(vhds.baothanhhoa.vn) - Ứng xử văn hóa trong gia đình là nét đẹp lâu đời, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ở đó là sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái; tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em... Đó cũng chính là chủ đề ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình

Ứng xử văn hóa trong gia đình là nét đẹp lâu đời, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ở đó là sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái; tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em... Đó cũng chính là chủ đề ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

Chủ đề này lại làm tôi nhớ đến nhiều câu chuyện trong quá trình tác nghiệp. Mỗi câu chuyện đều để lại những dư âm ngọt ngào và xúc động.

Còn nhớ, trong một chuyến đi công tác về huyện miền núi Như Thanh, chúng tôi có dịp ghé thăm một gia đình văn hóa ở khu phố Xuân Điền, thị trấn Bến Sung. Đó là gia đình của ông Vũ Ngọc Thắng (75 tuổi). Ông Thắng cũng chính là nguồn động lực lớn cho người vợ của mình vì bà bị liệt trong suốt 15 năm qua. Trong suốt 15 năm ấy, ông và các con luôn bên cạnh bà nhưng người mà vợ ông thấy “chịu ơn” nhiều nhất đấy chính là người chồng của mình. Vì bản thân ông có thời gian ở bên bà nhiều hơn để có thể bón cho bà từng thìa cháo, kể cho bà những câu chuyện vui... Ông Thắng đã từng nói: “Thời trẻ như thế nào thì về già sẽ vẫn như thế, vẫn phải yêu thương nhau, lúc giàu cũng như lúc nghèo, vẫn phải ứng xử một cách có văn hóa với nhau. Như vậy, con cháu mới phục và học tập...”

Lại nhớ đến gia đình của ông Vũ Hữu Phương (74 tuổi) và bà Lê Thị Lan (70 tuổi) ở thôn Lộc Tuy, xã Công Liêm (Nông Cống). Một gia đình liên tục nhiều năm đạt gia đình văn hóa. Ông Phương và bà Lan đã ở bên nhau 48 năm. Trong suốt 48 năm ấy, chưa một lần ông bà cãi vã, giận hờn... Điều đặc biệt, dù trong gia đình có tới 4 đời ở chung với nhau nhưng vẫn giữ được nền nếp gia phong. Ở đó, vợ chồng chung thủy, nghĩa tình, con cái hiếu thảo... Trong cuộc sống, nếu gặp vấn đề gì chưa thống nhất thì cả hai ông bà cùng bàn bạc, giải quyết. Đó cũng là một cách ứng xử có văn hóa, văn minh, góp phần vun đắp hạnh phúc gia đình bền vững hơn. Và càng đáng quý hơn khi trong gia đình ông Phương, bà Lan không xảy ra chuyện nàng dâu mẹ chồng với những phức tạp như nhiều gia đình khác. Chia sẻ của chị Bùi Thị Thủy, người con dâu thứ 2 của ông bà: “Trong cuộc sống không tránh khỏi những va chạm nhưng khi tôi làm sai điều gì thì ông bà nhắc nhở nhẹ nhàng và những lúc như thế thường mẹ chồng tôi chỉ gặp riêng tôi và trao đổi. Điều này làm tôi vô cùng nể phục.”

Từ 2 câu chuyện được đề cập đến ở trên để nhận ra một điều: Hạnh phúc gia đình là khi chúng ta biết trân trọng, nâng niu những khoảnh khắc bên những người thân của mình, là hành vi, là ứng xử một cách có văn hóa để làm sao bản thân thấy được niềm vui, tình yêu ở trong cách ứng xử đấy. Tuy nhiên, cuộc sống thì luôn có nhiều vấn đề xảy ra, có buồn, có vui, có hạnh phúc, đau khổ và cái cách người ta đối xử với nhau không phải lúc nào cũng giống nhau nếu như không đặt văn hóa ứng xử lên hàng đầu. Trong gia đình cũng vậy, việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình luôn được xem là trách nhiệm lớn đối với mỗi thành viên trong gia đình. Nếu không có trách nhiệm đồng nghĩa với việc không có sự tồn tại của 2 từ gia đình. Mỗi thành viên theo đó sẽ sống một cách tự do, thậm chí không đạo đức. Thực tế, đã có nhiều câu chuyện buồn xảy ra ngay ở trong những gia đình hiện đại. Đó là hành vi bạo lực với con cái, chồng hoặc vợ ngoại tình, con cái hắt hủi bố mẹ... Những điều này xảy ra, nguyên nhân cũng chính từ sự thiếu văn hóa, mà đã thiếu văn hóa thì không có gì là không thể.

Bí quyết để gia đình hạnh phúc chính là sự quan tâm, sẻ chia giữa các thành viên. (Ảnh: Thu Phương)

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của gia đình; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 1424/KH-SVHTTDL tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020. Theo đó, với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình", một số thông điệp hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 gồm: Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc; Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam, các địa phương cũng đã tổ chứcnhiều hoạt động thiết thực để chào mừng ngày lễ này. Được biết, vào ngày 28/6/2020 tới đây, Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện Hậu Lộc sẽ mời chuyên gia tâm lý Xuân Hường trực tiếp trao đổi về “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa để mỗi người làm cha, làm mẹ, làm con có thêm được kiến thức, kỹ năng để nuôi dưỡng sự bền vững của 4 từ: Hạnh phúc gia đình. Bất chợt, tôi nhớ đến lời nói của ông Hoa Hữu Vân - nguyên Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về hạnh phúc gia đình đó là: Hạnh phúc phải được xây đắp từ nhân cách ý thức, hành động hàng ngày của người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con...

Và với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, một lần nữa lại nhắc nhở chúng ta về lẽ sống, cách sống để nhân lên hơn nữa tình yêu thương, trân trọng những thành viên trong chính ngôi nhà bé nhỏ của mình.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]