(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là “chìa khóa” để hội nhập và phát triển, nhiều năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới về mọi mặt, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực đổi mới để tạo đột phá mới

Xác định đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là “chìa khóa” để hội nhập và phát triển, nhiều năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới về mọi mặt, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới.

Thành tựu là tiền đề

Năm học 2019 - 2020 là năm học có ý nghĩa quan trọng mang tính “bản lề”, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới năm học 2020 - 2021.

Nhìn lại năm học 2018 - 2019, là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành GD&ĐT tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại trường lớp có kết quả khả quan; việc bố trí sắp xếp, điều chuyển đội ngũ giáo viên nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu đã có nhiều cố gắng, bước đầu đã giải quyết cơ bản giáo viên thừa, thiếu trên địa bàn. Công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Việc tổ chức các kỳ thi, cuộc thi được đổi mới đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả cao; công tác đổi mới quản lý có nhiều chuyển biến tích cực;...

Chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì và có bước đột phá. Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tỉnh Thanh Hóa có 107 học sinh đạt trên 27 điểm trở lên 3 môn xét tuyển đại học, trong đó có 19 học sinh đạt 28 điểm trở lên, có 3 học sinh khối A0 đạt điểm cao nhất trong số 10 học sinh có điểm cao nhất cả nước, trong đó có 1 thí sinh thủ khoa cả nước khối A0. Đặc biệt, tại các kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, học sinh Thanh Hóa đạt được 6 huy chương, trong đó có 3 HCV Olympic Quốc tế các môn Vật lý, Hóa học và Tin học; 1 HCB Olympic Quốc tế môn Sinh học; 2 HCB và HCĐ kỳ thi Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Đây là năm học tỉnh Thanh Hóa đạt thành tích rực rỡ nhất từ trước đến nay trên đấu trường quốc tế, góp phần đem vinh quang về cho quê hương, đất nước.

Quyết tâm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

Với khí thế thi đua sôi nổi và bước tạo đà đầy hứng khởi từ những kết quả của năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục Thanh Hóa đang thực hiện quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

Trước những yêu cầu đổi mới và phát triển GD&ĐT, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, năm học 2019 - 2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện vào năm học 2020 - 2021.

Để chuẩn bị cho việc thay đổi này, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ như: Bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, tiến hành giao chỉ tiêu chất lượng cụ thể cho các đơn vị trường THPT và gắn trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị. Đồng thời, thực hiện tăng thêm số môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Văn, tiếng Anh sẽ bốc thăm thêm 1 môn thi nữa trong số 5 môn Lý, Hóa, Sinh, Sử , Địa; quy hoạch, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đúng vị trí việc làm và yêu cầu về chuẩn chức danh nghề nghiệp; thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá; tăng cường định hướng, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo củagiáo viên và học sinh; xây dựng tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá giờ dạy của giáo viên theo hướng phát triển năng lực học sinh. Trong đó, quan tâm thực hiện "đổi mới, sáng tạo trong dạy, học" nhằm tạo bước đột phá trong GD&ĐT.

Để nâng cao chất lượng GD&ĐT, Thanh Hóa chú trọng đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Chỉ đạo triển khai dạy học môn tiếng Anh tiểu học 4 tiết/tuần cho học sinh các lớp 3, 4, 5 ở những trường đảm bảo điều kiện về giáo viên đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ; cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu; căn cứ nhu cầu tự nguyện của học sinh và điều kiện đảm bảo về giáo viên, cơ sở vật chất, các trường tổ chức dạy thí điểm, làm quen tiếng Anh cho học sinh các lớp 1, 2; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh.

Tập trung nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục, cải cách thủ tục hành chính trong GD&ĐT; đầu tư nâng cấp, trang bị mới các phần mềm ứng dụng phục vụ cho quản lý, dạy và học, đặc biệt là học môn ngoại ngữ. Tăng cường chỉ đạo và thực hiện ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục...

Nhận thức rõ vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo thành các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học; thực hiện những giải pháp tích cực, sát đúng với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Thực hiện tốt các phong trào thi đua như: Thi đua thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”... thu hút đông đảo học sinh tham gia, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học, từng bước hạn chế các tệ nạn xã hội có nguy cơ thâm nhập vào học đường. Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ CBGV theo hướng chuẩn hoá được ngành xem là công tác trọng tâm. Mỗi cán bộ, giáo viên luôn ý thức việc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu của bản thân. Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo” đã diễn ra sôi nổi trong toàn ngành, thực sự tạo nên một “cú hích” mới về chất và lượng.

Bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi cũng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới.

Phát huy những kết quả và thành tích đã đạt được, cùng với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, ngành Giáo dục Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ giáo dục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội: tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nghề; giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; duy trì kết quả phổ cập; giữ vững kỷ cương, kỷ luật nhà trường; tăng cường cơ sở vật chất... Tiến tới thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm học tiếp theo.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]