(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, giáo dục mũi nhọn bậc THPT của Thanh Hóa đã có sự bứt phá, tạo được “tiếng vang” lớn trên đấu trường trí tuệ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trái ngược với thành tích rực rỡ của giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà bậc THPT trong 2 năm gần đây lại có sự giảm sút mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những giải pháp cụ thể để giáo dục đại trà, xứng đáng với niềm tự hào “Đất Thanh - đất học”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đại trà bậc THPT

Những năm gần đây, giáo dục mũi nhọn bậc THPT của Thanh Hóa đã có sự bứt phá, tạo được “tiếng vang” lớn trên đấu trường trí tuệ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trái ngược với thành tích rực rỡ của giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà bậc THPT trong 2 năm gần đây lại có sự giảm sút mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những giải pháp cụ thể để giáo dục đại trà, xứng đáng với niềm tự hào “Đất Thanh - đất học”.

Các trường THPT đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh được xếp loại học lực khá, giỏi của Thanh Hóa luôn tương đương hoặc cao hơn so với bình quân chung của cả nước và khu vực Bắc miền Trung. Tuy nhiên, điểm trung bình thi THPT Quốc gia lại thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cụ thể, năm 2018, điểm trung bình các môn thi THPT Quốc gia của Thanh Hóa đạt 4,76 điểm, xếp thứ 49; năm 2019, đạt 5,10 điểm xếp thứ 46 cả nước. Trong các môn dự thi, môn Ngữ văn có điểm bình quân cao hơn mức bình quân chung (năm 2018, Thanh Hóa đạt 5,63 điểm, cả nước đạt 5,45 điểm; năm 2019, Thanh Hóa đạt 5,61 điểm, cả nước đạt 5,49 điểm); môn Địa lý và Giáo dục công dân có điểm trung bình tương đương mức bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, các môn Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học đều thấp, đặc biệt là môn tiếng Anh, Lịch sử và Sinh học rất thấp. Năm 2018, môn tiếng Anh của tỉnh đạt điểm trung bình 3,29 điểm, cả nước đạt 3,9 điểm. Cũng ở môn thi này năm 2019, Thanh Hóa đạt 3,51 điểm, cả nước đạt 4,36 điểm. Về kết quả xét tốt nghiệp THPT, năm 2019, tỷ lệ học sinh THPT toàn tỉnh đỗ tốt nghiệp đạt 92,39%, giảm 5,07% so với năm 2018 (năm 2018 đạt 97,46%). Trong đó, khối THPT giảm 3,5%, khối giáo dục thường xuyên giảm đến 33,42%...

Chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT thấp

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giáo dục đại trà THPT giảm sút là do điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 nhiều năm trở lại đây rất thấp. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trong 5 năm trở lại đây, điểm đầu vào lớp 10 THPT đã có sự sụt giảm mạnh. Toàn tỉnh chỉ có khoảng hơn 10% số trường có điểm tuyển sinh đạt trung bình 5 điểm mỗi môn trở lên. Rất nhiều trường điểm bình quân đầu vào chưa đầy 2 điểm mỗi môn. Cá biệt có những trường bình quân điểm đầu vào chưa đến 1 điểm mỗi môn. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh, huyện Lang Chánh chia sẻ: Trong những năm gần đây điểm đầu vào lớp 10 của nhà trường rất thấp. Bình quân điểm đầu vào môn Toán chỉ đạt từ 1,8 - 2 điểm, môn tiếng Anh dưới 2 điểm, môn văn cũng chỉ 2 - 3 điểm.

Tương tự, ông Phí Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc cũng cho biết: Chất lượng học sinh của nhà trường không đồng đều, đầu vào thấp, có những năm tuyển sinh của nhà trường, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là có thể đỗ.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, nhiều trường THPT tại các huyện miền núi có điểm chuẩn dự kiến đầu vào rất thấp, như: THPT Mường Lát: 4,6 điểm; THPT Quan Sơn: 4,2 điểm; THPT Như Xuân: 5,2 điểm, THPT Quan Hóa: 6,3 điểm... Như vậy, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt (0 điểm), vì môn Văn và Toán tính điểm hệ số 2, là có thể trúng tuyển vào lớp 10 THPT. Dù vậy, kể cả điểm đầu vào rất thấp nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể là các trường: THPT Quan Sơn tuyển sinh được 283/294 chỉ tiêu; THPT Như Xuân tuyển sinh được 332/336 chỉ tiêu...

Chưa chú trọng bồi dưỡng học sinh yếu, kém

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến chất lượng giáo dục đại trà thấp là hiện nay đa số các nhà trường mới chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học mà chưa thực sự quan tâm đến công tác phụ đạo học sinh yếu kém.

Ông Thiều Ánh Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa chia sẻ: Thực tế, một bộ phận học sinh vẫn học lệch, chỉ chú trọng học những môn xét tuyển đại học... Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ có những giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để khắc phục hạn chế này.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn khó khăn; thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên chưa đảm bảo (nhất là giáo viên tiếng Anh), quản lý việc đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ cũng đã tác động đến chất lượng giáo dục đại trà.

Đâu là giải pháp?

Ông Nguyễn Quốc Ngân - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1, huyện Triệu Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm học, quan điểm chỉ đạo của nhà trường đến các giáo viên chủ nhiệm lớp là tăng cường kỷ cương, nền nếp từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Thông qua kết quả các kỳ thi, kỳ khảo sát chất lượng để có sự định hướng phù hợp, phân luồng học sinh đúng hướng đồng thời có kế hoạch cụ thể sau phân luồng để tăng cường bồi dưỡng, phụ đạo các nhóm đối tượng học sinh mũi nhọn, học sinh đại trà.

Tại Trường THPT Triệu Sơn 5, huyện Triệu Sơn, song song với việc hoàn thiện cơ sở vật chất là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

Ông Ngô Quang Trung - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 5 cho biết: Căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp trong việc nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường liên tục tổ chức các kỳ thi tập trung để đánh giá sát thực chất lượng, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh. Giao cho tổ chuyên môn có kế hoạch giao đề, giao bài, chấm sửa, rút kinh nghiệm cho từng học sinh.

Kiên quyết thực hiện “4 tốt”: Văn hóa tốt, đạo đức tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, Trường THPT Triệu Sơn 5 đang nỗ lực cùng với các trường THPT trong toàn tỉnh phấn đấu năm 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa có kết quả thi THPT Quốc gia nằm trong tốp 20 của cả nước.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Trong năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị và gắn trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đang tính đến việc tham mưu cho UBND tỉnh tăng thêm số môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Văn, tiếng Anh sẽ bốc thăm thêm môn thi trong số các môn của kỳ thi THPT Quốc gia.

Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu đóng vai trò then chốt, hi vọng rằng thứ hạng của giáo dục Thanh Hóa sẽ có nhiều bước tiến, tiến tới tiếp cận thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2020.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]