(vhds.baothanhhoa.vn) - Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Chung tay chăm sóc, bảo đảm quyền trẻ em

Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Chung tay chăm sóc, bảo đảm quyền trẻ emHuyện đoàn Quảng Xương tổ chức cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tham quan phòng truyền thống của huyện. Ảnh tư liệu: Quỳnh Anh

Bước chuyển mới trong thực hiện quyền trẻ em

Để thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại các địa phương trên địa bàn tỉnh theo Luật Trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 17-7-2017 về việc xếp hạng các huyện, thị xã, thành phố về thực hiện quyền trẻ em giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, việc xếp hạng được thực hiện thông qua bộ chỉ số thực hiện quyền trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) ban hành đã phản ánh đúng những kết quả đã đạt được qua các chỉ tiêu, mục tiêu thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, đẩy mạnh thực hiện hoạt động đảm bảo quyền trẻ em, phát huy tổng hợp các nguồn lực để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu trong các chương trình hành động vì trẻ em.

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, các sở, ban, ngành, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và triển khai, thi hành Luật Trẻ em nói riêng bằng các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, trong đó chú trọng và tập trung tuyên truyền tại cộng đồng, đặc biệt là các địa bàn nông thôn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cao. Từ đó, công tác quản lý nhà nước về trẻ em ngày càng được tăng cường; công tác truyền thông vận động xã hội quan tâm và chung tay góp sức chăm lo cho trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được chú trọng thực hiện, đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và quyền của trẻ em ngày càng được đảm bảo, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáng kể trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 6-2021, toàn tỉnh hiện có 936.972 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 4,36% (so với cùng kỳ năm 2020 giảm 0,13%); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau ước đạt 93%; 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em lao động sớm, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được trợ giúp; tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích là 46/100.000 trẻ… Đến nay, 100% huyện, thị xã, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban điều hành Bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã; 80% các thôn, xóm, bản, phố bố trí cộng tác viên bảo vệ trẻ em kiêm nhiệm như cán bộ phụ nữ thôn, cán bộ dân số thôn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song khi triển khai thực hiện Luật Trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: tại Điều 90 của Luật Trẻ em quy định giao UBND các cấp “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em”..., “UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em”..., nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị chưa quan tâm, bố trí ngân sách, bố trí cán bộ cho công tác bảo vệ trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa được cấp ủy, chính quyền một số địa phương quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chưa thực sự chặt chẽ. Nhận thức của gia đình và cộng đồng về thực hiện Luật Trẻ em, về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn chưa đầy đủ, nên một số địa phương vẫn để xảy ra một số vụ việc bạo lực, xâm hại, đuối nước trẻ em nghiêm trọng…

Theo thống kê của Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2018 đến ngày 19-7-2021, trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 204 trường hợp là đối tượng trẻ em (riêng từ đầu năm đến nay thực hiện gần 70 vụ), hầu hết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục, bạo lực học đường.

Nâng cao hiệu quả

thực hiện Luật Trẻ em

Để Luật Trẻ em được triển khai có hiệu quả, đi vào cuộc sống, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Tại huyện miền núi Như Xuân, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ được quy định tại Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Huyện thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025.

Bà Lê Thị Bảy, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Như Xuân cho biết: Hàng năm Phòng LĐ,TB&XH tham mưu cho UBND huyện xây dựng quy chế phối hợp với các đoàn thể như hội liên hiệp phụ nữ, huyện đoàn nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng quy chế liên ngành, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời phối hợp với Chương trình phát triển vùng Như Xuân (Tổ chức Tầm nhìn thế giới) tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn Luật Trẻ em, hỗ trợ can thiệp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tham mưu cho huyện bố trí nguồn lực cũng như huy động các nguồn lực để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị xâm hại, tai nạn, thương tích động viên trẻ một cách kịp thời.

Cũng theo bà Lê Thị Bảy, vai trò trách nhiệm của cha mẹ và người thân là điều quan trọng nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại trẻ em gây ra, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Còn ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh, cho rằng: Để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả, xem việc thực hiện Luật Trẻ em là nội dung căn bản của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hiện nay. Muốn làm được điều đó phải có sự quyết tâm rất lớn, trước tiên phải có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị chứ không riêng một ngành, một cấp nào. Đồng thời cần nghiêm túc trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật về triển khai thực hiện các biện pháp chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tiếp tục rà soát, tham mưu bổ sung hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em (đặc biệt là hành vi dâm ô đối với trẻ em), để thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật về xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

Để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, các sở, ngành liên quan cấp tỉnh cũng đã xây dựng nhiều giải pháp thiết thực, tiêu biểu như năm 2021, Sở LĐ,TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch, 1 văn bản chỉ đạo về công tác trẻ em; trong 6 tháng đầu năm ban hành 41 công văn hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện, thị xã, thành phố cũng như phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2026”.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]