(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày nay, ngoại ngữ chính là chiếc “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa hội nhập quốc tế, tuy nhiên thực trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ cũng như chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang “gióng lên hồi chuông” về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu giáo viên ngoại ngữ và nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực

(VH&ĐS) Ngày nay, ngoại ngữ chính là chiếc “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa hội nhập quốc tế, tuy nhiên thực trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ cũng như chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang “gióng lên hồi chuông” về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Từ năm 2011 đến nay, môn Tiếng Anh đã được đưa vào chương trình đào tạo ở các trường học trên địa bàn huyện Như Thanh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chất lượng dạy và học môn học này trong các trường vẫn thấp. Việc thực hiện chủ trương của tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng giáo viên để sắp xếp lại đội ngũ đã khiến cho năm học 2016 - 2017 huyện Như Thanh bị thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại địa phương.

Là một trong những trường được chọn thí điểm dạy học Tiếng Anh theo Chương trình mới của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2011 - 2012, Trường Tiểu học thị trấn Bến Sung (Như Thanh) đã triển khai dạy môn Tiếng Anh cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Để thuận lợi cho việc học thực hành, nhà trường còn trang bị một phòng máy với 14 bộ máy tính với đầy đủ tai nghe phục vụ kỹ năng nghe/ nói của học sinh. Việc dạy và học Tiếng Anh của Trường Tiểu học Bến Sung khá thuận lợi vì ngoài những trang thiết bị cần thiết, các giáo viên dạy ngoại ngữ cũng có trình độ đạt chuẩn.

Tuy nhiên, ngay khi bước vào năm học 2016 - 2017, các giáo viên dạy Tiếng Anh bị cắt hợp đồng theo quy định đồng nghĩa với việc nhà trường thiếu 2 giáo viên Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học khiến hơn 300 học sinh các khối 3, 4, 5 buộc phải dừng học các môn nói trên. Không có giáo viên dạy, phòng máy tính kết nối internet đầu tư lên đến cả trăm triệu đồng, nay nằm trong tình trạng “đắp chiếu” có nguy cơ xuống cấp và hư hỏng do không được hoạt động thường xuyên.

Trường Tiểu học thị trấn Bến Sung (Như Thanh) do thiếu giáo viên, giờ học Tiếng Anh được thay thế bằng giờ giáo dục kỹ năng sống ngoài sân trường.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Võ Tâm Đan - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bến Sung cho biết: Việc tạm nghỉ học môn Tiếng Anh do không có giáo viên dạy đã khiến nhiều học sinh và các bậc phụ huynh hoang mang nhất là những em học sinh học cuối cấp. Không được rèn luyện các kỹ năng trong một thời gian kéo dài sẽ khiến các em lãng quên khá nhiều kiến thức và khó lòng theo kịp chương trình.

Đối với Trường THCS Phú Nhuận (Như Thanh), tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh cũng khiến cho việc dạy và học môn học này gặp không ít khó khăn. Mặc dù nhà trường có 1 giáo viên biên chế môn Tiếng Anh nhưng với công suất 28/19 tiết/ tháng đã khiến cho thầy giáo rất vất vả. Không chỉ thiếu giáo viên, điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, môi trường giao tiếp cũng làm cho chất lượng việc dạy và học môn Tiếng Anh của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thúy Lan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cho biết: là địa bàn miền núi với 11 xã thuộc diện 135 thì việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn huyện Như Thanh gặp không ít khó khăn. Hiện nay, huyện chỉ có 3/19 trường tiểu học được học môn Tiếng Anh do thiếu giáo viên.

Tại huyện Bá Thước, việc thiếu giáo viên các môn đặc thù, đặc biệt là môn Tiếng Anh ở các cấp học đã và đang gây nhiều khó khăn trong công tác tổ chức giảng dạy cũng như việc nâng cao chất lượng của các trường học trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết: Hiện tại, 30 trường tiểu học trên địa bàn huyện Bá Thước đều đã triển khai dạy học môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả 30 trường tiểu học đều chưa có bất kỳ giáo viên biên chế Tiếng Anh. Tất cả các giáo viên dạy môn Tiếng Anh đều do các nhà trường tự hợp đồng, có sự hỗ trợ kinh phí của UBND huyện. Đối với các môn đặc thù khác như: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, tin học, huyện Bá Thước cũng mới đáp ứng được khoảng gần 50% đội ngũ giáo viên giảng dạy. Rất nhiều trường tiểu học đã phải sắp xếp cho giáo viên chủ nhiệm dạy luôn các môn đặc thù để tránh tình trạng trống tiết quá nhiều.

Vì thiếu giáo viên Tiếng Anh, rất nhiều bậc phụ huynh ở các huyện Như Thanh, Thường Xuân, Ngọc Lặc... đã phải lặn lội đường sá xa xôi, cuối tuần đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ ở huyện Nông Cống, thậm chí là ở TP Thanh Hóa để học thêm Tiếng Anh.

Hướng tới mục tiêu đến năm 2020, 100% GV Tiếng Anh trong toàn tỉnh đạt chuẩn khung tham chiếu châu Âu; 100% các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh dạy 4 tiết Tiếng Anh/tuần cho cả 3 khối lớp 3, 4, 5 và triển khai dạy chương trình Tiếng Anh mới cấp THCS và THPT đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía, trong đó đặc biệt chú trọng tới chất lượng giáo viên cũng như sự đầu tư về cơ sở vật chất đặc biệt là cho các trường học khu vực miền núi.

Hạ Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]