(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 2 tháng triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đối với lớp 1, đã có không ít ý kiến, dư luận phản ánh về môn Tiếng Việt khá “nặng” khiến phụ huynh, học sinh căng thẳng. Ngoài ra, thực tế giảng dạy cũng cho thấy những hạt sạn ở cả 5 bộ sách giáo khoa. Để khắc phục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp để triển khai hiệu quả chương trình GDPTM.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ khó để thực hiện chương trình mới

Sau 2 tháng triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đối với lớp 1, đã có không ít ý kiến, dư luận phản ánh về môn Tiếng Việt khá “nặng” khiến phụ huynh, học sinh căng thẳng. Ngoài ra, thực tế giảng dạy cũng cho thấy những hạt sạn ở cả 5 bộ sách giáo khoa. Để khắc phục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp để triển khai hiệu quả chương trình GDPTM.

Giờ học Tiếng Việt của cô trò Trường Tiểu học Xuân Yên, huyện Thọ Xuân.

Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp

Trường Tiểu học Xuân Yên, xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân lựa chọn bộ sách Cánh Diều để giảng dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường lựa chọn bộ sách Cánh Diều vì chất lượng sách tốt, nội dung phù hợp, vừa sức với học sinh nông thôn. Tất nhiên trong quá trình lựa chọn sách, giáo viên cũng phát hiện ra một số lỗi, sách dùng nhiều từ địa phương..., nhưng có thể khắc phục. Sau mỗi bài dạy, nhà trường yêu cầu giáo viên phải ghi nhật ký về những thuận lợi, khó khăn, những lỗi gặp phải trong quá trình dạy để kịp thời đưa ra hướng khắc phục hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Phòng GD&ĐT.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Phú Yên, huyện Thọ Xuân, cô giáo Nguyễn Thị Lan, giáo viên lớp 1A cho biết: Ưu điểm của bộ sách Cánh Diều là hình ảnh trong sách sinh động, gần gũi với học sinh, kênh hình, kênh chữ đan xen phù hợp với nội dung. Tuy ở phần đọc, lượng chữ trong bài tập đọc hơi dài. Chúng tôi cũng lập nhóm Zalo của lớp để trao đổi, phối hợp với phụ huynh trong việc dạy trẻ.

Huyện Thọ Xuân có tổng số 35/38 trường Tiểu học và trường liên cấp có tiểu học lựa chọn bộ sách “Cánh Diều” để giảng dạy. Bà Trịnh Thị Hồng - chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân cho biết: Một trong những điểm thuận lợi của giáo viên là huyện đã cấp kinh phí để mua sắm đồ dùng dạy học và trang cấp cho mỗi lớp 1 trên địa bàn huyện một chiếc tivi thông minh kết nối intenet bằng nguồn kinh phí của huyện để phục vụ cho quá trình giảng dạy. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phòng đã có công văn gửi xuống các trường về việc giao quyền tự chủ về mặt thời gian và thời lượng mỗi tiết học cho các trường điều chỉnh sao cho phù hợp. Qua kiểm tra chuyên môn các giáo viên đang thực hiện rất tốt chương trình, học sinh nắm bài tốt.

Tại huyện miền núi Như Xuân, hiện có 9/18 trường học chọn bộ sách Cánh Diều để giảng dạy. Nhận định, bản chất của chương trình GDPTM 2018 rất mở, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng phân phối chương trình phù hợp.

Ông Trịnh Vĩnh Long - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã hướng dẫn các nhà trường điều chỉnh, phân bổ thời khóa biểu hợp lý, phân bổ thời lượng, thời điểm dạy học phù hợp; đổi mới phương pháp dạy học; các trường tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ giáo viên thực hiện chương trình mới.

Một yêu cầu đang đặt ra trong nhận thức là, trước những đổi mới, cần có thời gian để thích ứng, phụ huynh không nên so sánh giữa chương trình mới và chương trình cũ vì những yêu cầu, mục tiêu là khác biệt. Giáo viên cũng không nên nóng vội mà cần bám sát các chuẩn kiến thức, kỹ năng để chủ động điều chỉnh theo thực tế năng lực học sinh. Ngoài ra, cần sự tỉnh táo trước những thông tin xấu, tiêu cực mà mạng xã hội đưa đến với chiêu trò ghép ảnh, ghép những nội dung không đúng vào một số đầu sách để nhằm bôi xấu, gây hoang mang trong dư luận.

Khó ở cơ sở vật chất, nhân lực

Để chương trình GDPTM thực sự đạt được hiệu quả, thì những khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày đang thực sự là những rào cản.

Trường Tiểu học Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn hiện có ba lớp 1 với 112 học sinh. Thầy giáo Lê Thanh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, mặc dù đang thực hiện chương trình GDPTM, do không đủ giáo viên nên nhà trường chỉ thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Trong khi năm nay chương trình mới lớp 1 “nặng” hơn so với chương trình cũ, nếu chỉ học 1 buổi/ ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Đáng buồn đây cũng là thực trạng chung của các trường tiểu học trên địa bàn huyện Triệu Sơn.

Tại huyện Hà Trung, ông Lê Văn Phong - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hà Trung cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học chưa được trang cấp. Để tạo điều kiện cho các nhà trường trong quá trình dạy học, phòng đang có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn cùng phối hợp, có kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Cô giáo Trương Thị Hiền - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Hà Dương, huyện Hà Trung chia sẻ: Nhà trường hiện chưa có tivi kết nối internet để giảng dạy sách điện tử. Ngoài ra, theo kế hoạch tỉnh sẽ trang cấp cho mỗi trường học dưới năm lớp 1 một bộ đồ dùng dạy học, như vậy nhà trường vẫn còn thiếu 1 bộ vì có hai lớp 1, chưa kể đối với những trường có hai điểm trường thì việc sử dụng chung đồ dùng dạy học sẽ càng khó khăn.

Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cũng diễn ra phổ biến tại các huyện miền núi của tỉnh. Cô giáo Đỗ Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thượng, huyện Quan Sơn, cho biết: Trường có 229 học sinh, trong đó có 41 học sinh lớp 1 học tại 3 điểm trường: Khu chính bản Ngàm, khu Bàng và khu bản Khạn. Vào năm học mới 2020 - 2021, khối lớp 1 của nhà trường được cấp 30 bộ đồ dùng học tập cho học sinh, nhưng lại có tới 41 học sinh nên không đủ cho nhu cầu học tập, nhiều em phải học chung. Đối với các thiết bị dùng chung, nhà trường được cấp 1 máy chiếu, 1 máy tính và 1 ti vi. Mỗi khi các lớp có nhu cầu sử dụng, giáo viên phải di chuyển máy móc đến lắp đặt, rất mất thời gian. Bên cạnh đó, sóng điện thoại, internet ở đây chập chờn, khi cần vào mạng để tìm tài liệu hoặc phát lên máy chiếu cho học sinh xem rất khó khăn...

Tương tự, Trường Tiểu học Trung Tiến, huyện Quan Sơn có 4 lớp 1 với tổng số 55 học sinh học tại các điểm: Bản Poọng, bản Chè, bản Lốc và khu trung tâm. Song, hiện nhà trường cũng chỉ có 1 máy chiếu, 1 máy vi tính và 1 ti vi nên ưu tiên cho điểm trường ở trung tâm. Các thầy cô ở các điểm lẻ phải dùng điện thoại để truy cập, nghiên cứu tài liệu. Còn học sinh ở các khu lẻ thì chỉ hình dung qua mô tả của thầy cô.

Tháng 8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ, danh mục, dự toán mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 - 2021. Theo đó, 512 trường tiểu học và trường liên cấp tiểu học - THCS của tỉnh được cấp kinh phí mua sắm đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 với tổng kinh phí gần 93 tỷ đồng. Hy vọng rằng, với số trang thiết bị đồ dùng được trang cấp sẽ vơi bớt đi những khó khăn, thiếu thốn để Thanh Hóa thực hiện hiệu quả chương trình GDPTM.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]