(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xác định công tác hướng nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc hướng học, hướng nghiệp và phân luồng học sinh (HS), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động trong công tác hướng nghiệp cho HS.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng nghiệp cho học sinh: Cần sự nghiêm túc

(VH&ĐS) Xác định công tác hướng nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc hướng học, hướng nghiệp và phân luồng học sinh (HS), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động trong công tác hướng nghiệp cho HS.

Chủ động hướng nghiệp cho học sinh

Ngay từ đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu (BGH) Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) đã lên kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp, không chỉ cho học sinh khối 12 mà cho cả toàn trường. Các giờ học hướng nghiệp được tổ chức hàng tuần, BGH nhà trường, Đoàn trường, và các GV tham gia trả lời những thắc mắc, giúp các em có một cái nhìn thiết thực nhất về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tại các buổi hướng nghiệp, HS được cung cấp mọi thông tin về các kỹ năng để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, tầm quan trọng của việc chọn ngành nghề, những sai lầm chủ yếu trong việc lựa chọn nghề nghiệp và hậu quả khi chọn ngành sai... Ngoài ra, các thầy, cô giáo còn cung cấp các thông tin về những ngành nghề có nhu cầu việc làm cao, thị trường lao động, nghề nghiệp...

Trường THPT Lương Đắc Bằng còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Đội sinh viên đồng hương Hoằng Hóa, Học viện Giáo dục Aladdin... làm công tác tư vấn hướng nghiệp, chương trình đồng hành cùng học sinh lớp 12... Chia sẻ kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm, quy chế tuyển sinh mới... cho học sinh và giáo viên nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện giữa đại diện các trường nghề, các trường ĐH, CĐ với HS nhà trường để các em có cái nhìn thực tế hơn, từ đó có sự lựa chọn chính xác hơn; phối hợp tổ chức cho các em tham quan một số trường nghề, trường ĐH, CĐ...

Cô giáo Nguyễn Thị Hương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Đắc Bằng cho biết: “Nhà trường luôn xác định việc tư vấn hướng nghiệp là giúp các em có thể lựa chọn ngành nghề chính xác, không mang tính chất áp đặt. Chính vì vậy, phương pháp chủ yếu là lấy kết quả học tập, kết quả thi khảo sát... làm căn cứ giúp các em lựa chọn; khuyên bảo nhẹ nhàng, truyền đạt những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của thầy cô, của cha mẹ để các em hiểu và có thêm quyết tâm trong kỳ thi ĐH sắp tới”.

Chương trình Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2017 tại Thanh Hóa.

Thầy giáo Nguyễn Quang Nam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4 cho biết: Nhà trường đã phối hợp cùng với giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào điểm chuẩn của các trường những năm trước và năng lực thực tế của các em học sinh để hướng nghiệp sao cho phù hợp với các em nhất. Định hướng cho những em có học lực yếu, kém thậm chí là cả trung bình có thể lựa chọn cho mình một con đường phù hợp với bản thân hơn như vào học tại các trường nghề, sau đào tạo có tay nghề vững chắc để có thể tham gia lao động vào những ngành nghề đã chọn, trở thành những thợ lành nghề, những lao động giỏi. Phối hợp với các Sở, ban, ngành... để các em học sinh nếu có đủ năng lực có thể đi du học nước ngoài hoặc học nghề theo hình thức vừa học vừa làm...

Với những đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh cùng với những thay đổi lớn về phương thức thi, hình thức xét tuyển trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017... đòi hỏi các nhà trường cần đi trước một bước trong hoạt động hướng nghiệp để giúp HS có những sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân.

Làm sao để nâng cao chất lượng hoạt động hướng nghiệp?

Ông Mai Công Mãn - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Chọn nghề là một kinh nghiệm xương máu. Cách tốt nhất để tránh phạm phải sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề là hãy lựa chọn theo năng lực, sở trường của bản thân. Nói về giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, ông Mãn cho rằng: Cần đa dạng hóa các hình thức hướng nghiệp, hướng nghiệp thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm học. Các nhà trường cần chỉ đạo, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ sư phạm, để mỗi thầy, cô là một “tư vấn hướng nghiệp” cho học sinh. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, nhất là Đoàn Thanh niên tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tuần, sinh hoạt ngoại khóa... Ông Hoàng Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và Giới thiệu việc làm thanh niên Thanh Hóa cho biết: Hướng nghiệp là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như: đánh giá, quản lý, và phát triển nghề nghiệp... Để nâng cao hiệu quả của hoạt động hướng nghiệp trước hết cần nâng cao năng lực chuyên môn của những người trực tiếp làm công tác hướng nghiệp. Đào tạo được đội ngũ tư vấn viên chuyên trách có hiểu biết thực tế sâu, rộng về nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt...; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hướng nghiệp. Đặc biệt, là cần khơi dậy được sự nghiêm túc tìm hiểu chính mình và tìm hiểu cặn kẽ ngành nghề mà mình định theo đuổi... có như vậy thì hoạt động hướng nghiệp mới đạt được hiệu quả.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]