(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhằm đảm bảo cho học sinh có đầy đủ lượng kiến thức cần thiết để bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang nỗ lực chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, các trường này cũng gặp không ít khó khăn trước kỳ vượt “vũ môn”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều trường THPT ở miền núi nỗ lực ôn tập cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

(VH&ĐS) Nhằm đảm bảo cho học sinh có đầy đủ lượng kiến thức cần thiết để bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang nỗ lực chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, các trường này cũng gặp không ít khó khăn trước kỳ vượt “vũ môn”.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ được tổ chức trong 3 ngày (22, 23 và 24/6). Như vậy, thời gian thi diễn ra sớm hơn gần nửa tháng so với mọi năm. Điều này đồng nghĩa với việc các giáo viên, học sinh cũng như các thí sinh tự do phải tăng tốc trong việc ôn tập, đặc biệt ở các môn thi trắc nghiệm gồm: Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, công tác này càng trở nên khẩn trương hơn với nhiều phương pháp phù hợp cho từng đối tượng học sinh.

Trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 Trường THPT Thạch Thành I có 300 học sinh tham dự. Trong đó hầu hết là học sinh con em người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên ngoài giờ đến lớp, các em phải dành nhiều thời gian phụ giúp gia đình. Ở vùng khó, các em cũng không có nhiều điều kiện tiếp cận Internet để tìm kiếm tài liệu nên hầu hết kiến thức đều trông chờ vào thầy cô.

Em Trịnh Thị Hiểu, lớp trưởng lớp 12A1 Trường THPT Thạch Thành I bày tỏ: “Hiện tại, em cảm thấy khá lo lắng với môn Toán bởi lần đầu tiên thi trắc nghiệm và cần một lượng kiến thức rất lớn mà thời gian làm bài ngắn, em lại không có điều kiện để mua thêm tài liệu ôn tập”.

Trao đổi với chúng tôi ông Đỗ Thận Do - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thành I cho biết: Học sinh miền núi điều kiện tiếp cận với những thông tin có nhiều hạn chế nên ngoài công tác giảng dạy, các giáo viên ở đây phải thường xuyên theo dõi mọi thông tin, thay đổi phương án thi của Bộ GD&ĐT để cung cấp kịp thời cho các em. Việc thi theo hình thức trắc nghiệm giúp chúng tôi đánh giá học sinh thực chất hơn, hạn chế được tình trạng học sinh quay cóp. Tuy nhiên, năng lực học tập của học sinh miền núi còn nhiều hạn chế nên việc ôn tập với lượng kiến thức rộng sẽ gặp nhiều khó khăn cho các em.

Tiết học Hóa học của lớp 12A1, Trường THPT Thạch Thành I (huyện Thạch Thành).

Bà Lê Nguyệt Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Bá Thước cũng cho rằng: Là năm đầu tiên thi theo tổ hợp môn thi khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và thi theo hình thức trắc nghiệm (Toán, Lịch sử, Địa Lý), năm đầu tiên đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi nên quá trình chuẩn bị gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, học sinh ở các huyện miền núi hầu hết là người dân tộc thiểu sốnên khả năng học của các em về Ngoại ngữ so với vùng xuôi gặp nhiều khó khăn hơn. Những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả của nhà trường trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Theo ông Ngô Văn Giang - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thành IV thì Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, do số lượng môn học ôn thi THPT Quốc gia nhiều hơn các năm trước (6 môn so với 4 môn), kiến thức học sinh sử dụng để giải đề thi tương đối rộng và bao quát hơn, do đó học sinh phải học nhiều hơn. Thời lượng làm bài thi tương đối ngắn nên yêu cầu học sinh phải xử lý, tính toán nhanh mới kịp thời gian quy định. Một số giáo viên, học sinh còn lúng túng khi thay đổi thi theo hình thức từ tự luận sang trắc nghiệm. Bên cạnh đó, môn Ngoại ngữ vẫn là vấn đề khó đối với học sinh vùng núi chúng tôi, bởi cơ sở vật chất dạy tiếng Anh hiện cũng chưa đảm bảo vì trường chưa có phòng học tiếng, học sinh nghe - nói, chủ yếu chỉ mới thông qua đài catsét do giáo viên tự chuẩn bị đặc biệt là khả năng học tiếng Anh của học sinh miền núi còn rất hạn chế... Tất cả những điều trên sẽ là rào cản lớn đối với học sinh miền núi nói chung và học sinh Trường THPT Thạch Thành IV nói riêng.

Có thể thấy, những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đang khiến nhiều học sinh ở vùng núi băn khoăn, lo lắng. Bởi vậy các nhà trường đang chủ động để thích ứng, khắc phục khó khăn, dốc sức nỗ lực hết sức với mong muốn đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.

Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]