(vhds.baothanhhoa.vn) - Được hình thành trên cơ sở sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề, sau một thời gian hợp nhất, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) bộc lộ nhiều bất cập, hoạt động chưa hiệu quả, chất lượng còn yếu...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ khó cho các trung tâm GDNN - GDTX hậu sáp nhập

Được hình thành trên cơ sở sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề, sau một thời gian hợp nhất, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) bộc lộ nhiều bất cập, hoạt động chưa hiệu quả, chất lượng còn yếu...

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, đến nay, Thanh Hóa đã tiến hành sáp nhập được 23 đơn vị huyện thị, thành phố (Trung tâm GDNN - GDTX), còn lại 4 đơn vị sẽ tiến hành sáp nhập trong thời gian tới.

Tuy vậy, sau khi sáp nhập, với chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên cấp THPT và đào tạo nghề, các trung tâm GDNN - GDTX gặp phải không ít khó khăn. Trong đó phải kể đến công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất trường lớp...

Theo thống kê, do quy mô dân số độ tuổi tiếp tục giảm, nên số lượng học sinh lớp 9 giảm, đồng nghĩa lượng tuyển sinh vào lớp 10 bổ túc THPT, bao gồm các trung tâm GDNN - GDTX, các trường cao đẳng, trung cấp có dạy chương trình GDTX cấp THPT thấp. Hầu hết các trung tâm GDTX tuyển chưa đủ chỉ tiêu giao, một số trung tâm chỉ tuyển được 15 - 20 học viên. Điển hình là trung tâm GDNN - GDTX Quan Sơn, GDNN - GDTX Bỉm Sơn...

Hiện các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đã tổ chức dạy học chương trình GDTX cấp THPT cho 3.815 học viên với tổng số 10 trường, góp phần đáng kể nhu cầu người học, nâng cao trình độ cho học viên.

Trong thời gian hậu sáp nhập, một số trung tâm GDNN - GDTX có sự thay đổi tích cực về công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trung tâm rơi vào tình cảnh thừa thầy, thiếu thợ, tuyển sinh không đủ số lượng giao.

Một góc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nông Cống sau khi sáp nhập.

Bên cạnh nguyên nhân về dân số, nhiều trung tâm GDNN - GDTX không tuyển đủ học sinh còn do nhiều địa phương chưa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS; chưa khuyến khích học sinh không có khả năng theo học THPT đi theo con đường học nghề; nhiều bậc phụ huynh và học sinh lớp 9 chưa xác định được việc học tập tại trung tâm GDTX là phù hợp với năng lực của con em. Đối với các trung tâm tại một số huyện miền núi, phần do đường xa đi lại khó khăn, phần do chế độ đãi ngộ chỉ dành cho học sinh THPT hệ chính quy, nên việc thu hút các em học tại GDTX lại gặp thêm khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, công trình phụ trợ phục vụ dạy nghề, giáo dục thể chất... còn thiếu và yếu.

Tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thiệu Hóa, số lượng học viên GDTX tham gia học nghề đạt tỷ lệ cao. Năm học 2018 - 2019 trung tâm có 375 học viên học văn hóa/10 lớp, 306 học viên nghề/10 lớp, tuy số lượng học viên có tăng, nhưng chất lượng đầu vào thấp, nhiều học viên chưa nắm vững kiến thức cơ bản, tinh thần và ý thức học tập yếu.

Ông Trịnh Đình Chung - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thiệu Hóa, cho hay: “Thời điểm hiện tại, trung tâm có 375 học viên, nhưng chỉ có 350 em học chuyên cần, trong khi đó, giáo viên cơ hữu dạy nghề thiếu, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề ít, số lượng học viên học nghề không nhiều. Cơ sở vật chất còn khó khăn, tình trạng thiếu phòng học, trang thiết bị học nghề thừa thiếu bất cập, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu dạy - học nghề"...

Cùng chung tình cảnh là Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nông Cống, dù cơ sở vật chất đảm bảo, song một số hạng mục như nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề xuống cấp, lạc hậu... Hiện, trung tâm có nhiều ngành nghề đào tạo theo hình thức liên kết như: công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh, điện dân dụng, quản lý nhà hàng khách sạn...

Ngoài khó khăn về tuyển sinh, công tác quản lý, điều hành tại các trung tâm cũng chồng chéo, chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều bất cập. Mỗi trung tâm đều chịu sự quản lý, chỉ đạo của 3 đơn vị ở 2 cấp khác nhau. Sở LĐ,TB&XH chỉ đạo chuyên môn dạy nghề, Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn về GDTX, UBND huyện quản lý về tài chính, nhân sự...

Thực tế cho thấy, đặc thù của mỗi địa phương khác nhau, trong quá trình sáp nhập, nếu không có sự phối hợp của các ngành liên quan thì các trung tâm GDNN - GDTX không phát huy hiệu quả. Vấn đề đặt ra, việc sáp nhập các trung tâm phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tào nghề nghiệp, hướng nghiệp của địa phương; đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]