợ từ dưới thị trấn lên bảo dưỡng vào sáng mai. Tối ấy, gió rì rào, lá rừng rung rinh, mưa giăng trắng trời. Trời se lạnh! Mâm cơm được dọn ra với gà rang, măng xào tía tô, đĩa lặc lày luộc... Bên chén rượu men lá thơm nồng, anh bạn đồng hành của tôi chia sẻ cảm xúc đã trải qua: “Vất vả nhưng vui và nhớ đời!”. Còn với một người dành gần hết cuộc đời ăn núi, ngủ rừng, anh Hùng đúc rút: “Lên núi gặp mưa thì cách tốt nhất là nên vào bản trú chân. 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng và có thể lâu hơn nữa, mưa sẽ tạnh. Thời gian ấy đủ để ta với người trở thành bạn. Ở vùng đất này, ai trong cuộc đời cũng không tránh được những cơn mưa bất chợt, nay ta đón khách lạ, mai kia ta sẽ được người bản khác chào đón như thế. Những cơn mưa đôi lúc còn dạy ta cách làm người, biết cho và nhận”.
Đêm. Dưới mái nhà sàn, mưa miên man như kể chuyện. Những trận lũ đã qua, những bản làng xơ xác, những nương ngô gãy nát..., mưa gợi cho mái đầu bạc nhớ những ký ức buồn. Tôi lại nhớ, lần theo mẹ ra ruộng, sau một cơn bão đổ về. Mẹ cặm cụi vun luống lên cao, trồng lại gốc ngô, gốc khoai. Mẹ bảo, sau giông gió là nắng ửng hồ, ngô khoai sẽ đâm chồi nảy lộc. Ông trời có vay có trả, nhưng sẽ không phụ lòng người cố gắng.
Tôi thức giấc ở Pù Luông trong tiếng suối róc rách. Tiết trời sớm mai se lạnh. Không gian yên ả đến nhẹ lòng. Lót dạ bằng thanh cơm lam được nấu từ hạt gạo nếp gieo trồng trên những thửa ruộng bậc thang của người Thái đã giúp chúng tôi đủ sức trở về với những bộn bề mưu sinh.
Hẹn gặp lại Pù Luông ở một ngày không xa để chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất này.
Yêu thương lắm từng mảnh đất quê hương mình!