(vhds.baothanhhoa.vn) - Bên cạnh những thành tựu về công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục,... học kỳ I năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm được 61 điểm trường lẻ. Cùng với việc tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, giáo dục Thanh Hóa đang có nhiều hy vọng gặt hái thêm những quả ngọt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm 61 điểm trường lẻ

Bên cạnh những thành tựu về công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục,... học kỳ I năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm được 61 điểm trường lẻ. Cùng với việc tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, giáo dục Thanh Hóa đang có nhiều hy vọng gặt hái thêm những quả ngọt.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 7 giáo viên tại Hội nghị Sơ kết học kỳ I năm học 2017 - 2018.

Tại hội nghị sơ kết học kỳ I của ngành GD&ĐT, Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Học kỳ I năm học 2017 - 2018 ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2017.

Theo đó, trong năm học, toàn ngành đã triển khai sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp được 44 trường và giảm 22 trường (đạt 27,16% so với kế hoạch); giảm được 36 điểm lẻ của trường tiểu học và 25 điểm lẻ của trường mầm non thuộc địa bàn miền núi. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các huyện, thị, thành phố thực hiện việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, bố trí điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu.

Đến cuối học kỳ I, khối huyện quản lý đã điều chuyển được 3.424 giáo viên; Khối trực thuộc Sở quản lý đã điều động 70 giáo viên có thời hạn đến giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn còn thiếu. Sau khi sắp xếp, điều chuyển, hiện tại, Khối trường mầm non, tiểu học, THCS thiếu 3.100 người; Khối trường THPT thiếu 377 người so với biên chế tỉnh giao.

Cơ sở vật chất đảm bảo các hoạt động giáo dục và đào tạo ngày càng được tăng cường. Toàn tỉnh có 25.704 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố, cao tầng là 22.314 phòng, chiếm tỉ lệ 86,8% (xếp thứ nhất so với 6 tỉnh Bắc Trung bộ); số trường đạt chuẩn quốc gia có 1.314/2.111 trường, chiếm tỉ lệ 62,2%, (xếp thứ nhì so với 6 tỉnh Bắc Trung bộ, sau Hà Tĩnh), trong đó: Mầm non 377/672 trường, tiểu học 553/682 trường, THCS 356/624 trường, THPT 28/101 trường.

Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường. Toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường THPT trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh cho phép các huyện, thị, thành phố hợp đồng 1.200 giáo viên mầm non, 104 giáo viên ngoại ngữ (năm 2017). Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo được quan tâm đúng mức...

Trong năm học, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông từng bước được quan tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục cũng được tăng cường; Công tác Thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng đạt hiệu quả. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 2 tập thể, 2 cá nhân về thực hiện các khoản thu sai quy định, với tổng số tiền 44 triệu đồng; cách chức 1 cán bộ quản lý; xử lý kỷ luật 4 giáo viên vi phạm đánh giá, xếp loại học sinh sai quy định... Ngành đã quan tâm công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục, nhằm đánh giá chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Đến tháng 12/2017, toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục đã tiến hành công tác tự đánh giá, trong đó hoàn thành tự đánh giá mầm non đạt 99%; tiểu học đạt 98%; THCS đạt trên 90%; THPT đạt 75%; TTGDTX đạt 20%.

Tuy nhiên, trong học kỳ I, ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng còn những hạn chế như: Chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều ở các vùng miền, nhất là khu vực vùng cao, vùng sâu miền núi, vùng bãi ngang ven biển; chất lượng dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh) chuyển biến chậm. Việc thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp ở một số huyện tiến độ thực hiện chậm, không đạt kế hoạch, nhất là nhiều trường học quy mô số lớp nhỏ còn nhiều nhưng chưa được sắp xếp lại. Đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường còn thiếu, lạc hậu, có nhiều phòng học đã xuống cấp, hết thời gian sử dụng nhưng chưa kịp thời sửa chữa; giáo dục mầm non còn khoảng 20% phòng học tạm. Tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm chưa đúng quy định vẫn còn xảy ra.

Bước sang học kỳ II, ngành giáo dục tập trung thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đổi mới công tác quản lý giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục gắn với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tập trung nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý...

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]