(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa đón học sinh bằng dịch vụ ô tô mang lại nhiều lợi ích, tiện lợi, nhưng ở nhiều nơi, loại hình kinh doanh này vẫn mang tính tự phát, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý chặt chẽ xe đưa đón học sinh

Đưa đón học sinh bằng dịch vụ ô tô mang lại nhiều lợi ích, tiện lợi, nhưng ở nhiều nơi, loại hình kinh doanh này vẫn mang tính tự phát, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay, dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô đang phát triển mạnh mẽ, trải đều ở các cấp học. Khảo sát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 40 cơ sở giáo dục sử dụng hình thức đưa đón học sinh bằng ô tô, tập trung chủ yếu tại các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Hiện nay, việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh là dịch vụ tư nhân. Các cơ sở giáo dục thường mua sắm ô tô rồi ký hợp đồng lao động với lái xe. Sau đó thỏa thuận với cha mẹ học sinh, ai có nhu cầu thì tham gia. Đáng nói, trên mỗi chuyến xe chở học sinh chỉ có tài xế và giáo viên, khi xe chở học sinh về nhà, phụ huynh có tham gia ký nhận vào một cuốn sổ của nhà trường.

Theo Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông - Vận tải, đối với xe đưa đón học sinh mới chỉ căn cứ vào nội dung chung về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, xe đưa đón học sinh có 2 dạng: xe vận tải nội bộ và xe hợp đồng. Tại TP Thanh Hóa, hiện các trường mầm non ngoài công lập thường áp dụng hình thức đưa đón học sinh bằng hình thức xe vận tải nội bộ.

Mới đây, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 2216/SGDĐT-CTTT ngày 26/8/2019 về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô. Công văn nêu rõ: Các cơ sở sử dụng hình thức đưa đón học sinh, trước hết phải tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh; quy định một số kỹ năng an toàn khi tham gia; lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức, giao tiếp ứng xử văn hóa; xây dựng thực hiện nghiêm túc các quy trình đưa đón học sinh; phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung ứng dịch vụ và gia đình học sinh; nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô; hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh; thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ; phối hợp các đơn vị liên quan trên địa bàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô...

Đưa đón học sinh tại Trường Mầm non tư thục Tân Phú Khang (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa).

Với thâm niên hơn 11 năm tổ chức hình thức đưa đón học sinh bằng ô tô, ngay từ khi thành lập (2008), Trường Mầm non tư thục Tân Phú Khang (có địa chỉ phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) luôn làm hài lòng, mang lại sự tin cậy cho bậc cha mẹ học sinh.

Bà Phạm Thị Kim Chi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 350 cháu, trong đó có 40 cháu tham gia dịch vụ này. Phần lớn do các cháu ở xa, bố mẹ không tiện đưa đón. Trường có 2 xe, mỗi xe 24 chỗ ngỗi. Mọi hoạt động trong việc đưa đón trẻ được nhà trường thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu.

Cũng theo bà Chi, lái xe nhà trường được lựa chọn kỹ càng, có đạo đức, sức khỏe tốt, phương tiện ô tô luôn được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Ngoài lái xe, nhà trường còn bố trí 2 giáo viên chịu trách nhiệm kiểm đếm, rà soát, đưa đón học sinh về tới tận nhà.

Bà Phan Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Họa Mi (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), cho hay, nhà trường cũng thực hiện đưa đón học sinh từ khi mới thành lập trường, đến nay đã hơn 10 năm, hiện có khoảng 30 cháu/450 học sinh tham gia dịch vụ này.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe. Đồng thời bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Đại diện phòng Quản lý phương tiện, người lái, Sở GT-VT Thanh Hóa cho biết, đơn vị này sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý tình trạng phương tiện đưa đón học sinh. Yêu cầu cơ sở giáo dục chấm dứt ngay hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định của pháp luật về ATGT và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên bằng ô tô.

Bên cạnh đó, Sở GT-VT cũng xử lý nghiêm các đơn vị vận tải chưa được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải, hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng, sử dụng phương tiện không đúng mục đích. Phối hợp cơ quan chức năng và nhà trường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT khu vực nhà trường...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]