(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những vụ việc về bạo lực học đường, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề này, như: Nguyên nhân vì đâu và trách nhiệm thuộc về ai... Nhưng chắc chắn một điều là không chỉ có một nguyên nhân và trách nhiệm cũng không thể thuộc về 1 người...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối nạn bạo lực học đường (Kỳ 2): Lỗi thuộc về ai?

Sau những vụ việc về bạo lực học đường, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề này, như: Nguyên nhân vì đâu và trách nhiệm thuộc về ai... Nhưng chắc chắn một điều là không chỉ có một nguyên nhân và trách nhiệm cũng không thể thuộc về 1 người...

Truyền thông về bạo lực học đường được ngành giáo dục và các trường học ngày càng quan tâm.

Mâu thuẫn dẫn đến hành động

“Không có lửa làm sao có khói” để dẫn chứng cho một trình tự: từ nguyên nhân đến hành động. Nhưng đối với riêng bạo lực học đường, chuyện nhỏ cũng có thể xé ra to, hoặc chỉ là một lời nói, chỉ một bình luận trên mạng xã hội, hoặc ghét nhau từ ánh nhìn, cử chỉ..., là cũng có thể dùng bạo lực để “tấn công”.

Nhìn lại một số vụ việc xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh, phần lớn nguyên nhân bắt đầu từ mâu thuẫn trong lời nói mà ở đó người đánh cho rằng, đối phương nói xấu bản thân mình, gia đình mình nên không thể bỏ qua... Vụ việc học sinh H.L.T ở Trường THPT Lê Hồng Phong (TX Bỉm Sơn) bị L.A.T - bạn cùng trường lấy chân đá vào mặt, vào đầu vì L.A. T cho rằng chính H.L.T đã nói xấu mẹ mình trên mạng xã hội. Hay trường hợp của học sinh L, Trường THCS Yên Hùng (Yên Định) bị nhóm 5 bạn vây quanh đánh do có nói xấu nhau từ trước, lẫn ngoài đời và trên mạng xã hội. Hoặc câu chuyện em Đ.L.V, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) bị đánh hội đồng cũng vì lời nói chưa hiểu nhau...

Những chuyện vụn vặt, những xích mích nho nhỏ nhưng người trong cuộc cho rằng đó là sự xúc phạm lớn nên đã đẩy câu chuyện đi xa hơn. Vậy nên, không cần suy nghĩ, không chút đắn đo, các em đã lao vào “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bạn mình. Những mâu thuẫn không đáng có và có thể bỏ qua cho nhau thì các em lại đẩy mâu thuẫn thành cao trào và cuối cùng điều tồi tệ đã xảy ra. Trong các vụ bạo lực học đường cho thấy, các em muốn thể hiện cái tôi rất lớn, muốn thành người hùng và phải chiến thắng chứ không phải là thất bại...

Hoàn cảnh tạo tính cách

Phải khẳng định, khi xảy ra bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó gia đình có ảnh hưởng lớn đến những vụ bạo lực này. Mới đây, theo chia sẻ của một nữ Luật sư thì môi trường trường học không hề có “tội” trong vấn đề bạo lực học đường. Có một nguyên nhân sâu xa từ ngay chính môi trường gia đình. Nữ Luật sư khẳng định điều này vì chính bản thân đã tham gia “gỡ rối” cho một số nhà trường có xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, nữ Luật sư đã tiếp xúc với một số học sinh và phát hiện những “bất thường” trong cuộc sống gia đình của những em này. Đó là có em thường chứng kiến cảnh bố đánh chửi mẹ; có em do bố mẹ quá lo cho kinh tế nên không quan tâm đến con cái... Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các em và dẫn đến vấn đề bạo lực.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã về gia đình của 1 số em tham gia đánh bạn, trong đó có em bố mẹ đi làm ăn xa và chỉ sống với ông bà, có em thì người thân vướng vào tệ nạn xã hội... Ngay tại Trường THPT Quảng Xương 4 (huyện Quảng Xương), ông Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có 1.461 học sinh thì có 2/3 là bố mẹ đi làm ăn xa, phần lớn phó thác hết cho giáo viên và nhà trường. Khi sự việc học sinh đánh nhau xảy ra, gọi điện cho bố mẹ thì chúng tôi cũng chỉ nhận được câu: Trăm sự nhờ nhà trường. Chúng tôi không quy kết việc đánh nhau đấy là do gia đình nhưng rõ ràng gia đình không thể không có trách nhiệm trong việc con đánh bạn, xúc phạm bạn... Ngoài giờ học mới xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau và xảy ra ở ngoài nhà trường thì đó còn thuộc về trách nhiệm của cả gia đình và xã hội.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Vấn đề ở chỗ là chúng ta không nên nghiêng hết phần lỗi về phía gia đình nhưng có một thực tế là do thời buổi kinh tế thị trường, do sức ép công việc và vòng quay của đời sống xã hội nên cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự quan tâm của cha mẹ dành cho con cái. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Đừng đổ lỗi cho nhau

10 năm về công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Hiệu trưởng Chu Thị Hường đã rất bàng hoàng khi nhận được thông tin học sinh của nhà trường tham gia đánh nhau và phát tán lên mạng xã hội. Bà nói: Tôi về đây 10 năm, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh học sinh trường mình vi phạm nền nếp, đạo đức. Sự việc này xảy ra ngoài ý muốn. Chúng tôi rất buồn vì từ trước tới nay, nhà trường thực hiện rất nghiêm túc các quy tắc ứng xử giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh và học sinh...

Còn ông Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 4 nhận định: Nếu đánh giá nhà trường thì nhà trường có một phần trách nhiệm là giáo dục các em chưa thẩm thấu được. Nhưng nhà trường chỉ quản lý học sinh được 8 tiếng, vậy 16 tiếng còn lại ai quản lý? Nói các nhà trường phải chịu trách nhiệm là khó. Tôi khẳng định, bất kỳ bậc học nào, thì ở đâu cũng sẽ giáo dục học sinh không nên làm những vụ việc này. Một nền giáo dục mới đã được đưa vào các nhà trường, rất cụ thể và có tính giáo dục.

Thực tế, những bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh đã được đưa vào các nhà trường dưới nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, các buổi hoạt động ngoại khóa... Tuy nhiên, giáo dục đạo đức có những nơi chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với học sinh cấp 2, 3, phần lớn gắn trách nhiệm đối với giáo viên chủ nhiệm, chính vì không có sự đồng bộ nên “gánh nặng” đối với giáo viên chủ nhiệm là quá sức trong việc quản lý học sinh của mình...

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Tâm - Phó Trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa Lý luận chính trị Luật Trường Đại học Hồng Đức: Nhìn lại các vụ bạo lực học đường thì thường xảy ra ở lứa tuổi từ 12-17, đây được xem là thời điểm hình thành nhân cách của các em, cùng với đó là tâm lý không ổn định nên rất dễ có những hành động không kiểm soát được bản thân. Thêm vào đó là môi trường văn hóa như bạo lực từ game, phim ảnh, các mạng xã hội...

Tuy nhiên, chúng ta cùng đừng đổ lỗi cho nhau. Khi thấy học sinh đánh nhau, cha mẹ thường đổ lỗi cho nhà trường. Nhà trường cho rằng phụ huynh không có sự quan tâm đến con,con hư mà không biết. Hoặc có nhiều gia đình đổ lỗi cho con mình, cho rằng con nhà người khác ngoan, sao con mình lại hư... Bố mẹ bực tức là quay sang đổ lỗi cho con chứ ít khi bố mẹ nhận lỗi trước con.

Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Tâm, quan trọng là phải tìm ra giải pháp. Theo đó, các nhà giáo dục trong xã hội cần phải có sự kết hợp với nhau tốt hơn, phải liên hệ mật thiết, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Mục đích là để học sinh lựa chọn, định hướng giá trị sống tốt đẹp, sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường, các em sẽ biết nghĩ cho nhau hơn, biết trân trọng cái tôi của bản thân mình và biết trân trọng người khác...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]