(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của người thầy sẽ khó hoàn thiện và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đổi mới giáo dục nếu không được bồi dưỡng thường xuyên liên tục. Việc bồi dưỡng không chỉ dừng lại ở cấp sở, phòng, trường mà bản thân giáo viên phải chủ động, tích cực trong việc tự bồi dưỡng chuyên môn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa nỗ lực nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ (Bài cuối): Trăn trở hậu sát hạch?

Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của người thầy sẽ khó hoàn thiện và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đổi mới giáo dục nếu không được bồi dưỡng thường xuyên liên tục. Việc bồi dưỡng không chỉ dừng lại ở cấp sở, phòng, trường mà bản thân giáo viên phải chủ động, tích cực trong việc tự bồi dưỡng chuyên môn.

Giờ học tiếng Anh với GV nước ngoài ở Trường THPT Triệu Sơn.

Nỗi niềm người trong cuộc

Đến thời điểm hiện nay đã có 630/1.180 giáo viên (GV) tiếng Anh trong toàn tỉnh Thanh Hóa hoàn thành bài khảo sát đánh giá năng lực GV tiếng Anh đợt 1. Đợt 2, diễn ra từ ngày 20 đến 21/4 tới đây sẽ khảo sát cho 550 GV tiếng Anh gồm số GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; GV tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay. Đơn vị tham gia kiểm tra, đánh giá năng lực GV tiếng Anh, gồm Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Vinh.

Đồng tình với chủ trương sát hạch GV tiếng Anh, thầy giáo Lê Đình Lưỡng - Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn) nêu quan điểm: Tiếng Anh nếu không thường xuyên được cọ sát, trau dồi liên tục thì kiến thức sẽ bị thui chột dần. Đó cũng là lý do vì sao có GV tiếng Anh đã từng đạt GV giỏi cấp tỉnh nhưng vẫn không qua được các kỳ sát hạch. Tuy nhiên, đối với những GV đã tham gia nhiều kỳ sát hạch và đã đậu, thậm chí chứng chỉ được cấp sau sát hạch vẫn còn hiệu lực nhưng vẫn có tên trong danh sách đi sát hạch là không cần thiết. Việc này không chỉ gây áp lực cho GV mà còn làm tiêu tốn tiền của nhà nước.

Tâm lý chung của những GV phải tham gia các kỳ sát hạch là khá lo lắng vì thời gian ôn tập hạn chế, trong khi đó, kiến thức môn tiếng Anh có nhiều đổi mới, nhất là đối với những GV đã nhiều tuổi đời. Thêm vào đó, kiến thức giảng dạy trên lớp khác hoàn toàn với kiến thức sát hạch. Kiến thức sát hạch là những kiến thức hàn lâm khoa học, chuyên sâu về các lĩnh vực trong đời sống với nhiều dạng “cấu trúc tiêu cực”...

Cô giáo Nguyễn Thị Dung - Trường TH Cẩm Tú (Cẩm Thủy) chia sẻ: Là GV hợp đồng hơn 10 năm nay, nhưng để đáp ứng yêu cầu tôi vẫn tự học, tự bồi dưỡng để đạt chứng chỉ theo yêu cầu. Nhưng vừa đạt chứng chỉ B2 tôi lại nhận được yêu cầu tham gia sát hạch. Thực tế, chất lượng dạy học ngoại ngữ không chỉ phụ thuộc vào GV mà còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, học sinh... Muốn nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ phải bố trí đủ GV dạy 4 tiết/ tuần bởi đối với học sinh miền núi, việc học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 3 là quá khó.

Đồng quan điểm, cô giáo Hoàng Thị Yến - Trường TH Cẩm Tú (Cẩm Thủy) cho biết: Là con số dạy cấp I, nhưng chúng tôi lại được tăng cường dạy cấp II nên gặp rất nhiều khó khăn về mặt thời gian khi ôn luyện để tham gia khảo sát, bởi thời gian lên lớp gần như đã phủ kín cả tuần, chưa kể phải tham gia các hoạt động khác của nhà trường. Đối với những GV đã tham gia khảo sát và đã đạt B2 như chúng tôi, mong muốn lớn nhất là được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn phương pháp dạy học mới, tiên tiến, phương pháp tổ chức các hoạt động... hơn là tiếp tục tham gia sát hạch lại chứng chỉ mà chúng tôi đã đạt được rồi.

Đối với những GV chưa tham gia khảo sát hoặc đã tham gia khảo sát nhưng chưa đạt thì tâm lý chung là rất băn khoăn, lo lắng. Đặc biệt, nhiều GV tỏ ra hoang mang, sau khi khảo sát xong nếu không đạt sẽ như thế nào?

Nêu quan điểm về chủ trương, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Mục đích khảo sát, đánh giá là để biết được chất lượng thực của đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Nếu GV khảo sát lần đầu không đạt sẽ phải tham gia các lớp bồi dưỡng. Sau khi được học tập, bồi dưỡng xong, tổ chức, đánh giá lần nữa mà vẫn không đạt yêu cầu thì lúc này Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ sẽ báo cáo UBND tỉnh có hướng sắp xếp, bố trí GV phù hợp. Kinh phí khảo sát do tỉnh hỗ trợ, tuy nhiên, sau khảo sát, GV nào không đạt chuẩn thì phải tự túc kinh phí học bồi dưỡng.

Quan điểm, chủ trương là thế, tuy nhiên, về lâu dài cần thắt chặt việc tuyển dụng GV ngoại ngữ với những tiêu chí cao về trình độ năng lực cũng như quy trình tuyển dụng nghiêm túc để sàng lọc được những GV có đủ trình độ chuyên môn và tâm huyết với nghề để câu chuyện về chất lượng GV ngoại ngữ không còn là vấn đề bức xúc, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc như hiện nay.

Trăn trở của các nhà quản lý

Bà Chung Thị Đài - Trưởng phòng GD&ĐT Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết: Để thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025”, UBND huyện Hậu Lộc đã ra Nghị quyết số 10/NQ-HĐND “Qui định cơ chế hỗ trợ triển khai dạy học ngoại ngữ bậc học mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện”. Theo đó, huyện Hậu Lộc hỗ trợ cơ sở vật chất phòng dạy học tiếng Anh cho các trường tiểu học và THCS chưa có phòng dạy học tiếng Anh, mức hỗ trợ: Ngân sách huyện là 50%, ngân sách xã, thị trấn 50%. Kinh phí từ nguồn cấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, mỗi nhà trường còn được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua sắm phần mềm học ngoại ngữ.

Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT Tĩnh Gia (huyện Tĩnh Gia) nêu ý kiến: Thực tế hiện nay việc bố trí đủ đội ngũ GV, tăng cường cơ sở vật chất không thể làm ngay trong một sớm một chiều mặc dù đây là giải pháp rất đúng và trúng. Tại thời điểm hiện nay nên cho phép nhưng kiểm soát chặt chẽ việc liên kết với các trung tâm dạy ngoại ngữ theo hướng xã hội hóa. Bởi việc học ngoại ngữ phải học thường xuyên, liên tục và cần sự tiếp xúc với người ngước ngoài mới có thể thúc đẩy việc nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Cũng ấp ủ nhiều trăn trở trong việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương) cho ý kiến: Không thể ngay lập tức nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong toàn tỉnh mà nên lựa chọn đối tượng tác động trước mắt là những em học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh hàng năm Sở GD&ĐT nên đưa môn tiếng Anh vào thi như một điều kiện cần đối với các em học sinh giỏi.

Thầy giáo Lê Bật Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn (Triệu Sơn) cho biết: Trường THPT Triệu Sơn đã đưa ra tiêu chí tuyển GV tiếng Anh phải đạt trình độ từ B2 của Cambridge trở lên, đồng thời liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để GV tiếng Anh nước ngoài về dạy tại trường theo hướng nâng cao năng lực giao tiếp chứ không nặng về học thuật, đồng thời tăng cường sử dụng các phòng học chức năng để nâng cao khả năng nghe, nói, đọc, viết, tăng thêm hứng thú học cho học sinh.

Chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay là vấn đề mang tính xã hội. Do đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân và học sinh về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; ngoài phương tiện, máy móc trang thiết bị thì một chương trình phù hợp với trình độ học sinh và tiếp cận được với thị trường lao động là hết sức cần thiết.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]