(vhds.baothanhhoa.vn) - Khuyến học, khuyến tài (KH, KT) vừa là đạo lý, vừa là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, luôn luôn được đề cao, phát huy và trường tồn trong lịch sử. Sự học ngày nay nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời hằng mong muốn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khuyến học Thanh Hóa 20 năm không ngừng phát triển

Khuyến học, khuyến tài (KH, KT) vừa là đạo lý, vừa là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, luôn luôn được đề cao, phát huy và trường tồn trong lịch sử. Sự học ngày nay nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời hằng mong muốn.

Đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng “Vì em hiếu học” cho học sinh xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa).

Nhận thức rõ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, xây dựng xã hội học tập (XHHT) và học tập suốt đời, ngày 20/12/1999, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3072 về thành lập Hội Khuyến khích và phát triển giáo dục Thanh Hóa (gọi tắt là Hội khuyến học (HKH) Thanh Hóa).

Khuyến học Thanh Hóa - dấu ấn xuất sắc, tiêu biểu, toàn diện

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Thanh Hóa đã trải qua 4 kỳ đại hội, cùng với việc hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ, khuyến học Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn xuất sắc, tiêu biểu, toàn diện.

Hiện, tổ chức HKH đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 868 hội cơ sở; hơn 15.700 chi hội và ban khuyến học trực thuộc, thu hút 927.452 hội viên tham gia, đạt 25,75% dân số toàn tỉnh, tăng gần 15% so với những năm đầu thành lập. Từ năm 2011, Thanh Hóa đã thành lập được HKH trong các cơ quan, đơn vị, trường học và lực lượng vũ trang các cấp.

Luôn giữ vai trò nòng cốt trong công tác phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách về công tác KHKT làm hành lang pháp lý cho hoạt động của hội. Hiện nay, HKH tỉnh đang nghiên cứu xây dựng “Mô hình huyện, thị xã, thành phố học tập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2026” theo Quyết định số 1492 của Chủ tịch UBND tỉnh. Mô hình huyện, thị xã, thành phố học tập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 2021.

Bên cạnh việc tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các mặt hoạt động của khuyến học, các cấp hội cũng đã dành nhiều thời gian tâm huyết, kiên trì, nỗ lực và sáng tạo trong việc mô hình hóa, tiêu chuẩn hóa và xã hội hóa các hoạt động khuyến học, như các mô hình: Gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học, nay là gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị học tập; xây dựng và phát triển các loại quỹ khuyến học (QKH); trung tâm học tập cộng đồng... tạo tiền đề để xây dựng XHHT. Các HKH cơ sở và các chi hội khuyến học ở khu dân cư đã sáng tạo trong quản lý học sinh bằng mô hình tiếng trống, tiếng kẻng, loa phát thanh khuyến học; xây dựng góc học tập, tủ sách khuyến học; vận động giáo viên tổ chức các lớp học tình thương và dạy thêm cho học sinh yếu kém không thu tiền. Vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp... Nhờ đó, đã xác lập được mối quan hệ thực chất giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.

Để các hoạt động KH, KT không ngừng phát triển, góp phần khuyến khích, động viên, tiếp bước học sinh đến trường, xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp... Các cấp HKH trong tỉnh luôn quan tâm và tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng QKH. Đến nay, QKH các cấp đã phát triển nhanh về các loại hình quỹ và số lượng quỹ. Hiện, tổng số QKH toàn tỉnh là 360 tỷ đồng, bình quân/ người là 100.000 đồng. Qũy ở HKH tỉnh đang trực tiếp quản lý là 30 tỷ (Qũy KH, KT Lam Sơn Thanh Hóa 25 tỷ, quỹ KH, KT Lê Khả Phiêu 5 tỷ và tham gia quản lý quỹ KH, KT Nguyễn Đan Quế gần 7 tỷ). Nhiều huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các khu dân cư và dòng học có QKH gửi ngân hàng để hàng năm lấy lãi trao học bổng và trao thưởng tiêu biểu như: HKH TP Sầm Sơn 8 tỷ, huyện Hoằng Hóa 5 tỷ, Bá Thước 3,8 tỷ, Yên Định 3,5 tỷ... Từ các nguồn quỹ trên, mỗi năm, các cấp HKH trong tỉnh đã khen thưởng, cấp học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập; trao thưởng cho hàng nghìn lượt giáo viên, cán bộ làm công tác khuyến học giỏi, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng XHHT không ngừng phát triển. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp HKH đã cấp học bổng cho 74.875 học sinh, sinh viên với số tiền hơn 41,1 tỷ đồng; khen thưởng cho 121.996 lượt học sinh, sinh viên với số tiền gần 40 tỷ đồng; thưởng và hỗ trợ cho 30.216 học sinh, sinh viên và giáo viên với số tiền là trên 19,7 tỷ đồng... Kết quả này đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển cả về quy mô và chất lượng, kịp thời động viên, chia sẻ, tiếp bước đến trường cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích học tập suốt đời trong cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp...

Phương hướng phát triển trong thời gian tới

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, khắc phục những hạn chế, tồn tại, ông Vương Văn Việt - Chủ tịch HKH tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, HKH các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tham mưu, tư vấn, phối hợp đạt hiệu quả cao. Cùng với ngành GD&ĐT và các ban ngành có liên quan triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác KH, KT.

Tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức HKH ở các cộng đồng dân cư; phát triển hội viên; tập huấn bồi dưỡng công tác hội cho đội ngũ các bộ lãnh đạo hội cấp xã, phường, thị trấn, gắn kết phong trào Học tập thường xuyên, Học tập suốt đời, xây dựng XHHT với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong từng ngành, từng lĩnh vực ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phối hợp với Sở GD&ĐT và các ban, ngành, đoàn thể chăm lo việc học tập của người lớn với việc triển khai thực hiện đồng bộ 7 đề án thành phần nêu trong Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị thông qua việc tổ chức xây dựng đồng bộ các mô hình học tập trên địa bàn xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ nhà trường. Nắm danh sách học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, học sinh tàn tật, chất độc da cam, gia đình đặc biệt khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học... để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng hành với HKH hỗ trợ các trường vùng khó xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hỗ trợ xây dựng trường chuẩn, trao học bổng, tài trợ, giúp đỡ học sinh, sinh viên khó khăn...

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua KH, KT, xây dựng XHHT... ngày càng sâu rộng, chất lượng, hiệu quả; xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực cho công tác KH, KT, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

20 năm, một chặng đường dài gian khó nhưng cũng đầy vẻ vang đã đưa HKH Thanh Hóa từ một tổ chức xã hội còn non trẻ dần khẳng định được vị thế, vai trò của mình, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin tưởng, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Bằng khen, Cờ thi đua...; nhiều tập thể, cá nhân thuộc các cấp HKH được trao tặng Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua... Đây sẽ là động lực để các cấp HKH trong tỉnh tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực đưa nghị quyết, chính sách về giáo dục vào cuộc sống.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]