(vhds.baothanhhoa.vn) - Thầy của chúng tôi, nhà giáo - nhà Sử học Phạm Văn Đấu sinh năm 1950 trong một gia đình bần nông ở một miền quê nghèo khó: Thạch Thành (Thanh Hóa). Chẳng rõ vùng quê này hình thành từ bao giờ, chỉ biết có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không thể tìm được một vị đại khoa thời quân chủ trong lịch sử dân tộc như các huyện: Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Vĩnh Lộc… Ấy thế nhưng, đến đời thầy thì chuyện học hành ở một huyện miền núi đã bắt đầu có những khởi sắc và chính thầy là một trong không nhiều tấm gương về sự vượt khó, vươn lên ở tất cả các bậc phổ thông, đại học và sau đại học…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ về một người thầy dạy Sử

Thầy của chúng tôi, nhà giáo - nhà Sử học Phạm Văn Đấu sinh năm 1950 trong một gia đình bần nông ở một miền quê nghèo khó: Thạch Thành (Thanh Hóa). Chẳng rõ vùng quê này hình thành từ bao giờ, chỉ biết có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không thể tìm được một vị đại khoa thời quân chủ trong lịch sử dân tộc như các huyện: Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Vĩnh Lộc… Ấy thế nhưng, đến đời thầy thì chuyện học hành ở một huyện miền núi đã bắt đầu có những khởi sắc và chính thầy là một trong không nhiều tấm gương về sự vượt khó, vươn lên ở tất cả các bậc phổ thông, đại học và sau đại học…

Cũng cần phải nói thêm, thầy Phạm Văn Đấu là con út trong một gia đình có 6 anh em trai. Trong 5 người anh của thầy, một người từng có mặt trong đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ mặt trận Điện Biên, một người làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam ngay sau ngày miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, 3 người nữa vượt Trường Sơn mở đường đánh Mỹ. Một gia đình như thế quá xứng đáng với tấm “Bảng vàng danh dự” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.

Năm 1973 tốt nghiệp khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội thì năm 1974, thầy về nhận công tác tại Phòng Bảo tàng, Ty Văn hóa Thông tin Thanh Hóa (nay là Bảo tàng tỉnh, thuộc Sở VH,TT&DL). Với tuổi trẻ đầy khát khao, hoài bão, lại là cử nhân lịch sử chuyên ngành Khảo cổ học đầu tiên của tỉnh, thầy Phạm Văn Đấu đã hăng say khảo sát và nghiên cứu hầu hết các di tích: Nào văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, văn hóa Hoa Lộc, văn hóa Đông Sơn... tại các vùng miền trong tỉnh. Năm 1976, thầy có 6 tháng liên tục trực tiếp khai quật và nghiên cứu Văn hóa Hoa Lộc (tại huyện Hậu Lộc) để rồi sau này, từ kết quả nghiên cứu đó, thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sử học chuyên ngành Khảo cổ vào năm 1995.

Suốt cuộc đời mình, thầy gắn bó máu thịt với mảnh đất xứ Thanh. Bước chân của nhà giáo - nhà Sử học Phạm Văn Đấu đã in dấu khắp các miền quê trong tỉnh: Cẩm Thủy, Quan Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân... Có thể nói không quá lời rằng, nơi nào xuất hiện di tích khảo cổ, nơi nào có đời sống văn hóa các dân tộc, nơi đó có bước chân của thầy. Chẳng thế mà trong bài viết nổi tiếng “Xứ Thanh: Vài nét về lịch sử - văn hóa” (sách Việt Nam cái nhìn Địa - Văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội,1999, tr. 270-280), cố GS Trần Quốc Vượng đã 2 lần nhắc đến thầy: “1. Do phát hiện của tôi và ông Phạm Hổ Đấu (Bảo tàng Thanh Hóa) thì xứ Thanh (cũng như Nghệ Tĩnh - Bình Trị Thiên Huế) còn là không gian văn hóa Sơn Vi cuối đá cũ, tiền Hòa Bình, có niên đại 12 vạn năm nữa kia!; “2. Với Đô Dương, nay được thờ từ làng Rùng Đông Sơn (tài liệu của ông Phạm Hổ Đấu) đến Kẻ Cù xã Hoàng Sơn huyện Nông Cống (tài liệu điền dã của tôi ở Nông Cống 18-12-1993), xứ Thanh là vùng cực nam của không gian khởi nghĩa Hai Bà Trưng kháng Hán (40-44 sau công nguyên)”… Không đi nhiều, năng quan sát, chịu khó học hỏi và ghi chép, thầy làm sao có thể cùng “phát hiện” và sẵn “tài liệu” cung cấp cho cố GS Trần (Phạm Hổ Đấu là một bút danh khác của thầy)? Trong khoảng thời gian từ 2000 - 2010, thầy trực tiếp dẫn nhiều lớp sinh viên ngành sư phạm Sử đi tham quan, học tập trên thực địa ở rất nhiều các di tích lịch sử khắp trong Nam ngoài Bắc, giúp các thầy cô giáo tương lai thêm yêu quê hương xứ sở, tự hào về các giá trị truyền thống của dân tộc. Theo bước chân thầy, chúng tôi đã đến khu di tích lịch sử Đền Hùng; các hố khai quật văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, Hoàng thành Thăng Long; bãi cọc Bạch Đằng; ải Chi Lăng;… Nhờ những chuyến đi này, nhiều bạn khi ra trường đã tin hơn khi giảng bài cho học sinh, hiểu thêm nhiều điều không có trong sách vở.

Nhà giáo, nhà Sử học Phạm Văn Đấu trong một lần hướng dẫn SV đi thực tế.

Với 37 năm lao động miệt mài, trong đó có 12 năm làm thầy (1999 - 2010), nhà giáo - nhà Sử học Phạm Văn Đấu đã ghi dấu ấn sâu đậm của mình suốt hơn một thập niên công tác ở Trường Đại học Hồng Đức. Ngoài 49 phát hiện mới về Khảo cổ học, 17 bản tham luận tại các hội thảo trong và ngoài nước..., thầy là chủ nhiệm của lớp Sư phạm Lịch sử hệ Đại học khóa đầu tiên (2000 - 2004); giảng viên đầu tiên của các bộ môn Sử có sinh viên đoạt giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ (giải Ba); giảng viên đầu tiên tham gia hướng dẫn một cán bộ giảng dạy trong khoa Khoa học Xã hội làm luận án Tiến sĩ Sử học (mà cô học trò ngày nào nay đã được công nhận chức danh PGS); giảng viên đầu tiên là tác giả chính của một tập giáo trình dành cho các trường Sư phạm toàn quốc (giáo trình Khảo cổ học, chấp bút 5/8 chương). Đặc biệt, nếu năm 2011, bất kỳ người xứ Thanh hay Việt Nam nào cũng đều hân hoan trước thông tin thành Tây Đô được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thì trước đó 17 năm (năm 1994), thầy đã giới thiệu giá trị của tòa thành này trong một hội thảo quốc tế do chính UNESCO tổ chức tại Nhật Bản, được nồng nhiệt hoan nghênh. Một tầm nhìn, một cảm quan khoa học đi trước thời gian. Thầy cũng là người hào phóng, sẵn sàng chia sẻ các ý tưởng khoa học với các đồng nghiệp, học trò; thậm chí nhiệt tình hỗ trợ, giới thiệu để các ý tưởng đó đứng tên đồng nghiệp, học trò và được đăng trên các tạp chí. Bản thân người viết bài này đã được thầy giúp đỡ in 2 bài trước khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ. Tính đến khi rời cõi tạm, thầy đã in chung cùng đồng nghiệp nhiều công trình khảo sát văn hóa như: Khảo sát văn hóa truyền thống Đông Sơn (Nxb KHXH, Hà Nội, 1988); Văn hóa truyền thống Thường Xuân Tập 1 (Sở VHTT Thanh Hóa, 1989); Nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa Tập 1 (Nxb Thanh Hóa, 1999); Tên làng xã Thanh Hóa Tập 1 (Nxb Thanh Hóa, 1999); Địa chí Thanh Hóa Tập 2 (Nxb KHXH, Hà Nội, 2003); Địa chí Thanh Hóa Tập 3 (Nxb CTQG, Hà Nội, 2009); Địa chí huyện Bá Thước (Nxb Lao động, Hà Nội, 2015); Địa chí huyện Ngọc Lặc (Nxb KHXH, Hà Nội, 2016)…

Các công trình lịch sử văn hóa tiêu biểu mà thầy là tác giả hoặc tác giả chính, có: Văn hóa Hoa Lộc (Nxb VHTT, Hà Nội, 1999); Trống Đông Sơn phát hiện ở Thanh Hóa (Nxb KHXH, Hà Nội, 2004); Phác thảo lịch sử kinh tế Thanh Hóa (Từ nguyên thủy đến năm 1945) (Nxb KHXH, Hà Nội, 2004); Những nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở Việt Nam (Nxb VHTT, Hà Nội, 2006; tái bản 2010); Những nền văn hóa cổ đôi bờ sông Mã (Nxb KHXH, Hà Nội, 2006); Giáo trình Khảo cổ học (NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2007; tái bản 2010)… và nhiều bài viết đăng ở các hội thảo quốc tế, tạp chí Trung ương.

Đã 3 năm kể từ ngày thầy của chúng tôi đi xa nhưng người viết bài này vẫn chưa quen với cảm giác trống vắng mỗi khi về thăm trường xưa, lớp cũ; vẫn chưa muốn chấp nhận sự thật: Giảng đường khoa Khoa học Xã hội từ nay vắng bóng thầy.

Đại úy, ThS Đỗ Đức Tuấn (Trường Quân sự QK2)


Đại úy, ThS Đỗ Đức Tuấn (Trường Quân sự QK2)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]