(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo dục kỷ luật tích cực là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần; có sự thỏa thuận giữa giáo viên, học sinh và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. Tuy nhiên, sự lầm tưởng giữa kỷ luật và trừng phạt đã khiến một số giáo viên, nhà trường vận dụng sai phương pháp.

Kỷ luật tích cực ở các trường học: Mở rộng vòng tay yêu thương

Giáo dục kỷ luật tích cực là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần; có sự thỏa thuận giữa giáo viên, học sinh và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. Tuy nhiên, sự lầm tưởng giữa kỷ luật và trừng phạt đã khiến một số giáo viên, nhà trường vận dụng sai phương pháp.

Kỷ luật tích cực ở các trường học: Mở rộng vòng tay yêu thươngSự gần gũi giữa cô trò là một yếu tố quan trọng giúp học sinh tiến bộ. Trong ảnh: Một giờ học tại Học viện Tottochan Montessori Academy (TP Thanh Hóa).

Vào tháng 10-2021, sự việc giáo viên bộ môn Thể dục đánh học sinh nhập viện tại Trường THCS Thành Minh (Thạch Thành) đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, sự việc xảy ra vào hồi 16h, ngày 2-10-2021, sau tiết thứ 3 môn Thể dục, thầy giáo B.V.T có yêu cầu học sinh cất đồ dùng dạy học. Tuy nhiên em H.V.M không thực hiện theo quy định của thầy. Sau đó, thầy B.V.T có tát và đá em H.V.M trước sự chứng kiến của bạn bè cùng lớp. Theo lời kể của gia đình, H.V.M trở về nhà trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ, không muốn tiếp tục đi học và mong muốn được chuyển trường. Ngay sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thạch Thành đã vào cuộc xác minh, báo cáo sự việc về Sở GD&ĐT và chỉ đạo nhà trường, cá nhân thầy T đã đến thăm hỏi, xin lỗi gia đình học sinh. Đồng thời yêu cầu thầy T làm bản tường trình.

Thực tế, cho đến nay, những sự “trừng phạt” học sinh với nhiều hình thức vẫn xảy ra ở một số trường học trên địa bàn tỉnh. Có thể trên quan điểm của giáo viên thì đó là hình thức “kỷ luật” thích đáng, song xét về góc độ giáo dục thì việc giáo viên đánh học sinh chính là sự “bất lực” và phi giáo dục.

Mặc dù không “tác động vật lý” như sự việc nêu trên, song sự việc 7 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) bị kỷ luật đuổi học, trong đó có 3 em bị đuổi học 1 năm và 4 em bị đuổi học 1 tuần vào năm 2018 từng gây ra những dư luận trái chiều. Nguyên nhân do những học sinh này có hành vi xúc phạm thầy, cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội. Sự việc đã được nêu ra ở một số diễn đàn, thậm chí thu hút sự quan tâm của không ít ĐBQH. Từng chia sẻ với phóng viên trên báo chí, ông Dương Trung Quốc (nguyên ĐBQH khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng: “Việc vội vã có những hình thức kỷ luật như thế tôi cho rằng không thích hợp. Tôi không cần bàn sâu về nguồn cơn, cơ chế hình thành sự việc, bối cảnh việc đó để cơ quan chức năng xử lý. Tôi chưa rõ quy chế của nhà trường trong câu chuyện này như thế nào, nhưng đã là quy chế thì phải thực hiện. Tuy nhiên, quy chế mà có những chế tài mang tính tước đoạt quyền học của các cháu thì theo tôi là không nên”.

Trở lại với câu chuyện một học sinh nữ tại Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) có hành vi sử dụng thuốc lá điện tử vào tháng 11-2021. Cô Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thực tế ở độ tuổi này các em dễ “nổi loạn”. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã yêu cầu học sinh toàn trường viết cam kết không sử dụng các chất kích thích, các tệ nạn xã hội, đồng thời nêu rõ các hình thức kỷ luật nếu học sinh vi phạm. Song khi nắm bắt được sự việc học sinh nữ lớp 8 có hành vi hút thuốc lá điện tử, nhà trường đã trao đổi riêng, khuyên nhủ, phân tích để em tránh xa tệ nạn xã hội. Sau đó Ban Giám hiệu nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi, giúp gia đình nắm bắt để cùng phối hợp trong công tác giáo dục.

Cũng theo cô Lê Thị Ngoan, khi phát hiện sự việc trên, nếu giáo viên chủ nhiệm cảnh cáo trước lớp, kỷ luật học sinh trước toàn trường có thể sẽ gây ra những hậu quả cho học sinh, như: tự ti, căng thẳng, tội lỗi, thiếu sự thấu cảm và tạo nên khoảng cách lớn đối với giáo viên. Cùng với đó, nhà trường cũng lưu ý phụ huynh không nên quá nóng giận dẫn đến hành vi mất kiểm soát, có những lời lẽ thái quá hoặc đánh đập con cái.

Luôn lấy chuẩn mực vàng “Giáo dục để phục vụ cuộc sống hạnh phúc của mỗi em bé trong ngày hôm nay và mỗi con người trưởng thành trong tương lai” làm kim chỉ nam, tại môi trường giáo dục theo phương pháp Montessori của Học viện Tottochan Montessori Academy (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) tính kỷ luật trong lớp học được áp dụng bằng cách trò chuyện, dành thêm thời gian để trẻ hiểu những vấn đề đang gặp phải. Cô giáo sẽ là người khơi gợi để trẻ tìm ra được cách giải quyết vấn đề của mình như: nói lời xin lỗi, thể hiện sự yêu thương đối với bạn (khi mình phạm lỗi) bằng những cái ôm, nắm tay…

Giám đốc Học viện Tottochan Montessori Academy, bà Nguyễn Thị Trang cho rằng: "Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa “kỷ luật” và “trừng phạt”. “Kỷ luật” là duy trì nền nếp, hành vi; còn “trừng phạt” là sự trả giá. Chúng tôi đặt học sinh vào vị trí trung tâm và xung quanh là 3 thành tố: nhà giáo, môi trường học tập, hệ thống quản lý. Vai trò của giáo viên được đặt lên hàng đầu trong quá trình giáo dục, hình thành nhân cách cho học sinh. Do đó, khi trải qua chương trình đào tạo Montessori, tất cả giáo viên của nhà trường đều nắm rõ phương pháp kỷ luật tích cực nhằm tạo ra một khuôn khổ nhất định và đảm bảo sự tôn trọng trẻ.

Trong thực tế, kỷ luật tích cực đã và đang là một trong những phương pháp giáo dục tiến bộ được biết đến và đón chào tại nhiều nước trên thế giới. Kỷ luật tích cực là việc dạy và rèn luyện cho các em tính tự giác tuân theo các quy định và quy tắc đạo đức ở thời điểm trước mắt cũng như về lâu dài. Đặc biệt, phương pháp kỷ luật tích cực đề cao việc tôn trọng trẻ và không mang tính bạo lực. Đây là cách tiếp cận mang tính giáo dục, giúp học sinh cảm thấy an toàn, tự tin trong học tập khi được dẫn dắt bởi những thầy, cô giáo luôn thấu hiểu, cảm thông, động viên khuyến khích và tôn trọng học sinh… Từ đó hướng tới việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]