(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi chi đội có một con heo đất, heo đất cứ thế được "lớn" dần theo tháng ngày. Vào dịp cuối năm, liên đội lại tổ chức "mổ" heo đất, giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Heo đất vì thế luôn được các chi đội “vỗ béo”, chưa từng bị "bỏ đói" bao giờ…

Giúp học sinh nghèo từ heo đất

Mỗi chi đội có một con heo đất, heo đất cứ thế được “lớn” dần theo tháng ngày. Vào dịp cuối năm, liên đội lại tổ chức “mổ” heo đất, giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Heo đất vì thế luôn được các chi đội “vỗ béo”, chưa từng bị “bỏ đói” bao giờ…

Giúp học sinh nghèo từ heo đất

Trao quà cho học sinh nghèo ở Trường TH Lộc Sơn (Hậu Lộc) những món quà có sự góp phần từ mô hình nuôi heo đất. (Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp)

Dành dụm “nuôi” heo đất

Cứ tháng 10, 11 và 12, nhiều liên đội trên địa bàn tỉnh lại tổ chức nuôi heo đất. Nhớ lại năm học 2021-2022, chi đội trưởng Nguyễn Ngọc Dũng lớp 8B (bây giờ là 9B) của Liên đội Trường THCS Phú - Hải - Toại (Hà Trung) vẫn còn phấn chấn: “Đấy là năm học có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng chi đội em vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trong đó có phong trào cho heo ăn. Heo đất của chi đội được các bạn chăm sóc rất chu đáo. Riêng bản thân em là cán bộ lớp nên luôn gương mẫu làm đầu. Mỗi ngày, em trích 2.000 đồng từ tiền ăn sáng vỗ béo cho heo”.

Ở Liên đội Trường Tiểu học (TH) Lộc Sơn (Hậu Lộc) ai cũng biết đến em Nguyễn Thành Tấn, chi đội lớp 3B, người đi đầu trong phong trào nuôi heo đất và tết vì người nghèo. Nói về câu chuyện tiết kiệm nuôi heo đất của con, chị Nguyễn Thị Tuyết - mẹ em Tấn cho biết: “Tôi thấy mô hình này rất ý nghĩa. Riêng với con trai tôi, con vẫn để ra 1.000 - 2.000 đồng ăn sáng, nhà có vỏ lon bia hay giấy vụn cũng mang đi bán lấy tiền dành cho heo trên lớp hoặc con dùng chính tiền mừng tuổi để chăm heo...”.Từ những con heo đất này, nhiều học sinh nghèo vượt khó đã được nhận những phần quà động viên, góp phần tiếp sức cho các em phấn đấu vươn lên trong học tập.

Nhân lên tinh thần “tương thân, tương ái”

Mô hình “Nuôi heo đất giúp học sinh nghèo vượt khó” được Hội đồng Đội tỉnh triển khai từ năm 2012. Đến nay, mô hình đã được thực hiện ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố với hơn 350 liên đội duy trì mô hình này.

Tại huyện Hà Trung, mô hình đã được triển khai tới 45/45 liên đội. Trong đó, nhiều liên đội đã phát huy hiệu quả mô hình. Điển hình là Liên đội Trường THCS Phú - Hải - Toại. Vào 3 tháng cuối năm, liên đội lại tổ chức phong trào nuôi heo đất. Theo đó, các đội viên của từng chi đội cho heo ăn vào sáng thứ 2 và thứ 7 hàng tuần. Mỗi chi đội sẽ cử ra một người để theo dõi, ghi chép để có hình thức tuyên dương đội viên thực hiện tốt. Riêng trong năm học 2021-2022, heo đất của Liên đội Trường THCS Phú - Hải - Toại được vỗ béo 4 triệu đồng. Chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên Tổng phụ trách đội, Liên đội Trường THCS Phú - Hải - Toại: “Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường tương đối nhiều. Cuối năm, liên đội sẽ mổ lợn, tất cả số tiền tiết kiệm từ heo đất sẽ được trao cho các bạn đội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và học sinh khuyết tật vào dịp Tết Nguyên đán”.

Giúp học sinh nghèo từ heo đất

Đội viên của Liên đội Trường THCS Phú - Hải - Toại (Hà Trung) cho “heo ăn”. (Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp)

Đối với Trường TH Lộc Sơn được đánh giá là một trong những liên đội tiêu biểu trong thực hiện mô hình “Nuôi heo đất giúp học sinh nghèo vượt khó” của huyện Hậu Lộc. Trong một năm học, mỗi hội viên cho heo ăn tối thiểu 20.000 đồng. Cùng với tiền tiết kiệm từ heo đất, liên đội còn có nhiều hoạt động khác để gây quỹ giúp học sinh nghèo như phối hợp với đoàn xã tổ chức điểm rửa xe… Theo giáo viên Tổng phụ trách đội, Liên đội Trường TH Lộc Sơn, anh Hoàng Quốc Cường thì: “Nguồn từ nuôi heo không nhiều nên liên đội thường kết hợp với các nguồn quỹ khác để giúp đỡ học sinh khó khăn của nhà trường như chương trình “Tết vì người nghèo” năm 2022 đã trao tặng 31 suất quà trị giá 10 triệu đồng, thăm hỏi học sinh ốm đau, hoạn nạn là 6 triệu đồng…”.

Mô hình “Nuôi heo đất giúp học sinh nghèo vượt khó” có ý nghĩa thiết thực, nhằm giáo dục tinh thần “tương thân, tương ái” đối với các em học sinh. Chị Đặng Thị Hồng, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết: “Đây là mô hình có tính nhân văn sâu sắc. Mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng để động viên kịp thời về vật chất lẫn tinh thần đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp các em vươn lên trong cuộc sống”.

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]