(vhds.baothanhhoa.vn) - Mô hình vườn cổ tích được xây dựng ở các trường mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho trẻ em được khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, gặp gỡ các nhân vật qua những câu chuyện cổ tích. Qua đó, giúp trẻ tăng cường khả năng diễn đạt ngôn ngữ và trí nhớ, góp phần giáo dục trẻ phát triển toàn diện…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy hiệu quả vườn cổ tích ở trường mầm non

Mô hình vườn cổ tích được xây dựng ở các trường mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho trẻ em được khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, gặp gỡ các nhân vật qua những câu chuyện cổ tích. Qua đó, giúp trẻ tăng cường khả năng diễn đạt ngôn ngữ và trí nhớ, góp phần giáo dục trẻ phát triển toàn diện…

Phát huy hiệu quả vườn cổ tích ở trường mầm non

Khám phá khoa học trong Vườn cổ tích của các em Trường Mầm non Quang Lộc (Hậu Lộc).

“Khu vui chơi lý tưởng” cho trẻ

Hôm nay, các bạn nhỏ lớp Lá, Trường MN Hà Tiến (Hà Trung) lại được cô giáo Mai Thị Lan tổ chức vui chơi ở vườn cổ tích của nhà trường. Tại đây, các em xếp thành hàng, chăm chú lắng nghe câu chuyện Tấm Cám qua giọng kể trầm ấm, dịu dàng của cô giáo.

Dù đã biết đến câu chuyện trên lớp học nhưng ở vườn cổ tích, các em không chỉ được nghe mà còn được ngắm cô Tấm cho cá Bống ăn qua bức tượng mô phỏng. Cô giáo Mai Thị Lan cho biết: “Mỗi hoạt động có nội dung và mục đích riêng, phù hợp với các chủ đề. Khi tổ chức vui chơi ở vườn cổ tích, chúng tôi sẽ giới thiệu những câu chuyện, nhân vật qua bức vẽ trên tường hoặc bức tượng được mô phỏng giúp các em có sự sáng tạo, trí tưởng tượng tốt hơn, như có em hỏi cô giáo: Cô Tấm có thực sự đẹp như thế này không ạ?...”.

Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Dương, giáo viên lớp 5-6 tuổi B, Trường MN Quang Lộc (Hậu Lộc): “Vườn cổ tích sẽ giúp các em củng cố lại kiến thức trên lớp học. Ở đấy, các em được trải nghiệm thực sự qua câu chuyện kể của cô giáo, trải nghiệm thiên nhiên, phân biệt rõ hơn việc làm tốt, không tốt. Như trong tiết Khám phá khoa học nói về các con vật sống dưới nước, ở vườn cổ tích có hồ cá nhỏ để các em quan sát, để hiểu rõ cá sống ở đâu, cá ăn bằng gì”.

Vườn cổ tích MN được ví như “khu vui chơi lý tưởng” cho trẻ, giúp các em tăng cường khả năng diễn đạt ngôn ngữ và trí nhớ, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục trẻ phát triển toàn diện… Chính vì vậy, phát huy giá trị, hiệu quả vườn cổ tích đang được các trường MN quan tâm, chú trọng.

Để vườn cổ tích phát huy tác dụng…

Từ năm 2017 trở về trước, vườn cổ tích Trường MN Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) vẫn còn đơn sơ, chỉ có 2 bức tượng dê đen và dê trắng. “Sau này, khi xây dựng trường chuẩn quốc gia, chúng tôi cải tạo để đúng nghĩa vườn cổ tích, bổ sung một số nhân vật như Thánh Gióng, Tấm, Cám… Tuy nhiên, do diện tích đất, nguồn kinh phí hạn chế nên việc sắp xếp, trang trí chưa được phong phú, hấp dẫn. Nhưng về cơ bản, cũng đã phát huy hiệu quả, học sinh có một nơi để khám phá, vui chơi, học tập”, cô giáo Lê Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường MN Vĩnh Phúc cho biết.

Phát huy hiệu quả vườn cổ tích ở trường mầm non

Mô phỏng nhân vật Tấm (chuyện Tấm Cám) gây hứng thú cho các em Trường Mầm non Hà Tiến (Hà Trung).

Tại vườn cổ tích Trường MN Hưng Lộc (Hậu Lộc), sau 13 năm xây dựng, đến nay đã “thay da đổi thịt”. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết nhớ lại: “Mô hình xây dựng từ lâu nhưng để hoàn thiện khuôn hình phải đến năm 2018, khi đón nhận Bằng công nhận trường chuẩn quốc gia. Từ diện tích nhỏ chúng tôi mở rộng lên gần 400m2, từ ít nhân vật cổ tích lên nhiều nhân vật… Xuất phát từ mục đích đổi mới tư duy của trẻ, hiện thực hóa cổ tích, nhà trường đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, xây dựng. Tôi cho rằng, hiệu quả rất lớn. Sắp tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục bổ sung một số nhân vật được mô phỏng cũng từ nguồn xã hội hóa”.

Hiện trên địa bàn tỉnh, các trường MN đều có vườn cổ tích. Tuy nhiên, phần lớn vườn cổ tích còn hạn chế về diện tích, nguồn kinh phí đầu tư. Trong khi đó, việc huy động xã hội hóa không phải trường nào cũng thực hiện được. Những khó khăn này, ảnh hưởng không ít đến phát huy giá trị của mô hình. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Trung: “Phát huy giá trị vườn cổ tích cũng tùy từng đơn vị để khẳng định giá trị nhiều hay ít. Ngoài yếu tố về diện tích đất, kinh phí, còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, trẻ cảm nhận ra sao và cô hướng dẫn thế nào. Khu vườn đẹp nhưng có thể cô dẫn chuyện không hấp dẫn hoặc ngược lại, khu vườn nhỏ nhưng cô kể chuyện hay”...

Để phát huy hơn nữa giá trị vườn cổ tích, phòng giáo dục các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, như tổ chức hội thi vừa làm đồ chơi cho học sinh vừa xây dựng các hình thức xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm… Qua đó khẳng định, vườn cổ tích - nơi hội tụ của phong cảnh, sắc màu, tạo sự tò mò, hứng thú cao độ để trẻ quan sát, tiếp thu nhanh… Nơi mà các nhân vật cổ tích “bước ra” từ những câu chuyện kể gần gũi, sinh động. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật đều ẩn chứa những ý nghĩa, những bài học giàu tính nhân văn về cuộc sống.

Bài và ảnh: Vi An


Bài và ảnh: Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]