(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những em nhỏ ở 2 thôn Đô Quăn và Đô Sơn, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) phải vượt đường rừng xa xôi, để tới trường với con đường dốc, đất đá lởm chởm và đầy nguy hiểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình vượt 10 km tìm cái chữ

(VH&ĐS) Những em nhỏ ở 2 thôn Đô Quăn và Đô Sơn, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) phải vượt đường rừng xa xôi, để tới trường với con đường dốc, đất đá lởm chởm và đầy nguy hiểm.

Về thôn Đô Quăn vào một ngày nắng của tháng 7 với con đường dốc sống trâu, sỏi đá lởm chởm. Bà con trong thôn cho biết trời mưa cách đây 5, 6 hôm, nhưng với cái nắng gay gắt của mấy ngày liền vẫn không đủ làm khô một số đoạn đường bùn nhầy nhụa, đất dính xịt và có đoạn tôi phải xuống cuốc bộ cho “lành”.

Chỉ cách đường mòn Hồ Chí Minh chừng hơn 10km,nhưng 2 thôn Đô Quăn và Đô Sơn của xã Thạch Lập dường như tách biệt với thế giới xung quanh. Chưa có đường, điện và cũng chưa có sóng điện thoại, mọi sinh hoạt của người dân chủ yếuphụ thuộc và rất “thiên nhiên”.

Những học sinh thuộc 2 thôn ngày nào cũng phải “lặn lội” đi tìm con chữ. Việc trèo đèo, lội suối đối với các em đã trở nên quá quen thuộc. Không đi bộ thì cũng chẳng còn cách nào khác, vì đường dốc chẳng thể đi xe đạp. Đều đặn, các em dậy từ 4h30 sáng để chuẩn bị đi học, mất 2 giờ đồng hồ mới tới được trường. Những gia đình có xe máy, bố mẹ có thời gian thìsáng chở con đi học, chiều chở con về hoặc chở con đi buổi sáng rồi chờ đến trưa để đưa con về. Còn những gia đình khó khăn, thì con phải tự đi học.

Gia đình anh Phạm Văn Cần (45 tuổi) có tới 8 người con, 4 đứa con đầu đã lớn, đứa lập gia đình, đứa đi làm ăn xa. 4 đứa con còn lại của anh đang học cấp 2 và cấp 1. Bọn trẻ nhà anh, đứa nào cũng nhỏ bé và gầy gò, thế nhưng mỗi ngày phải đi bộ 20 km cả đi cả về. Anh chia sẻ: “Vào mùa đông, bố mẹ gọi con dậy đi học mà thương con lắm, nhất là những ngày rét mướt, nhưng vì muốn con biết cái chữ nên phải động viên con cố gắng đi học đều đặn”.

4 đứa con của anh Phạm Văn Cần đi học phải đi bộ 20 km cả đi cả về.

Em Phạm Thị Minh, con út của anh Phạm Văn Cần, năm nay lên lớp 2 cho biết: “Nhiều hôm mệt cháu không muốn đi học, đi bộ tới trường người mệt và không tiếp thu được kiến thức”. Năm nay lên lớp 2 nhưng Minh chỉ nặng 14kg. Và cũng vì yếu và chậmtiếp thu bàinên năm nay Minh không được lên lớp 2 và phải học lại lớp 1.

Hằng ngày, Minh cùng các anh chị của mình và những bạn trong thôn đi học trên con đường rừng đầy dốc đèo ấy. Em Phạm Thị Mùi, học lớp 6, con thứ 6 của anh Cần cho biết: Những hôm mưa, nước dâng, mấy anh chị em lớn phải thay nhau cõng em Minh vì em gầy yếu nhất, em thứ 7 thì bị cận nên nhiều đoạn đường em đi lại cũng không nhanh nhẹn, nên chúng cháu cũng không đi nhanh được”.

Những hôm học cả ngày, những nắm cơm, hạt muối vừng là lương thực cho các em qua bữa trưa ở trường. Và buổi chiều tan học, đi về đến nhà thì cũng nhá nhem tối, mùa đông thì trời tối mịt. Có lẽ vì đi học nhiều, leo núi đường dài mà nhiều em nhỏ ở nơi đây phần lớn còi cọc và suy dinh dưỡng, đầu gối và bàn chân to hơn bình thường.

Ông Phạm Văn Môn, Bí thư Chi bộ thôn Đô Quăn cho biết: “Đường sá hiểm trở nên trước đây đa phần các cháu chỉ học hết tiểu học, vài năm trở lại đây, một số hộ có kinh tế, mua được xe máy thì họ chở con họ đi học thì con số các cháu học hết THCS và học THPT tăng lên”.

Vào năm học, một số em nhỏ không đủ sức đi học trong ngày nên phải mang theo gạo, đồ ăn để ở trọ lại trường như học nội trú. Các em ở lại trường phải tự phục vụ, tự sinh hoạt , có những cháu quá nhỏ, chỉ mới học lớp 1, 2, không biết quần áo, tắm rửa chứ nói gì đến nấu ăn, giặt giũ,…

Anh Phạm Văn Chủ, có 2 người con đang học Trường Tiểu học Thạch Lập 2, anh đưa con đi và đón con về hằng ngày, nên con anh có phần đỡ vất vả nhưng anh cho biết: “Con còn nhỏ, chở các cháu đi bằng xe máy mà đường dốc cũng nguy hiểm lắm, mà tôi cũng không có thời gian lên nương, lên rẫy được, nhưng vì con cái học hành nên phải cố gắng thôi”.

2 thôn có 149 hộ dân, với 147 hộ nghèo, lại chưa có điện nên người dân nơi đây chủ yếu dùng ánh sáng của đèn dầu. Một vài hộ bỏ tiền ra lắp pin năng lượng mặt trời thì có điện dùng nhưng vào những ngày mưa, ngày râm trời thì điện tích tụ được cũng rất ít và ánh sáng của bóng đèn cũng yếu. Màn đêm buông xuống thì những ánh đèn leo lét là thứ ánh sáng duy nhất ở những ngôi nhà sàn, mà chủ yếu ởgian học tập của các em.

Nhiều gia đình đã phải thuê nhà hay mượn nhà người quen, họ hàng, để cho con em ở nhờ. Đầu tuần đưa con đi học, cuối tuần xuống đón con về. Tuy nhiên, với những gia đình nghèo và đông con như anh Phạm Văn Cần thì đó là ước mơ xa vời. Các con của anh vẫn phải hằng ngày đến trường trong sự mệt mỏi, với anh, ước mơ lớn nhất của anh là các con khỏe mạnh để tự đi học và được lên lớp.

Đinh Huệ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]