(vhds.baothanhhoa.vn) - Hàng loạt các khoản thu “lạ” tại Trường Tiểu học Định Hưng (huyện Yên Định) được nhiều phụ huynh phản ánh là mang tính chất ép buộc cục bộ dưới nhiều hình thức, gây bức xúc. Tìm hiểu thêm được biết, ban lãnh đạo trường này còn “đảo lộn” quy trình khi “tiền trảm hậu tấu” thu trước báo cáo sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phụ huynh “tố” hàng loạt khoản thu đầu năm của Trường TH Định Hưng

Hàng loạt các khoản thu “lạ” tại Trường Tiểu học Định Hưng (huyện Yên Định) được nhiều phụ huynh phản ánh là mang tính chất ép buộc cục bộ dưới nhiều hình thức, gây bức xúc. Tìm hiểu thêm được biết, ban lãnh đạo trường này còn “đảo lộn” quy trình khi “tiền trảm hậu tấu” thu trước báo cáo sau.

Trường TH Định Hưng.

“Cắn răng” đóng hàng loạt khoản thu lạ

Phụ huynh sợ con cái bị “trù” khi tố hàng loạt khoản thu được cho là không đúng là nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ khi có con theo học tại Trường TH Định Hưng. “Dù đã làm đơn, nhưng cũng mong anh chị đảm bảo giữ bí mật thông tin người phản ánh, chúng tôi mới dám nói. Đơn giản vì sợ ảnh hưởng đến các cháu” - một phụ huynh chia sẻ.

Cũng theo phụ huynh này: Vào sáng 8/9, Trường TH Định Hưng tiến hành họp phụ huynh toàn trường. Sau khi thông báo các khoản thu, có nhiều khoản được cho là không phù hợp như: Thứ nhất, là khoản thu theo hướng dẫn, quỹ nhân đạo 10.000 đồng; quỹ đội, sao nhi đồng 25.000 đồng; tiền gửi xe 90 nghìn đồng. Thứ hai, là các khoản thu phục vụ trực tiếp học sinh như giấy thi, giấy vẽ, học bạ 60 nghìn đồng/học sinh; sổ liên lạc điện tử 70 nghìn đồng/học sinh; nước uống 45 nghìn đồng/học sinh; tiền bán trú (5 buổi/tuần) gồm 100 nghìn đồng tiền quản lý/học sinh/tháng, tiền phụ phí 15 nghìn đồng/học sinh/tháng, tiền ăn 14 nghìn đồng/ngày, mua sắm đồ dùng lớp 1 (200 nghìn đồng/học sinh) lớp 2-5 (100 nghìn đồng/học sinh). Thứ ba, thu theo thống nhất của ban đại diện phụ huynh gồm: Tiền bảo trì nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện, quạt, máy bơm 50 nghìn đồng/học sinh; quỹ lớp mua sắm đồ dùng, trang trí lớp, khoán vệ sinh 50 nghìn đồng/học sinh; quỹ hoạt động hội cha mẹ học sinh 100 nghìn đồng/học sinh; quỹ bảo trì tin học 50 nghìn đồng/học sinh. Thứ tư, các khoản do học sinh, phụ huynh và cá nhân tự nguyện gồm, quản lý học sinh ngoài giờ 80 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiền quỹ khen thưởng các đợt thi đua theo chủ đề, chủ điểm hoạt động ngoài giờ, ngày hội âm nhạc, ngày hội mỹ thuật, tối thiểu 80 nghìn đồng/học sinh; xã hội hóa giáo dục 200 nghìn đồng/học sinh...

Ngoài ra, theo phụ huynh này cho biết, ngoài những khoản trên nhà trường còn khoản bắt buộc phải mua sách của nhà trường, hơn 100 nghìn đồng/học sinh, phụ huynh không được mua ở ngoài; tiền học câu lạc bộ (Toán, Tiếng Việt) học thứ 7 cả ngày, mỗi buổi 12 nghìn đồng...

Với hàng loạt những khoản thu trên, nhiều phụ huynh vì lo sợ ảnh hưởng tới con em mà phải cắn răng đóng góp. Bức xúc khi cho rằng có nhiều khoản chồng chéo không hợp lý với danh nghĩa tự nguyện như: Việc sửa chữa nâng cấp điện, cơ sở vật chất là kinh phí của xã cấp nhưng nhà trường vẫn thu, trong khi đã thu khoản xã hội hóa giáo dục. Khoản bảo trì tin học năm nào cũng thu, trong khi phòng tin học này luôn trong tình trạng đóng cửa, họa chăng 1, 2 đợt/năm có thi cử. Khoản thi đua khen thưởng các hoạt động của học sinh trong năm phải được trích từ ngân sách Nhà nước cấp cho nhà trường thì học sinh phải đóng góp theo mức quy định là 80 nghìn đồng/học sinh...

Đặc biệt, khoản thu ngoài giờ 80 nghìn đồng/học sinh/tháng (720 nghìn đồng/năm/học sinh) khiến nhiều phụ huynh bức xúc khi đây là khoản tự nguyện, nếu phụ huynh đồng ý đăng ký thì mới được thu. Song, phía nhà trường lại làm trái tinh thần tự nguyện, mang tính ép buộc.

Bản thân phụ huynh bức xúc khi cho rằng, nhà cạnh trường có thể đưa đón con đúng giờ. Hơn nữa, hiện áp lực học đối với con em là rất lớn, muốn con có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cho cân bằng thì việc học câu lạc bộ thứ bảy (cả ngày) và đăng ký học ngoài giờ là không phù hợp.

Cùng chung bức xúc, một phụ huynh khác hiện có 2 con đang học tại Trường TH Định Hưng thì lắc đầu ngao ngán: “Hàng loạt các khoản thu từ nhà trường thực sự gây áp lực về kinh tế với gia đình. Bức xúc hơn, khi chuyện phụ huynh phản đối không đăng ký học ngoài giờ cho các con thì lãnh đạo nhà trường, cô chủ nhiệm lại liên tục “nhồi nhét” vào đầu các cháu nội dung mang tính ép buộc - về nhà yêu cầu bố mẹ phải đóng tiền. Vì thương con, tôi đã đóng tiền nhưng tôi không ký tên đăng ký nội dung học ngoài giờ”.

Đảo lộn quy trình, thu trước báo cáo sau?

Trước những phản ánh qua đơn thư cũng như trực tiếp trao đổi của các phụ huynh, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, đang trong giờ các cháu lên lớp, vị hiệu trưởng trường này cáo bận việc gia đình. Trong khi đó, hiệu phó nhà trường cũng đi vắng?

Làm việc với bà Nguyễn Thị Thanh - Chuyên viên phòng giáo dục phụ trách mảng tiểu học, phòng GD&ĐT huyện Yên Định khẳng định: Tất cả các khoản thu của các nhà trường đều phải quán triệt theo tinh thần chỉ đạo Công văn 2086 của UBND huyện. Bà Thanh cũng cho biết, hiện tại phòng đã ký duyệt các khoản dự kiến thu, chi. Các khoản này có được thu hay không phụ thuộc vào cuộc họp phụ huynh của các trường. Phòng đã ký duyệt các khoản dự kiến thu gửi về Trường TH Định Hưng ngày 21/9. Sau khi có ký duyệt dự toán thu chi này thì nhà trường tổ chức họp phụ huynh, lấy ý kiến, thống nhất của phụ huynh thì nhà trường báo cáo lại phòng. Phòng giáo dục đồng ý thu thì mới được thu.

Nói là vậy, thực tế Trường TH Định Hưng đã “tiền trảm hậu tấu” khi tổ chức họp phụ huynh từ ngày 8/9. Điều này, bà Thanh thừa nhận là nhà trường làm ngược quy trình.

Trước câu hỏi của phóng viên, đến thời điểm hiện tại nhà trường đã được phép triển khai thu các khoản hay chưa? Bà Thanh khẳng định phòng đã ký duyệt và nhà trường được phép thu. Song lại không cung cấp được văn bản ký duyệt mà chỉ cung cấp được 1 bản dự kiến kế hoạch các khoản thu chi chưa có chữ ký, đóng dấu của phòng?

Đối với bản dự toán này nhiều khoản phụ huynh phản ánh nhưng không được đưa vào danh sách. Bà Thanh cho rằng, đối với những khoản phụ huynh phản ánh nếu nhà trường thu là không đúng. Ngoài ra một số khoản thu được phép nhưng khi triển khai thu phải phụ thuộc thực tế, đặc biệt nhà trường không được bổ đầu chung.

Bà Thanh cũng khẳng định sẽ có buổi làm việc chính thức với nhà trường và cho kiểm tra lại những gì phụ huynh phản ánh tới cơ quan báo chí.

“Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại một số đơn vị, trường học, ngày 29/7, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có Công văn số 1890/SGDĐT- KHTC về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2019 - 2020. Trong đó, yêu cầu đối với các trường tiểu học không được thu tiền dạy tăng buổi, bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao của học sinh. Các khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Đồng thời, không thu đóng góp của cha mẹ học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi. Không thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh”...

Hương Giang


Hương Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]