(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với cả tỉnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở các huyện miền Tây xứ Thanh luôn quan tâm tới công tác xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (BTCQGVYT) và bước đầu đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận.

Nỗ lực xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế

Cùng với cả tỉnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở các huyện miền Tây xứ Thanh luôn quan tâm tới công tác xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (BTCQGVYT) và bước đầu đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận.

Nỗ lực xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tếXây dựng xã đạt BTCQGVYT góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Cẩm Châu là xã còn nhiều khó khăn của huyện Cẩm Thủy, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%, trình độ dân trí không đồng đều. Khó khăn là vậy, nhưng được sự đồng thuận lớn của Nhân dân, cũng như sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, năm 2014, Cẩm Châu đã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 1 và năm 2015 đạt BTCQGVYT. Ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn xã được bảo đảm; 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng; 100% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván; 96% trẻ em dưới 2 tuổi đạt chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại Trạm Y tế xã được bảo đảm an toàn, đúng quy định, không để xảy ra sai sót về chuyên môn; y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của y, bác sĩ được nâng cao, góp phần giảm chi phí cho bệnh nhân mỗi khi ốm đau bệnh tật phải chuyển lên tuyến trên điều trị, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trạm Y tế xã ngày một đông hơn. Trong thời gian tới, xã Cẩm Châu tiếp tục tập trung chỉ đạo Trạm Y tế xã tăng cường công tác giám sát, phát hiện, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; khai thác hiệu quả trang thiết bị hiện có để thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân; tích cực vận động các ngành, các cấp đầu tư trang thiết bị hiện đại cho Trạm Y tế xã, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

Hiện Cẩm Thủy có 16/17 xã, thị trấn đạt BTCQGVYT, phấn đấu cuối năm 2021 huyện có 100% số xã, thị trấn đạt BTCQGVYT. Các xã, thị trấn đạt BTCQGVYT đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của các trạm y tế, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Hàng năm, số lượt bệnh nhân khám điều trị tại trạm y tế ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, riêng năm 2020 có tới 111.614 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị tại trạm y tế.

Ông Lê Huy Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Thủy, cho biết: Để đẩy mạnh tiến độ xây dựng xã, thị trấn đạt BTCQGVYT, huyện Cẩm Thủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng, đoàn thể bám sát nhiệm vụ của mỗi ngành, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Trung tâm Y tế huyện Cẩm Thủy đã trực tiếp cùng với ban chỉ đạo các địa phương rà soát những vấn đề khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau. Thành viên ban chỉ đạo xây dựng xã, thị trấn đạt BTCQGVYT thường xuyên xuống tận các xã giám sát, kiểm tra thực hiện bộ tiêu chí. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cho tuyến cơ sở; hỗ trợ một phần kinh phí để các xã mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn.

Xác định công tác xây dựng các xã đạt BTCQGVYT là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Như Thanh tổ chức giám sát, hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn và bổ sung trang thiết bị y tế cho các trạm y tế. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương như mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe thiết yếu, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em...

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, hiện 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Thanh đã đạt BTCQGVYT. Được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ công tác khám chữa bệnh, các trạm y tế đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của Nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống lao, HIV/AIDS được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh, tổng vệ sinh môi trường, ra quân làm thủy vực phòng chống sốt xuất huyết... Nhiều năm nay trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh lớn, các ca bệnh nhỏ lẻ được kiểm soát, khoanh vùng dập dịch kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, tỷ lệ xã, thị trấn đạt BTCQGVYT ở 11 huyện miền núi đạt 91,1%, trong đó một số huyện có 100% số xã, thị trấn đạt BTCQGVYT như: Thạch Thành, Như Thanh, Mường Lát, Quan Sơn. Hiện nay, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 90,3%; đạt tỷ lệ 9 bác sĩ/10.000 người dân. Công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe, nhân lực và chế độ chính sách cơ bản đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, trên 90% trạm y tế có vườn thuốc nam, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các trạm y tế xã đạt BTCQGVYT ngày càng tăng.

“Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực vượt khó của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác xây dựng xã, thị trấn đạt BTCQGVYT ở các huyện miền núi đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh. Hiện còn 20 xã, thị trấn chưa đạt BTCQGVYT, Sở Y tế tiếp tục phân công cụ thể cho các đơn vị y tế tuyến tỉnh giúp đỡ trực tiếp từng xã về chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo các huyện chủ động lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các trạm y tế; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Tuy nhiên, trong việc xây dựng xã, thị trấn đạt BTCQGVYT, ngoài trách nhiệm của ngành y tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương có vai trò quan trọng. Bởi trong BTCQGVYT có nhiều tiêu chí mang tính chất cộng đồng, cần có sự hưởng ứng của Nhân dân và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương thì mới thực hiện được”, ông Trịnh Việt Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Anh

Thông tin lại: Báo Thanh Hóa cuối tuần số 14 (ra ngày 4-6-2021), tại trang 15, cột thứ 3 của bài "Cần sớm trùng tu, tôn tạo các di tích ở xã Hà Đông, có viết: “...việc trùng tu đình Thượng Phú cần nguồn kinh phí lớn hơn rất nhiều - khoảng trên 3 tỷ đồng”. Xin được thông tin lại cùng bạn đọc là: “Mới đây, Chủ tịch UBND xã Hà Đông đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND huyện Hà Trung xin chủ trương “Đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo đình Thượng Phú” với kinh phí hơn 10 tỷ đồng”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]