(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là tỉnh tiên phong trong cả nước đưa ra Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành Sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức. Đề án nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành Sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Khó khăn trong tuyển sinh

Thanh Hóa là tỉnh tiên phong trong cả nước đưa ra Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành Sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức. Đề án nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành Sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030.

Năm học 2018 - 2019 là năm đầu tiên Trường ĐH Hồng Đức thực hiện Đề án đào tạo nguồn chất lượng cao đối với 4 ngành gồm: Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tuyển sinh được 3 lớp chất lượng cao. Trong đó, lớp Sư phạm Toán có 1 học sinh, Sư phạm Lịch sử có 11 học sinh, sư phạm Ngữ văn có 9 học sinh trúng tuyển, riêng lớp sư phạm Vật lý không có học sinh nào. Mặc dù số lượng thí sinh trúng tuyển không đủ chỉ tiêu 20 học sinh/ lớp, tuy nhiên, năm học này, Trường ĐH Hồng Đức vẫn quyết tâm mở lớp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Ông Hoàng Dũng Sỹ - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: Nguyên nhân của việc số lượng học sinh trúng tuyển vào các lớp chất lượng cao đạt tỷ lệ thấp là do Đề án đào tạo nguồn chất lượng cao ngành sư phạm mới được triển khai vào đầu tháng 4/2018. Do đó, nhiều bậc phụ huynh, học sinh chưa nắm được thông tin cũng như mục tiêu của đề án và những quyền lợi của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, điểm thi THPT Quốc gia năm nay thấp hơn nhiều so với các năm học trước nên nhà trường gặp khó khăn trong tuyển sinh các lớp sư phạm chất lượng cao. Đồng thời, ông Hoàng Dũng Sỹ cũng khẳng định: Dù chương trình đào tạo các lớp chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhà trường vẫn quyết tâm thực hiện đề án và năm học tới, trường tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa, mở thêm 4 lớp sư phạm chất lượng cao: Địa lý, Tiếng Anh, Sinh học và Hóa học.

Điều kiện xét tuyển là các sinh viên có điểm thi đầu vào đại học đạt 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học (không tính điểm nhân hệ số của từng môn thi nếu có); trong đó, không có môn nào dưới 5 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8 điểm trở lên hoặc sinh viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Đại học Hồng Đức.

Để chuẩn bị cho việc mở lớp đào tạo chất lượng cao ngành sư phạm năm học này, Trường ĐH Hồng Đức đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để phục vụ công tác giảng dạy. Đội ngũ giảng viên của nhà trường 100% là trình độ tiến sĩ và 1/3 trong số đó được đào tạo ở nước ngoài. Hầu hết giáo viên đều tự nguyện nhận 1/2 số giờ thực giảng nếu như lớp học chất lượng cao dưới 10 sinh viên. Bên cạnh đó, ngoài các quyền lợi của sinh viên nói chung, sinh viên các lớp chất lượng cao còn được hưởng các quyền lợi như: tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên sẽ thuộc diện được hưởng quyền lợi về tuyển dụng theo Công văn số 3421/UBND-VX của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; không phải đóng học phí, phí phòng ở ký túc xá trong suốt thời gian đào tạo; được cấp học bổng học tập với mức lương cơ bản/ tháng x 10 tháng/năm nếu đạt học lực giỏi trở lên (xét theo kết quả học tập sau mỗi kỳ)...

Mặc dù quyết tâm khắc phục khó khăn mở các lớp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, với số lượng sinh viên thấp dưới 10 sinh viên/ lớp, thậm chí cá biệt có lớp chỉ có 1 sinh viên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo, gây lãng phí trong quá trình đào tạo của nhà trường. Nguồn kinh phí để đào tạo 20 sinh viên/lớp, nay chỉ dùng cho 1 sinh viên; phòng học chỉ phục vụ 1 sinh viên; cán bộ giáo viên vẫn phải lên lớp dạy đủ giờ học cho 1 sinh viên... Trong khi đó, chương trình đào tạo chất lượng cao khác xa chương trình đào tạo thường, bởi chương trình đào tạo chất lượng cao đòi hỏi sự ứng dụng nhiều hơn, các môn chuyên ngành của lớp chất lượng cao không thể ghép vào các môn lớp thường. Ngoài ra, khi 1 lớp chỉ có 1 sinh viên thì việc tương tác giữa các sinh viên với nhau là không có, sự phấn đấu, hỗ trợ nhau trong học tập cũng bị hạn chế, áp lực của việc trên lớp chỉ có 1 thầy và 1 trò... Do đó, nên chăng Trường ĐH Hồng Đức cần có sự linh hoạt hơn trong công tác tuyển sinh, xét tuyển; đẩy mạnh tuyên truyền để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào các lớp chất lượng cao của nhà trường...

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trường ĐH Hồng Đức đã chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm. Đề án đã được Bộ GD&ĐT xác nhận tại Công văn số 867 ngày 8/3/2018. Theo đó, Trường ĐH Hồng Đức được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 4 ngành chất lượng cao, gồm: Sư phạm Toán học; Sư phạm Vật lý; Sư phạm Ngữ văn; Sư phạm Lịch sử, với chỉ tiêu đào tạo hằng năm của mỗi ngành là 20. Đối với những ngành này, sau khi tốt nghiệp từ loại khá trở lên, sinh viên sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]