(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tạo cơ hội để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và khả năng ứng dụng CNTT của đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế đang là thách thức lớn. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Hồng Lựu (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT); ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa và bà Hà Thị Châm, giáo viên Trường THCS Phúc Thịnh, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc).

Nhà giáo trong kỷ nguyên số: Thích ứng để nâng cao chất lượng

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tạo cơ hội để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và khả năng ứng dụng CNTT của đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế đang là thách thức lớn. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Hồng Lựu (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT); ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa và bà Hà Thị Châm, giáo viên Trường THCS Phúc Thịnh, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc).

Nhà giáo trong kỷ nguyên số: Thích ứng để nâng cao chất lượng

Ảnh minh họa.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Giáo dục Thanh Hóa thích ứng kỷ nguyên số

CĐS là thành tựu nổi bật của ngành GD&ĐT Thanh Hóa so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Ông có thể chia sẻ những kết quả mà tỉnh đạt được trong thời gian qua?

Ông Tạ Hồng Lựu: Thực hiện việc CĐS, đến nay Thanh Hóa có 100% các trường TH, THCS&THPT, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã triển khai xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử (Td Office); hơn 80% trường học đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (VnEdu, Smas,...); các bậc học THCS, THPT luôn đạt trên 95% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý trường học; 100% trường THCS, THPT sử dụng sổ điểm điện tử; hơn 1.400 trường học sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy và thi trực tuyến... Các trường học đang dần sử dụng các phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ điểm danh thông minh, ứng dụng OTT trên di động cho cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh. Hệ thống hội nghị, tập huấn trực tuyến (LMS) đã triển khai, ứng dụng cho hơn 30.953 giáo viên, phục vụ tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới...

Trong bối cảnh dịch COVID-19, với phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt qua hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình. Đồng thời, xây dựng các video bài giảng trực tuyến vào kho dữ liệu dùng chung toàn ngành phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay của các cơ sở giáo dục khi thực hiện CĐS đó là hạ tầng, thiết bị CNTT, năng lực ứng dụng của giáo viên còn nhiều hạn chế. Vậy Sở GD&ĐT sẽ có những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Hồng Lựu: Nhằm nâng cao khả năng ứng dụng CNTT cho những người làm công tác quản lý và đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên tiếp thu còn hạn chế, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các huyện, thị, thành phố mở lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CNTT cho cán bộ quản lý, giáo viên theo yêu cầu. Khuyến khích tinh thần người biết dạy cho người chưa biết; người biết nhiều dạy cho người biết ít trong các nhà trường và quan trọng hơn, những người chưa biết phải cố gắng học hỏi. Có như vậy mới nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Đồng thời từng bước khắc phục tình trạng thiếu máy tính, thông qua các chương trình, dự án. Thông qua đó, kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội để hỗ trợ học sinh nghèo, gia đình khó khăn không đủ điều kiện trang thiết bị tham gia học tập trực tuyến. Hưởng ứng chủ trương này, MobiFone Thanh Hóa đã trao tài trợ 6.500 tài khoản truy cập và phần mềm dạy, học trực tuyến MSCHOOL và 125 suất học bổng với tổng trị giá 1,25 tỷ đồng; VNPT Thanh Hóa trao ủng hộ các ứng dụng CNTT phục vụ chỉ đạo và điều hành trong ngành giáo dục và ưu đãi nâng tốc độ internet cho các trường dạy học online, với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng; Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Thanh Hóa trao ủng hộ 50 triệu đồng;...

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa: Đồng hành cùng ngành GD&ĐT trong CĐS

Trong quá trình CĐS của ngành GD&ĐT, VNPT Thanh Hóa đã có những đóng góp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh: Với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt CĐS trên địa bàn tỉnh, VNPT Thanh Hóa phối hợp cùng Sở GD&ĐT có chương trình hành động cụ thể theo từng giai đoạn, góp phần vào quá trình chuyển đổi toàn ngành theo trọng tâm: (1) Triển khai ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu tại các nhà trường; (2) Xây dựng mô hình Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, xã hội số trong ngành GD&ĐT; (3) Phối hợp tuyên truyền, phổ biến về CĐS, triển khai các cơ chế, chính sách về CĐS; (4) Triển khai ứng dụng CNTT đổi mới phương pháp dạy và học tại các trường, phát triển trường học thông minh, lớp học thông minh.

Đến nay hơn 70% trường học đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường VnEdu với trên 40.000 hồ sơ giáo viên (80%), và trên 600.000 hồ sơ học sinh. Phần mềm dạy và học trực tuyến đã có trên 1.400 trường học tiếp cận, trên 200 trường học áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Có trên 500 trường học sử dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến, 300 trường học sử dụng cổng thanh toán trực tuyến, 200 trường học sử dụng website, hơn 1.000 trường sử dụng hóa đơn điện tử của VNPT.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, dạy và học trực tuyến ở nhiều địa phương trong tỉnh chưa phát huy hiệu quả do chất lượng đường truyền chưa cao. Với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ, xin ông cho biết hướng khắc phục của VNPT Thanh Hóa trong thời gian tới để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến khi có yêu cầu?

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh: Do tác động diện rộng của đại dịch COVID-19, số lượng người sử dụng các nền tảng học, làm việc trực tuyến (như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams...) tăng đột biến; trong khi đó đa số các nền tảng này có máy chủ đặt ở nước ngoài. Vì vậy có những thời điểm giáo viên, học sinh không truy cập vào phần mềm quản lý dạy và học trực tuyến. Bên cạnh đó, gần đây xảy ra một số sự cố cáp quang biển cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng đường truyền.

Khắc phục tình trạng trên, về phía VNPT Thanh Hóa sẽ chủ động bố trí lực lượng giám sát lưu lượng trên các hướng tuyến; có phương án cân bằng tải, nâng băng thông đường truyền internet phục vụ dạy và học trực tuyến. Bố trí nhân sự hỗ trợ các trường, thầy cô giáo trong suốt thời gian dạy và học trực tuyến.

Cô giáo hà Thị Châm, Trường THCS Phúc Thịnh (Ngọc Lặc): Cần không ngừng học hỏi nâng cao trình độ

Là giáo viên có thâm niên, dạy học bằng phương pháp truyền thống. Nay phải dạy học bằng phương pháp mới, khó khăn của cô là gì?

Cô giáo Hà Thị Châm: Tôi đã có hơn 30 năm đứng lớp, với phương pháp giảng dạy truyền thống - soạn giáo án giấy, rồi cứ thế lên lớp nhìn giáo án dạy học trò. Phương pháp giảng dạy này đã ăn sâu và trở thành lối mòn. Ngày nay, tiếp cận với phương pháp dạy mới - ứng dụng CNTT vào quá trình dạy và học. Thú thật, thời gian đầu khi làm quen với máy vi tính để soạn bài, tôi phải “đánh vật” mãi mới làm quen từng con chữ, các dấu trên bàn phím. Người trẻ, họ học nhanh, làm nhanh, còn tôi, cứ "mổ cò" từng chữ... nên 1 trang giáo án, làm cả buổi mới xong. Đã thế, ngồi nhìn lâu trên máy vi tính, mắt mỏi lắm. Nhiều lúc, tôi nghĩ... thôi không học nữa. Nhưng rồi, được ban giám hiệu, đồng nghiệp quan tâm, động viên và chỉ dẫn tận tình, đến nay tôi đã soạn giáo án trên máy vi tính thành thạo và thực hiện nhuần nhuyễn việc dạy học theo phương pháp mới.

Tôi nghĩ, không có gì là không làm được, miễn chúng ta kiên trì và ham học hỏi. Vì vậy, tôi mong những đồng nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong ứng dụng CNTT không tự ti, chán nản, hãy cố gắng học hỏi bằng nhiều kênh khác nhau, mà trực tiếp và gần gũi nhất là qua bạn đồng nghiệp. Mỗi ngày cố gắng từng chút, từng chút... rồi sẽ có ngày ứng dụng CNTT trong giảng dạy sẽ không còn là vấn đề khó.

Thành Long (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]