(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong năm học mới (2017 - 2018), 64 giáo viên ở các cấp học khác nhau, đang công tác giảng dạy tại huyện Mường Lát đã viết đơn đề nghị được chuyển công tác. Hiện tại, 35 giáo viên đã được chuyển công tác và 1 giáo viên viết đơn xin ra khỏi ngành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lòng giáo viên Mường Lát xin chuyển trường

(VH&ĐS) Trong năm học mới (2017 - 2018), 64 giáo viên ở các cấp học khác nhau, đang công tác giảng dạy tại huyện Mường Lát đã viết đơn đề nghị được chuyển công tác. Hiện tại, 35 giáo viên đã được chuyển công tác và 1 giáo viên viết đơn xin ra khỏi ngành.

Những khu lẻ của các trường Tiểu học trên địa bàn huyện Mường Lát thường nằm ở những vị trí núi cao, rừng rậm gây khó khăn cho công tác của các giáo viên.

Xin chuyển trường để được gần gia đình

Mường Lát là một trong những huyện vùng cao còn nhiều khó khăn. Phần lớn giáo viên hiện đang công tác trong huyện đều đến từ những huyện khác trong tỉnh. Ngoài những điểm trường chính tại trung tâm huyện, xã thì những điểm khu lẻ được mở ra tại các bản có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau nhiều năm gắn với các bản vùng cao Mường Lát, đã có những lá đơn của các giáo viên xin chuyển công tác để trở về quê hương. Trong năm học 2017 - 2018 đã có 63 giáo viên (Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) viết đơn xin chuyển công tác và 1 giáo viên phổ thông trung học viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục.

Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, chúng tôi đã có chuyến thăm, tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng của các giáo viên hiện đạng công tác tại các trường học trên địa bàn huyện Mường Lát. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là các khu điểm lẻ của Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý. Đây là một trong những ngôi trường có điều kiện thiếu thốn nhất trong huyện. Điểm lẻ khu Sài Khao ở bản Sài Khao, nằm trên đỉnh Sài Khao, tại đây có 5 thầy giáo phụ trách, nhưng 2 thầy giáo đã viết đơn xin chuyển công tác.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hưng - Giáo viên trường Tiểu học Tây tiến đã có 17 năm công tác giáo dục ở huyện Mường Lát.

Gặp chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Đình Hưng, sinh năm 1980 chia sẻ: “Tôi lên Mường Lát công tác từ năm 2000, đến nay đã được 17 năm. Tôi được chuyển về Sài Khao được gần 4 năm và là giáo viên có thâm niên làm việc lâu nhất ở đây. Sài Khao là một trong những điểm trường khó khăn nhất trong 7 điểm khu lẻ của Trường Tiểu học Tây Tiến. Không chỉ vất vả về đường sá, mà ở đây điều kiện tự nhiên, kinh tế đều rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề. 5 thầy giáo dạy học ở đây đều là người Kinh, xa gia đình là chuyện thường xuyên. Tôi là một trong những thầy giáo đã viết đơn và chờ được tiếp nhận để xin chuyển công tác về gần nhà. Vợ con đều đang sống ở Quan Hóa, nhà có hai con nhỏ, chỉ mong sớm được về đoàn tụ với gia đình”.

Thầy giáo Phạm Văn Hùng, sinh năm 1989, là giáo viên trẻ nhất ở đây tâm sự: “Thời gian đầu tôi mới lên đây chẳng biết làm gì, không có mạng điện thoại, không thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài. Một tháng được về nhà một lần nhưng đường xa khó đi lắm. Nhiều khi thấy chán nản nhưng dần rồi cũng quen, không lên đây thì ai dạy học cho các cháu. Tôi cũng mong được sớm về quê cho gần nhà, tính chuyện lập gia đình”.

Cũng như thầy Hưng, thầy Hùng, do hoàn cảnh xa chồng con, gia đình với 7 năm làm giáo viên ở Mường Lát, sau khi nộp đơn xin chuyển công tác về quê nhưng nguyện vọng vẫn chưa được chấp thuận, đầu tháng 10/2017 cô giáo Nguyễn Thị Thành - giáo viên Trường PTTH Mường Lát đã viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục để trở về quê ở huyện Thiệu Hóa sống cùng chồng con. Cô giáo Nguyễn Thị Thành, chia sẻ: “Con tôi mới 20 tháng tuổi nên phải cho cháu cai sữa sớm để còn đi dạy học. Nhưng trộm vía cháu ngoan lắm, ít quấy khóc nên ở với bố và ông bà. Giờ không còn đi dạy nhưng có thời gian chăm sóc con, đỡ cho gia đình tôi thấy vui lắm. Hồi tôi mới sinh bé đầu điều kiện khá vất vả lắm, cháu không được gần mẹ, có những đêm nằm trên Mường Lát mình nhớ con đến phát khóc, không ngủ được”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thành đã quyết định xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục trở về quê ở huyện Thiệu Hóa để chăm sóc gia đình.

Thầy giáo Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường PTTH Mường Lát, cho hay: “Do hoàn cảnh điều kiện xa gia đình, xa chồng con, gia đình li tán mỗi người một nơi, nên chị Thành đã viết đơn xin nghỉ dạy học để về quê cho gần chồng con. Nếu mình cô Thành ở trên này thì cô cũng không yên tâm công tác. Còn về lương thì đã theo quy định của ngành, hơn 30 giáo viên của trường đều có mức lương như vậy, nếu vì lương thấp mà nghỉ việc thì cũng không đúng”.

Sẽ giải quyết nguyện vọng của các giáo viên

Trao đổi về phương án giải quyết chuyển công tác cho 63 giáo viên, ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: “UBND huyện sẽ ưu tiên cho những giáo viên mà bản thân hoặc người thân là người có công. Ưu tiên cho những thầy, cô có thời gian công tác lâu năm tại địa phương từ 10 năm trở lên. Đồng thời, UBND huyện lên phương án tuyển dụng giáo viên để bù vào số lượng giáo viên đã chuyển đi. Phương án tuyển dụng đã được UBND tỉnh thẩm định. Việc tuyển dụng giáo viên sẽ ưu tiên cho con em địa phương ở Mường Lát có trình độ chuyên môn đào tạo phù hợp với vị trí việc làm”.

“Hiện tại trong 63 giáo viên xin chuyển công tác huyện đã giải quyết được cho 35 giáo viên và tính đến thời điểm này đã kết thúc việc giải quyết đơn xin chuyển công tác. Sang năm nếu các giáo viên có yêu cầu xin chuyển công tác huyện sẽ xem xét giải quyết cho những giáo viên công tác lâu năm và các giáo viên nằm trong pháp lệnh về người có công để được giải quyết” - Ông Cao Văn Cường cho hay.

Vị Chủ tịch UBND huyện cũng nhấn mạnh: “Trong phạm vi nhất định huyện sẽ xem xét, cân đối việc chuyển công tác cho các giáo viên, không thể cùng một lúc giải quyết việc xin chuyển công tác cho 63 giáo viên. Huyện phải thực hiện song song cùng một lúc việc chuyển công tác cho các giáo viên và tuyển thêm giáo viên vào các vị trí còn thiếu để tránh tình trạng thiếu giáo viên, ghép lớp, trùng tiết”.

Theo Quyết định số 3678/2011/QĐ-UBND, ngày 8/11/2011của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập nêu rõ cán bộ, giáo viên được ưu tiên: Có thời gian công tác ở miền núi (đối với cán bộ, giáo viên là người miền xuôi) hoặc ở vùng khó khăn từ 5 năm trở lên. Độ tuổi và thâm niên công tác nhiều hơn. Thương binh, bệnh binh; con liệt sỹ, con thương binh hạng 1/4, người khuyết tật vận động, người trực tiếp phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, người trực tiếp nuôi dưỡng đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, người trực tiếp nuôi dưỡng bố, mẹ già từ 80 tuổi trở lên.

Tô Thanh - Sông Lô



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]