(vhds.baothanhhoa.vn) - Không phải đến khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường mới bàn đến câu chuyện giải pháp. Trong môi trường giáo dục, ở bất kỳ cấp học nào, ngoài việc chuyển tải kiến thức thì song song đó là vấn đề về giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong môi trường gia đình, bố mẹ phải luôn là tấm gương đạo đức cho con...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối nạn bạo lực học đường (Kỳ cuối): Gắn kết để yêu thương

Không phải đến khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường mới bàn đến câu chuyện giải pháp. Trong môi trường giáo dục, ở bất kỳ cấp học nào, ngoài việc chuyển tải kiến thức thì song song đó là vấn đề về giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong môi trường gia đình, bố mẹ phải luôn là tấm gương đạo đức cho con...

Mô hình Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; văn hoá ứng xử cho học sinh tại Trường THCS Bắc Sơn, TP Sầm Sơn.(Ảnh: Trâm Oanh)

Bố mẹ hãy quan tâm đến con cáinhiều hơn, giáo viên phải có tình thương nhiều hơn...

Chúng tôi về Trường THPT Lang Chánh khi tại đây vừa khép lại buổi hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tháng 12 với chủ đề: “Thực hành giá trị sống, giá trị yêu thương thông qua tổ chức hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy 2020”. Cũng như nhiều trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thầy, trò Trường THPT Lang Chánh với mỗi tháng 1 chủ đề mà cái đích cuối cùng của những buổi hoạt động giáo dục ngoài giờ này là nhân lên bài học giá trị về đạo đức, lối sống cho mỗi học sinh của nhà trường.

Trường THPT Lang Chánh có hơn 1.200 học sinh. Trong số này không thể không có những học sinh cá biệt và để những học sinh này chấp hành nội quy,quy tắc của nhà trường cũng như biết ứng xử với thầy cô, bạn bè cũng là vấn đề đặt ra. Quan trọng nhất là phải hạn chế đến mức tối đa tình trạng bạo lực học đường. Ông Nguyễn Đình Bảy - Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh cho rằng: "Theo tôi với bạo lực học đường không thể tuyệt đối mà làm sao ở mức thấp nhất. Đánh nhau chỉ thể hiện bên ngoài mà mâu thuẫn thì ở bên trong, nên bạo lực tinh thần nguy hiểm hơn, chính nó dẫn đến bạo lực thể xác. Giáo dục, đạo đức lối sống thì vai trò của gia đình phải là số một. Từ ứng xử với gia đình sẽ dẫn đến việc ứng xử với nhà trường, thầy cô và xã hội như thế nào. Về phía nhà trường, quan điểm của tôi là đừng đẩy học sinh cá biệt ra xa mà phải kéo gần các em lại để thúc đẩy sự trưởng thành của các em. Thầy cô phải tạo sự thân thiết với các em. Tôi vẫn nói với giáo viên, phần lớn học sinh nhà trường có bố mẹ đi làm ăn xa, nếu nhà trường cũng xa rời các em thì học sinh ở với ai"?

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT chia sẻ: "Sự gương mẫu của bố mẹ là tấm gương phản chiếu để con cái học tập, sự quan tâm của bố mẹ để con tránh được sự tủi thân, cô đơn. Nhưng ngược lại, bố mẹ cũng đừng quá đặt kỳ vọng vào con cái, đừng quá tạo áp lực cho con. Còn đối với thầy cô giáo, tôi lúc nào cũng đặt 2 chữ tình thương lên đầu. Tôi đã có 15 năm đứng lớp. 15 năm ấy tôi tiếp xúc với rất nhiều học sinh, mỗi học sinh một tính cách. Nhưng bài học tôi rút ra được đấy là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người thầy phải luôn có tình thương".

Ông Thành nhớ lại câu chuyện của hơn 30 năm về trước, khi ông là giáo viên chủ nhiệm kiêm đội trưởng đội an ninh của một trường chuyên nghiệp. Lúc bấy giờ tình trạng học sinh ăn trộm xảy ra rất nhiều. Trong lớp ông dạy cũng có một học sinh ăn cắp quần áo của bạn. Sau khi tìm hiểu, ông đã nắm bắt được người có liên quan đến vụ việc này đó là một cậu trò có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thương học trò, ông đã kín đáo để gặp gỡ riêng và đưa ra lời khuyên, thuyết phục nhưng rất tiếc học trò không nghe. Sau đó, cực chẳng đã, hội đồng kỷ luật của nhà trường buộc phải kỷ luật bằng hình thức chấm dứt việc học của em. Vào cái đêm trước khi rời khỏi ngôi trường, người học trò đã xin ngủ với ông, tâm sự với ông nhiều điều và có nói một câu: Thầy ơi, giá như con nghe lời thầy nhận lỗi thì con vẫn tiếp tục được là học trò của thầy. Về sau, người học trò đi bộ đội rồi làm giáo viên nhưng vẫn viết thư về thăm hỏi ông...

Qua câu chuyện trên để càng thấy rõ hơn mối liên hệ mật thiết, bền chặt giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Đây là 3 yếu tố không thể tách rời trong việc hình thành nhân cách của một học sinh. Thiếu 1 trong 3 yếu tố sẽ để lại những hệ lụy mà đáng buồn nhất đó là làm suy đồi về đạo đức của các em. Đạo đức có tốt thì văn hóa mới tốt. Đạo đức nói riêng và nền nếp nói chung của học sinh là căn nguyên của mọi vấn đề. Có làm tốt đạo đức lối sống thì mới xây dựng được môi trường tốt trong nhà trường, từ đó mới đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhìn lại một mô hình thiết thực

Trong giờ kiểm tra, một nhóm “chị đại” dành lấy bài kiểm tra của một sinh đã làm bài xong. Nhưng học sinh này không cho nhìn bài và cuối cùng, nhóm “chị đại” đã xé bài kiểm tra của bạn. Tan học, nhóm “chị đại” đã hẹn học sinh không cho nhìn bài ra một địa điểm ở ngoài trường để đánh. Để giải quyết vấn đề này, hiệu trưởng đã mời giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh em học sinh bị đánh và phụ huynh nhóm tham gia đánh bạn học lên để gặp gỡ, trao đổi. Phụ huynh có con bị đánh cho biết, con mình đã trở nên trầm cảm và có ý định tự tử sau vụ việc. Sau khi phân tích, lý giải, nhóm “chị đại” bắt đầu thấy hối hận và đã lên tiếng xin lỗi. Điều đáng nói là hoàn cảnh gia đình em bị đánh thì bố không còn, mẹ đi làm xa không quan tâm nhiều được đến con. Trong khi đó, phụ huynh của nhóm “chị đại” thì lại rất chiều và bênh con của mình.

Câu chuyện kể trên là một tiểu phẩm của các em học sinh Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) tự biên, tự diễn nhân buổi ra mắt thực hiện Kế hoạch số 3992/KH-SVHTTDL-NSVH ngày 15/11/2019 về triển khai thí điểm Mô hình Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; văn hoá ứng xử cho học sinh của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa. Mô hình bước đầu thí điểm tại 10 trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh. Mô hình tập trung các nội dung liên quan đến đạo đức, lối sống trong gia đình, đặc biệt tập trung vào các vấn đề về văn hoá ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội... Thông qua việc xây dựng nội dung, kịch bản chương trình hoạt động truyền thông cấp trường bằng các hình thức: Thi hùng biện; thi tiểu phẩm của các em học sinh; phát động trong học sinh viết mẩu truyện ngắn về lối sống, cách sống, ứng xử hay mà các em được thấy, gặp...

Sau khi mô hình được triển khai, thực hiện, qua sự đánh giá của các nhà trường, bước đầu đã nhận được những tín hiệu tích cực. Phó hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, ông Lường Văn Hoan cho rằng: "Mô hình này rất có ý nghĩa vì nó đụng chạm đến 2 vấn đề thuộc cả gia đình và cả nhà trường. Nếu làm tốt cả giáo dục, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình, nhà trường sẽ làm cho học sinh có lối sống tốt khi ra ngoài xã hội".

Thực tế, nội dung của mô hình thí điểm giáo dục, đạo đức lối sống sẽ diễn ra xuyên suốt trong cả một năm học, từ năm học này đến năm học sau. Theo đó, các nhà trường sẽ lựa chọn những nội dung liên quan để cụ thể hóa bằng các chương trình, hành động. Tại Trường THPT Hàm Rồng, sau khi tham gia mô hình, nhà trường đã xây dựng mỗi tháng một chuyên đề mà ở đó giáo viên, học sinh sẽ tự xây dựng kịch bản, được sân khấu hóa, quay phim lại và đưa lên trang thông tin của các lớp, đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp trình chiếu trong các buổi sinh hoạt. Tuy nhiên, kịch bản sẽ xây dựng theo hướng mở, không có kết. Học sinh sẽ là người tự đưa ra kết, đúng hay sai, xem cách kết nào hay nhất, mang tính giáo dục nhiều nhất. Và như vậy, câu trả lời đã trở thành bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh.

Trước đó, để nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phòng, chống tình trạng bạo lực học đường, các cấp sở, ban, ngành chức năng của tỉnh đã đưa ra văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động... Phải kể đến kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động; tăng cường các biện pháp phòng chống bạo lực học đường; thành lập tổ tư vấn tâm lý học sinh trong các trường phổ thông của Sở GD&ĐT; tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” trong các trường THPT, TTGDNN-GDTX, giai đoạn 2018 - 2022 của Tỉnh Đoàn Thanh Hóa...

Phải coi phòng, chống bạo lực học đường là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại một Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường do Bộ này tổ chức. Tại hội nghị này, Bộ trưởng nhấn mạnh: Xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong nguyên lý nhà trường - gia đình - xã hội thì hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường sẽ không cao. Phòng, chống bạo lực học đường thì phòng là chính, không để cứ đến khi sự cố xảy ra mới chống. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]