(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ nhiều năm qua, việc dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông được ngành Giáo dục Thanh Hóa quan tâm đầu tư, song hiệu quả chưa được như mong đợi. Chất lượng môn ngoại ngữ vẫn là "vùng trũng" so với các môn học khác (tiếng Anh là môn có phổ điểm thấp nhất trong tất cả các môn thi THPT quốc gia) và thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ: Hy vọng sẽ tạo được “cú hích”

Từ nhiều năm qua, việc dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông được ngành Giáo dục Thanh Hóa quan tâm đầu tư, song hiệu quả chưa được như mong đợi. Chất lượng môn ngoại ngữ vẫn là "vùng trũng" so với các môn học khác (tiếng Anh là môn có phổ điểm thấp nhất trong tất cả các môn thi THPT quốc gia) và thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước.

Nỗ lực từ phía cơ sở

Với điểm đầu vào lớp 10 môn tiếng Anh chưa đến 2 điểm, điểm trung bình thi THPT Quốc gia năm 2019 môn tiếng Anh là3,87 điểm, Trường THPT Triệu Sơn 2 (huyện Triệu Sơn) đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, cải thiện thứ hạng của nhà trường.

Thầy giáo Hoàng Công Thịnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 2 cho biết: Căn cứ điểm trung bình thi THPT Quốc gia được Sở GD&ĐT Thanh Hóa giao chỉ tiêu là 4,21 điểm. Nhà trường đã tiến hành cho học sinh khảo sát chất lượng từ đầu năm để đưa ra những giải pháp cụ thể như lọc những học sinh có điểm đạt thấp, giao giáo viên nỗ lực phụ đạo. Một năm tiến hành khảo sát ít nhất 3 lần để đánh giá sự tiến bộ, đồng thời tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho từng em học sinh. Nhà trường thành lập CLB tiếng Anh để khơi dậy tinh thần tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh, thu hút học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, ngoài việc cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn do sở tổ chức, trường còn chỉ đạo giáo viên phải nỗ lực tự bồi dưỡng, tự đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Về phía nhà trường cũng đã tiến hành bổ sung, nâng cấp phòng học tiếng Anh, tranh thủ các nguồn tài trợ và xã hội hóa để đầu tư thiết bị nghe nhìn, máy chiếu, đáp ứng tốt cho việc học ngoại ngữ trong nhà trường, thầy Hoàng Công Thịnh cho biết thêm.

Nhiều trường học đang có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ.

Trường THPT Như Xuân (huyện Như Xuân) có 6 giáo viên tiếng Anh đều đạt chuẩn và được đào tạo chính quy (trong đó có 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 5 giáo viên giỏi cấp trường). Trong nhiều năm học qua Trường THPT Như Xuân đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường.

Thầy giáo Lê Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân cho biết: Thành lập các CLB tiếng Anh để học sinh hoạt động; khảo sát chất lượng đội tuyển học sinh giỏi 1 tháng/ lần để nắm bắt tình hình; tích cực cho học sinh ôn luyện vào các buổi chiều; giao chỉ tiêu chất lượng đến từng giáo viên;khuyến khích các giáo viên nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa để có những tiết dạy hay, sinh động; ngoài việc tạo điều kiện để các tổ chuyên môn đổi mới phương pháp thì để động viên, khuyến khích các bộ môn phát huy hết năng lực, nhà trường còn đưa ra những tiêu chí để khen thưởng cuối năm, đặc biệt lấy những tiêu chí đó để đánh giá năng lực, xếp loại chuyên môn.

Trăn trở về chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường, thầy Lê Xuân Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thành 2 (huyện Thạch Thành) chia sẻ: Những năm gần đây, nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng dạy, học tiếng Anh trong nhà trường. Các thầy cô giáo đã tự ý thức được việc tự học, tự trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các em học sinh cũng đã thấy được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ.

Khó khăn của việc nâng cao chất lượng học ngoại ngữ là trường đóng trên địa bàn huyện miền núi, 1/3 học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số, học sinh ít va chạm hoặc không có môi trường giao tiếp tiếng Anh. Mặc dù đã nỗ lực tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên để đầu tư loa, đĩa, máy chiếu..., tuy nhiên, trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng; giờ học tiếng Anh nhưng giáo viên vẫn sử dụng tiếng Việt rất nhiều.

Nhiều cơ chế từ phía tỉnh

Nhằm nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong các nhà trường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025". Theo đó, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông đạt mức khá so với mặt bằng chung của cả nước. Có ít nhất 80% giáo viên các cấp được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo thông tư của Bộ GD&ĐT về ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội đối với việc học ngoại ngữ, tạo phong trào học ngoại ngữ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị giáo dục tăng cường rà soát năng lực, đánh giá lại chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, lập kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Tỉnh cũng khuyến khích và vận động các nguồn lực cùng xây dựng phong trào học tiếng Anh ở các cấp học, bậc học nhằm giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị đào tạo ngoại ngữ uy tín có các phương thức hỗ trợ, tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường...

Cùng với những giải pháp trên, ngành Giáo dục Thanh Hóa tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm 10 năm đối với tất cả các cấp học; xây dựng 3 trường gồm Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa), THCSNguyễn Chích (Đông Sơn), THPT Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc) trở thành đơn vị điển hình về dạy, học tiếng Anh trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức nhiều chương trình hoạt động ngoài giờ, các câu lạc bộ... nhằm tạo ra một môi trường học tiếng Anh sôi nổi, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Với sự quan tâm của các trường, sự nỗ lực của thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh Thanh Hóa hy vọng sẽ có nhiều khởi sắc.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]