(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với mong muốn giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì các tổ chức xã hội cũng đang chung tay với nhiều hoạt động thiết thực, giúp các em tin yêu cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mang tin yêu cho trẻ em khuyết tật

(VH&ĐS) Với mong muốn giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì các tổ chức xã hội cũng đang chung tay với nhiều hoạt động thiết thực, giúp các em tin yêu cuộc sống.

Dạy nghề cho trẻ khuyết tật

Dạy nghề là một trong những giải pháp căn cơ, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, tham gia lao động, cống hiện và thực hiện những ước mơ tưởng chừng như không bao giờ thành hiện thực.

Tại lớp cơ khí Trường Trung cấp Nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, em Nguyễn Hoàng Tùng (19 tuổi) đang tỉ mẩn sửa chiếc máy bơm bị hỏng dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Bị câm điếc bẩm sinh, sức khỏe lại yếu nên từ nhỏ Tùng chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhìn thấy các bạn cùng lứa được đi học, rồi đi làm, Tùng đã xin bố mẹ cho đi học nghề để sống có ích hơn và có thể phụ giúp được gia đình.

Lớp học không ồn ào, từng động tác, hướng dẫn của giáo viên được các em chú ý tiếp thu bằng ánh mắt. Việc dạy cho trẻ khuyết tật không thể dựa vào giáo án thông thường, hầu hết các em đều được thầy, cô giáo cầm tay chỉ việc trong từng công đoạn.

Thầy Đỗ Giang Ưng, giáo viên dạy cơ khí chia sẻ: “Với các em việc dạy dỗ không thể vội vàng được mà phải hết sức kiên nhẫn, chỉ dạy từng ly từng tý một. Mình kiên nhẫn nhưng nhiều em lại tỏ ra chán nản vì không làm được. Những lúc đó các thầy, cô giáo lại phải dỗ dành, động viên, tiếp thêm nghị lực để các em cố gắng hơn nữa. Đúng là công việc có vất vả hơn so với những lớp nghề khác nhưng thấy các em chăm chỉ, ham nghề, chúng tôi lấy đó làm niềm khích lệ cho bản thân”.

Bằng tình thương, trách nhiệm của người giáo viên, ở trường các em không chỉ được học nghề mà còn được các thầy cô dạy văn hóa, giúp đỡ về cách giao tiếp, ứng xử.

Trẻ khuyết tật được dạy nghề tại Trường Trung cấp Nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn.

Được học nghề không chỉ học sinh mừng mà phụ huynh cũng hết sức phấn khởi. Chị Lê Thị Khởi (phụ huynh em Tùng) cho biết: Từ ngày cháu đi học nghề ở trường về thì tâm tính vui vẻ hơn rất nhiều. Ngày trước ở nhà cháu không chơi với ai, nay đến trường biết được nhiều bạn có cùng hoàn cảnh, lại được học nghề nên cháu vui lắm. Không những thế cháu cũng đã biết sửa chữa lặt vặt trong nhà”.

Hiện tại đang có 205 trẻ khuyết tật đang theo học ở trường, chủ yếu là các nghề may công nghiệp, may thời trang, thêu ren, cơ khí, điện dân dụng… Đến nay, trường đã đào tạo nghề cho trên 3.000 thanh thiếu niên khuyết tật, trong đó khoảng 45% em đã tìm được việc làm.

Mở rộng vòng tay nhân ái

Không chỉ bằng nguồn vốn Nhà nước, những năm qua Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Thanh Hóa đã vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong 5 năm đã tổ chức được 53 lớp dạy nghề cho trên 1.000 thanh thiếu niên khuyết tật. Ông Lê Hồng Lương - Chủ tịch hội cho biết: “Dạy nghề cho trẻ khuyết tật là vô cùng cần thiết và có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, để tạo việc làm lâu dài cho các em cũng như những sản phẩm của người khuyết tật có chỗ đứng trên thị trường thì cần phải có những chính sách ưu tiên cũng như sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, chính quyền địa phương”.

Ông Hoàng Đình Tưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa cho biết: “Song song với việc dạy nghề thì trường cũng đã liên hệ một số doanh nghiệp, đơn vị dành một số vị trí việc làm cho các em. 45% các em sau khi đào tạo ra trường đã tìm được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết trẻ khuyết tật có thể trạng yếu, khả năng đáp ứng công việc theo đó cũng giảm, vì vậy gia đình, người thân cần phải động viên, khuyến khích các em cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.

Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]