(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghề báo từ khi ra đời đã được xếp vào nhóm nghề vinh quang, cao quý. Để sự cao quý ấy được nhân lên, đòi hỏi phải có nhiều hơn sự dấn thân, thái độ thẳng ngay, chính trực của người làm nghề cũng như sự quản lý phù hợp của cơ quan chức năng.

Giữ cho “Bút sắc, lòng trong”: Giữ sự cao quý cho nghề

Nghề báo từ khi ra đời đã được xếp vào nhóm nghề vinh quang, cao quý. Để sự cao quý ấy được nhân lên, đòi hỏi phải có nhiều hơn sự dấn thân, thái độ thẳng ngay, chính trực của người làm nghề cũng như sự quản lý phù hợp của cơ quan chức năng.

Giữ cho “Bút sắc, lòng trong”: Giữ sự cao quý cho nghềHội thảo "Giải pháp đưa Luật Báo chí vào cuộc sống" do Hội Nhà báo Thanh Hóa phối hợp với các Hội Nhà báo khu vực Bắc Trung bộ tổ chức (năm 2016). Ảnh: Tư liệu

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân”.

Tổng Bí thư chỉ đạo báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc.

Thực hiện yêu cầu đó, thời gian qua báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tinh gọn hơn, nhà báo- người làm báo đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu và tiếp tục giữ mình để mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Nổi bật nhất trong đó là thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến quý II năm 2021 các cơ quan báo chí trong diện quy hoạch đã thực hiện xong việc giải thể, sáp nhập để bước vào giai đoạn phát triển mới hiệu quả hơn, trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh Thanh Hóa. Cùng trong giai đoạn này, với việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhất là Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam để phù hợp hơn với những quy định trong Luật Báo chí năm 2016, đã góp phần xây dựng đội ngũ người làm báo ngày càng chính quy, nhân văn và chuyên nghiệp, cơ quan báo chí trở nên mạnh hơn, các ấn phẩm báo chí được độc giả đón nhận nhiều hơn.

Mới nhất, ngày 8-4-2020, Ban Bí thư (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, giúp hoạt động của giới báo chí được nâng tầm cao hơn. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 201-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư với mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí, của cán bộ, đảng viên, người làm báo, Hội viên Hội Nhà báo Thanh Hóa về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác báo chí và hoạt động Hội Nhà báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như sự phát triển của tỉnh.

Cùng với Luật Báo chí 2016 đang từng bước đi vào cuộc sống, các văn bản liên quan đến hoạt động báo chí được cơ quan chức năng ban hành thời gian gần đây tiếp tục tạo ra một hành lang pháp lý góp phần điều chỉnh, thúc đẩy đời sống báo chí, người làm báo đi đúng quỹ đạo hơn.

Đến đầu năm 2021, Thanh Hóa có 360 hội viên nhà báo sinh hoạt tại 5 Chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Thanh Hóa. Cùng với đó còn có hàng chục văn phòng đại diện, văn phòng thường trú cơ quan báo chí Trung ương với gần 100 người làm báo tác nghiệp trên địa bàn. Đây là thuận lợi nhưng cũng gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, tập hợp, xây dựng đội ngũ, nhất là trong giám sát đạo đức nghề nghiệp của hội viên nhà báo. Từ vấn đề này đòi hỏi cùng với thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí, thì việc triển khai thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng phải cao hơn một bước. Theo đó, thời gian qua cùng với việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, gắn trách nhiệm của từng ủy viên với lĩnh vực, vị trí công tác tại các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng cơ chế hoạt động phối hợp giữa ba cơ quan gồm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo để tạo ra sức mạnh, thống nhất cao hơn trong chỉ đạo, quản lý và tập hợp người làm báo trên địa bàn.

Hội Nhà báo Thanh Hóa đã kiên trì tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đối chiếu với từng chuẩn mực quy định cụ thể, từ đó tạo ra sự phấn đấu và cam kết thi đua trong hội viên nhà báo. Qua tổng kết công tác hội và hội viên hàng năm, Hội Nhà báo Thanh Hóa đã chú trọng đến việc đánh giá công tác giám sát người làm báo thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội, rộng hơn là 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam trên địa bàn.

Không chỉ đưa những hội viên có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, phát ngôn, đăng tải hình ảnh không đúng mực trên mạng xã hội ra khỏi danh sách khen thưởng hàng năm, những hội viên này còn không được hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, không được tham gia các giải báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thanh Hóa tổ chức. Đồng thời thông báo tại các cuộc giao ban báo chí định kỳ, kiến nghị với Hội đồng xét khen thưởng báo chí hàng năm của tỉnh không đưa những hội viên có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp vào danh sách khen thưởng dù có thành tích về nghiệp vụ.

Thông qua việc tăng cường phối hợp giám sát gắn với các tiêu chí thi đua- khen thưởng và thụ hưởng vật chất mà Hội Nhà báo Thanh Hóa áp dụng trong ba năm qua đã góp phần vào việc xây dựng đội ngũ người làm báo Thanh Hóa ngày càng nhân văn, chính quy; không để xảy ra vụ việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng. Chỉ còn một bộ phận nhỏ người làm báo có những bình luận trên mạng xã hội thiếu khách quan, dẫn nguồn tin thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chủ quản người làm báo. Liên quan đến trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng đã có sự trao đổi, người làm báo đã kịp thời khắc phục.

Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí cũng đã xây dựng được cơ chế kiểm tra, đánh giá mức độ và chất lượng công việc của cán bộ, phóng viên gắn với việc chấp hành, thực hiện nghiêm quy định đạo đức nghề nghiệp. Hội Nhà báo giữ mối liên hệ với các cơ quan báo chí để có biện pháp vừa phát huy được khả năng của hội viên nhà báo, vừa phát hiện sớm dấu hiệu lệch lạc của người làm báo, góp phần xây dựng một môi trường báo chí trên địa bàn ngày càng hiện đại, nhân văn.

Với việc ban hành các văn bản và tổ chức thực hiện một cách bài bản của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo và cơ quan báo chí trong thời gian qua đã góp phần thanh lọc nguồn nhân lực báo chí, tập trung nguồn lực cho những ấn phẩm chủ lực, qua đó đạo đức nghề báo ngày càng thêm thắt chặt, kỷ luật ở cơ quan báo chí ngày càng nghiêm minh, phát huy tốt hơn quyền hành nghề trung thực, hợp pháp của người làm báo.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]