(vhds.baothanhhoa.vn) - Lấy nhau rồi sinh con đẻ cái, rồi đường ai nấy đi, rồi tiếp tục giành quyền được nuôi con sau chia tay... Giành quyền nuôi con? Đó là ứng xử nhân văn của những người làm cha, làm mẹ khi vẫn còn tình phụ tử - mẫu tử hay đơn giản hơn đó chỉ là hành động của cái “tôi” trong mỗi người khi muốn chiến thắng cái “tôi” của người khác?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng để con trẻ thêm đau...

Lấy nhau rồi sinh con đẻ cái, rồi đường ai nấy đi, rồi tiếp tục giành quyền được nuôi con sau chia tay... Giành quyền nuôi con? Đó là ứng xử nhân văn của những người làm cha, làm mẹ khi vẫn còn tình phụ tử - mẫu tử hay đơn giản hơn đó chỉ là hành động của cái “tôi” trong mỗi người khi muốn chiến thắng cái “tôi” của người khác?

Bản án từ một cuộc hôn nhân không giá thú

Ngày 28/2/2017, chị Lê Thị Hảo, sinh năm 1979 ở xóm 1, xã Xuân Thọ (Triệu Sơn) làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Triệu Sơn với 2 nội dung: Đề nghị TAND không công nhận quan hệ giữa chị Hảo và anh Lê Xuân Thanh, xóm 8, xã Hợp Tiến (Triệu Sơn) là vợ chồng (anh Thanh, chị Hảo tự nguyện về ở với nhau, không đăng ký kết hôn - PV) và đề nghị được nuôi cháu Lê Thị Diệu H, sinh năm 2011, là con chung của 2 người. Anh Thanh, chị Hảo có 2 người con chung là cháu Diệu H và cháu Anh Hoàn.

Tại bản án sơ thẩm số 27/2017/HNGD-ST ngày 14/6/2017, TAND huyện Triệu Sơn đã quyết định: Không công nhận quan hệ giữa anh Thanh và chị Hảo là vợ chồng. Giao cháu Lê Thị Diệu H cho anh Thanh tiếp tục nuôi dưỡng, giao cháu Lê Anh Hoàn cho chị Hảo tiếp tục nuôi dưỡng, không ai phải cấp dưỡng nuôi con chung.

Tuy nhiên, sau đó chị Hảo đã kháng cáo với nội dung xin được nuôi cháu Diệu H với lý do: Anh Lê Xuân Thanh làm thợ xây nên thường xuyên đi làm ăn xa không có điều kiện để chăm sóc cháu H và anh Thanh đã gửi con cho anh Trần Văn Tùng ở xóm 8, xã Hợp Lý (Triệu Sơn) chăm sóc (có xác nhận của công an viên xóm 8 và phó trưởng Công an xã Hợp Lý xác nhận ngày 24/9/2017).

Nhận định của TAND tỉnh Thanh Hóa tại bản án số 59/2017/HNGD-PT ngày 29/11/2017: Anh Thanh đi làm ăn xa và đã giao cháu H cho người hàng xóm chăm sóc là không đảm bảo về mọi mặt cho cháu H, chị Lê Thị Hảo kháng cáo là có căn cứ nên chấp nhận kháng cáo của chị Hảo. Sửa bản sơ thẩm giao cháu Lê Thị Diệu H cho chị Lê Thị Hảo trực tiếp nuôi dưỡng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngày 29/12/2017, tại biên bản về việc thỏa thuận thi hành án, anh Lê Xuân Thanh cũng đã đồng ý ký vào biên bản này để giao cháu Diệu H cho chị Lê Thị Hảo chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng đã gần 10 ngày trôi qua, chị Hảo vẫn chưa được đón cháu H về. Chị Hảo khẩn cầu: “Tôi rất mong cháu được về bên này với tôi. Lúc nào lòng tôi cũng canh cánh với cháu. Xin mọi người hãy giúp tôi...”.

Chị Hảo vẫn mong con được về với mẹ như biên bản thoả thuận mà anh Thanh đã ký.

Xin hãy rộng lòng...

Khi chúng tôi về căn nhà của chị Hảo ở thôn 1, xã Xuân Thọ (Triệu Sơn) thì trời cũng đã nhá nhem tối. Rất may, chị vừa đi làm ở Công ty Giày da Hồng Uy về. Trong nhà, còn có mẹ chị và 2 đứa con trai: 1 con riêng của người chồng đầu tiên và 1 con chung với anh Thanh. Đi qua 2 lần đò, hạnh phúc hôn nhân vẫn chưa mỉm cười với người đàn bà 38 tuổi này. Ngày chị rời khỏi căn nhà của anh Thanh thì cháu bé thứ 2 mới sinh được 29 ngày còn cháu Diệu H mới hơn 1 tuổi. Chị ra khỏi nhà chỉ mang được cháu Anh Hoàn là bé thứ 2 còn Diệu H như chị nói, anh Thanh không cho chị mang đi.

Dư luận những ngày qua, có những người cảm thông với chị, cũng có người phê phán chị vì sao chị không có 1 lần thăm con trong 5 năm qua thì giờ sao lại đòi quyền nuôi con? Chị Hảo nhớ lại: “Khi chúng tôi ly thân, anh Thanh vẫn đèo con lên nhà mẹ đẻ của tôi để cho cháu H được chơi với em nó, nhưng mỗi lần lên, anh Thanh thường không nói gì. Khi bé H đến tuổi đi học mầm non, tôi thấy anh ấy vẫn chưa cho cháu đi học, tôi có giục thì anh mới cho cháu đi học bên Trường Mầm non Hợp Tiến vào năm 2015. Trong khi đó, tôi làm giấy khai sinh và nhập khẩu cho các cháu là ở xã Xuân Thọ. Năm này, tôi cũng đã có ý định mang cháu về học bên này nhưng anh Thanh không cho, và từ đó anh Thanh cũng không đưa cháu H sang chơi nữa. Năm 2015 tôi có thăm cháu được 1 lần, năm 2016 tôi không thăm và năm 2017 tôi gặp cháu ở tòa án huyện.

Tôi hỏi: “Vì sao đến giờ này chị mới giành quyền nuôi con mà không phải là từ vài năm về trước?”. Chị Hảo lắc đầu: “Tôi muốn lắm chứ, nhưng tôi không đủ mạnh mẽ. Tôi thấy nhiều trường hợp xấu khi con thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ mà con tôi lại là con gái, rồi anh Thanh lại là lao động tự do, cứ gửi con sẽ hạn chế trong việc chăm sóc, nên muốn được cháu về với mẹ”.

Chị Hảo bùi ngùi kể lại: Sáng 29/12/2017, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Triệu Sơn yêu cầu anh Thanh và tôi lên trụ sở xã Hợp Tiến để ký vào biên bản thỏa thuận thi hành án. Lúc tôi lại gần để bế cháu H thì cháu khóc, không theo tôi. Anh Thanh mới bảo cho cháu ra lớp để các cô dỗ cháu, tôi cũng đồng ý. 13h cùng ngày tôi đến đón cháu thì cô giáo của cháu H bảo 16h mới tan. Và tôi đã ngồi ở cổng 3 tiếng đồng để đợi đón cháu. Đến 16h tôi vào lớp, tìm không thấy cháu đâu. Các cô bảo bố cháu đã đón...”

Tại thời điểm khi chúng tôi có mặt ở nhà chị Hảo, một số bà con khi biết có PV về cũng đã đến nhà và ai cũng mong muốn cho cháu H được trở về với mẹ.

Trước khi về nhà chị Hảo, chúng tôi cũng đã về nhà anh Thanh ở xóm 8, xã Hợp Tiến. Trái lại, một số người dân ở đây lại không muốn cho cháu H về với mẹ. Họ khen anh Thanh chịu thương, chịu khó, ai thuê gồng gánh gì cũng làm, chưa bao giờ đánh quát con. Tiếc, là chúng tôi không thể gặp được anh Thanh và cháu H mặc dù đã phải đợi gần 2 tiếng đồng hồ.

Tôi nghĩ, đến được với nhau trong cuộc đời này đã là một hạnh phúc. Không ở được với nhau thì cũng còn nợ với nhau những đứa con. Vợ chồng có ghét nhau, có hận nhau mấy thì cũng không thể bỏ được con. Anh Thanh, trong trường hợp này, dù có khiếm khuyết trong mắt vợ, nhưng với con, tôi vẫn cho anh là một người bố tốt, suốt mấy năm qua vẫn một cảnh “gà trống nuôi con”, lo cho con ăn học và cho con khỏe mạnh. Lúc buồn, lúc vui cũng chỉ có 2 bố con. Anh ký vào biên bản giao con rồi có thể giấu con thì cũng dễ cảm thông, vì cũng thật khó khi buộc anh phải rời con ngay. Hãy cho anh thêm một chút thời gian.

Còn với chị Hảo, xin hãy mở rộng lòng với chị hơn. Việc bé Diệu H không theo mẹ cũng là điều dễ hiểu vì mấy năm qua, người gần bé nhất là bố chứ không phải chị Hảo. Nhưng tôi tin, tình mẫu tử đã trỗi dậy mạnh mẽ trong chị Hảo hơn lúc nào hết nên vì lo lắng cho con mà chị đã mong con được trở về với chị. Giành quyền nuôi con, tôi tin đấy là còn nguyên tình mẫu tử - phụ tử trong con người của chị Hảo, anh Thanh chứ không phải vì cái “tôi” trong mỗi người, muốn chiến thắng cái “tôi” lẫn nhau.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]