(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với học sinh cả nước, sáng ngày 5/9, hơn 800.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bước vào khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã và đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học mới bắt đầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Năm học mới - kỳ vọng mới

Cùng với học sinh cả nước, sáng ngày 5/9, hơn 800.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bước vào khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã và đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học mới bắt đầu.

Thanh Hóa sẵn sàng bước vào năm học mới. (ảnh minh họa)

Một năm học, nhiều thành công

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2017 - 2018, khắc phục những khó khăn, thách thức, ngành GD&ĐT Thanh Hóa gặt hái được nhiều thành công nổi bật cả về giáo dục mũi nhọn và đại trà, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 97,46%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì và có bước đột phá cả số lượng và chất lượng giải. Tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước. Năm học qua, có 64 giải học sinh giỏi quốc gia, xếp thứ 4 toàn quốc. Đặc biệt, tại các kỳ thi Olympic Quốc tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương học sinh Thanh Hóa cũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Năm học vừa qua, toàn tỉnh đã giảm được 22 trường so với năm học trước, giảm được 36 điểm lẻ của trường tiểu học, 31 điểm lẻ của trường mầm non khu vực miền núi. Hiện toàn tỉnh có 87,11% tỷ lệ phòng học kiên cố, 64% tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia. Thanh Hóa cũng điều chuyển được hơn 3.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu; tuyển dụng, bổ sung giáo viên mầm non, tiểu học và nhân viên hành chính đối với các huyện, thị, thành phố còn thiếu chỉ tiêu biên chế. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuẩn, trên chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đa số giáo viên đều nắm vững và thực hiện có hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy. Các trường học cũng đã nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Thành tích xuất sắc mà các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh đạt được là sự tiếp nối xứng đáng truyền thống "dạy tốt - học tốt" của ngành Giáo dục Thanh Hoá, làm rạng rỡ thêm truyền thống "Đất Thanh - một vùng đất học", là niềm tự hào chung của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Để có được kết quả này, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Thanh Hóa luôn đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu, từ đó, đã triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất... Trong đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy đóng vai trò quan trọng. Đổi mới công tác quản lý là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”...

Tuy nhiên, năm học 2017 - 2018, GD&ĐT Thanh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nổi cộm lên là hiện tượng chạy lớp, chạy trường, lạm thu; việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế; chất lượng giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp còn thấp, chưa gắn với nhu cầu xã hội; vẫn còn nhiều địa phương quy mô trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, các điểm lẻ còn nhiều; công tác cán bộ trong ngành còn nhiều bất cập, việc xét tuyển viên chức ở nhiều địa phương chưa có sự thống nhất;...

Chuẩn bị cho năm học mới

Để chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các đề án, dự án tăng cường CSVC, thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia đảm bảo yêu cầu đổi mới GD&ĐT (giai đoạn 2015 - 2020) với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến Đề án xây dựng cơ sở vật chất các trường THPT trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020; Đề án xây dựng khu nhà ở nội trú cho học sinh các trường THCS và THPT các huyện vùng cao giai đoạn 2015 - 2020; Kế hoạch củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú đến năm 2020; đầu tư xây dựng phòng học cho các trường mầm non, tiểu học thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn trái phiếu chính phủ; Xây dựng 189 phòng học nhằm xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ... Các đề án, dự án nhằm tiếp tục tăng cường CSVC theo hướng xanh, sạch, đẹp, trường đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho dạy và học, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo của tỉnh cũng không ngừng được tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuẩn, trên chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy;... Đến nay, toàn tỉnh đã có 99,97% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 75,91%.

Xác định, tiếp tục đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, quan tâm tạo điều kiện cho những trường còn nhiều khó khăn. Cùng với chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục giữ vững giáo dục mũi nhọn, chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; thường xuyên tổ chức cho học sinh các hoạt động nhân đạo từ thiện, lao động công ích, vệ sinh trường học, qua đó giáo dục kỹ năng sống và xây dựng môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp, văn minh, lịch sự.

Ngoài ra, ngành cũng tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp để nâng cao và tạo đột phá về giáo dục ngoại ngữ; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; rà soát đánh giá lại đội ngũ giáo viên, xử lý nghiêm trường hợp giáo viên hợp đồng sai quy định. Chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong quản lý, trong dạy thêm, học thêm, liên kết đào tạo, lạm thu trong trường học... Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện 2 đề án: “Sắp xếp mạng lưới các trường THPT hiện có của tỉnh đến năm 2025”, “Cơ chế chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”; tiếp tục triển khai xây dựng 2 đề án: “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” và “Cơ chế, chính sách phát triển các trường phổ thông công lập tự chủ và tư thục chất lượng cao”...

Thanh Hóa là tỉnh có truyền thống, tiềm năng, lợi thế về phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Năm học 2018 - 2019, tiếp nối những thành tích đã đạt được, toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh ngành Giáo dục tỉnh nhà tiếp tục ra sức phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt với thế và lực mới, trở thành đơn vị dẫn đầu trong cả nước về thành tích giáo dục đào tạo xứng đáng với truyền thống “Đất Thanh - Một vùng đất học”.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]