(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong suốt 4 tháng qua đã có hơn 10 nghìn học sinh ở hơn 30 trường học cùng hành động như vậy. “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” đã làm cho các em “say” đến như thế...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sân khấu hóa trong lòng khán giả nhỏ

(VH&ĐS) Trong suốt 4 tháng qua đã có hơn 10 nghìn học sinh ở hơn 30 trường học cùng hành động như vậy. “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” đã làm cho các em “say” đến như thế...

Hiệu ứng mang tên: cảm xúc

Chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” dường như không còn xa lạ với các em và ngay cả với tuổi thơ của nhiều người nhưng với vai trò của sân khấu đã đưa vào hơi thở hoàn toàn mới và chính các em được sống cuộc sống như trong thế giới cổ tích. Ở đấy, các em được bộc lộ cảm xúc, biết yêu cái thiện, biết ghét cái ác, biết phẫn nộ, biết đấu tranh... Khi đến đoạn mụ phù thủy đưa cho nàng Bạch Tuyết trái táo đỏ trong đó có thuốc độc thì ngay lập tức cả 600 em học sinh trong khán phòng của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn không ai bảo ai đều đứng dậy xua tay và hô to: “Đừng ăn, đừng ăn, đừng ăn...”. Đấy chính là hiệu ứng của cảm xúc. Em Phạm Thanh Ngân, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Minh Khai 1 cho biết: “Em thấy chương trình rất hay, phải cảnh giác với những người độc ác và nên sống hiền lành, tốt bụng, giúp mọi người sống tốt hơn”. Nguyễn Phương Nhung, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc nói: “Em học được nhiều điều bổ ích sau khi xem xong vở diễn đó là phải biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trước em hay ném chai nước ngọt ra đường nhưng giờ em không ném nữa mà bỏ vào thùng rác”.

Và không chỉ chiếm được cảm tình của các em học sinh, “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” còn “ghi điểm” với rất nhiều bậc phụ huynh. Bác Trần Văn Sơn (75 tuổi) có 6 cháu nội, ngoại đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc hồ hởi nói: “Tôi rất ủng hộ chương trình này. Đấy là một sân chơi tốt cho các cháu, mang tính giáo dục, tính nhân văn cao”. Chị Trần Hồng, phụ huynh em Hồng Minh, học sinh lớp 4A5, Trường Tiểu học Trần Phú cũng cùng quan điểm: “Khi cháu xem về, tôi đã lắng nghe cháu kể chuyện rất say sưa, như không thiếu bất kỳ một chi tiết nào. Cháu dành nhiều tình cảm cho nàng Bạch Tuyết và căm ghét mụ phù thủy. Kể đến mụ phù thủy là mặt cháu nhăn lại... Tôi cho đó là một chương trình hấp dẫn, ý nghĩa”.

Từ nhà trường đến... nhà hát

Chương trình sân khấu hóa năm 2017 với vở diễn “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” đã được Sở VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND TP phê duyệt. Thực hiện Công văn số 4796 ngày 21/12/2016 của UBND TP Thanh Hóa về việc triển khai tổ chức sân khấu hóa cho thiếu niên, nhi đồng, các trường tiểu học, mầm non đã triển khai đến cha mẹ học sinh và đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Sau 4 tháng đã có hơn 30 trường và hơn 10 nghìn học sinh tham gia chương trình này, trong đó các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật đều được Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn miễn hoàn toàn kinh phí bao gồm phương tiện đi lại và xem kịch (50 nghìn đồng/em).

Đã bước sang mùa thứ 6, chương trình sân khấu hóa cho thiếu niên, nhi đồng dường như không còn xa lạ với các trường học trên địa bàn thành phố. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã triển khai chương trình ngay trong cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ I và đã có 380/438 phụ huynh đăng ký cho con em mình được tham gia. Còn tại Trường Tiểu học Minh Khai 1 đã có 1.000/1.200 học sinh cùng đi vào thế giới cổ tích với “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Đặc biệt là khi mới triển khai thì chỉ có hơn 500 học sinh tham gia nhưng sau khi xem chương trình về thì vở kịch đã ảnh hưởng một cách tích cực đến học sinh trong nhà trường nên đã có đợt 2 đăng ký với gần 500 học sinh về với Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn.

Thầy Hoàng Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 cho rằng: “Theo tôi rất thiết thực, rất tốt. Một chương trình phục vụ cho thiếu nhi, cho những con người đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách nên được phục vụ, được quan tâm là cần thiết. Khi các em cùng hô “đừng ăn, đừng ăn” thì đừng chế con nít là ồn, là mất trật tự mà hãy biểu dương các em vì chính các em đã sống thực với cảm xúc của mình, yêu, ghét rất rõ ràng. Bỏ tiền mà mua được cảm xúc là khó chứ không dễ”. Còn theo bà Lê Thị Hà - Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa: “Cũng có một bộ phận phụ huynh học sinh chưa hiểu hết ý nghĩa và chưa đồng tình nhưng tôi tin trong thời gian tới, chương trình sẽ ngày càng thu hút được nhiều hơn các trường và học sinh tham gia”.

Hơn 20 ngày đêm tập luyện, các nghệ sỹ, diễn viên của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đã làm nên điều tuyệt diệu trong “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” với thời lượng 1 tiếng 5 phút. Đúc rút kinh nghiệm từ 5 mùa trước, chương trình lần này đã có chiều sâu hơn, chất lượng nghệ thuật được đảm bảo hơn. Có thể vở diễn chưa phù hợp nhiều với lứa tuổi mầm non, có thể phương tiện của nhà hát đôi khi gặp sự cố nhưng trên hết đấy là sự thành công trong từng vai diễn, đã tạo tình yêu, tạo cảm xúc cho hơn 10 nghìn học sinh. Đấy không chỉ là niềm vui của người nghệ sỹ mà còn là niềm tin yêu của những khán giả nhỏ dành cho chương trình sân khấu hóa.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]