(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị định số 06/2018/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018. Chính sách mới này đã tiếp sức đến trường cho những trẻ em và giáo viên ở vùng khó khăn của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếp sức cho giáo dục mầm non vùng khó

Nghị định số 06/2018/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018. Chính sách mới này đã tiếp sức đến trường cho những trẻ em và giáo viên ở vùng khó khăn của tỉnh.

Nội dung chủ yếu của nghị định này là ngoài việc hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở 1 trẻ/tháng tính theo số tháng học thực tế cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thì những giáo viên mầm non chưa được vào biên chế cũng sẽ có cơ hội tăng thêm thu nhập.

Giáo viên thuộc 1 trong 4 đối tượng được hưởng chính sách này là: Giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 02 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Là một trong những huyện tiên phong trong việc thực hiện Nghị định 06, huyện Như Thanh đã mời các thành phần liên quan họp triển khai nghị định. Sau khi có danh sách các đối tượng được hưởng chế độ, huyện thành lập đoàn đi thẩm định và duyệt đối tượng, lập danh sách báo cáo Sở GD&ĐT.

Lớp học ghép tại thôn Dọc Môn, xã Mậu Lâm, Như Thanh.

Bà Lê Thúy Lan - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cho biết: Toàn huyện có 17 trường mầm non, trong đó có 11 trường thuộc 11 xã thuộc vùng 135. Hiện, huyện còn 39 điểm lẻ của các trường mầm non. Một số điểm lẻ nằm ở những bản làng cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi đó, số lượng trẻ từng độ tuổi ít nên phải tổ chức các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ 2 đến nhiều độ tuổi, đa dân tộc. Thực tế này khiến giáo viên mầm non dạy ở những điểm lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, Nghị định số 06 của Chính phủ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giúp bậc học có cơ sở để phát triển ổn định bền vững.

Cô giáo Vũ Thị Toàn, giáo viên Trường Mầm non Mậu Lâm (xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh) đã gắn bó với điểm trường lẻ nằm tại thôn Dọc Môn, xã Mậu Lâm 11 năm. Điểm trường này mượn nhà văn hóa thôn Dọc Môn có lớp ghép với 34 trẻ mẫu giáo và 10 trẻ lớp nhà trẻ được ngăn đôi bằng một tấm song chắn với 100% là trẻ em người dân tộc Thái, Mường, Thổ... 2 nhóm lớp với 5 độ tuổi ghép chung nhưng chỉ có 2 giáo viên.

Cô Vũ Thị Toàn tâm sự: Nhận được thông tin Nghị định 06 của Chính phủ quy định giáo viên mầm non dạy lớp ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ, hoặc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ hằng tháng được hỗ trợ thêm 450.000 đồng là nguồn động lực lớn đối với những giáo viên vùng sâu vùng xa như chúng tôi. Không chỉ giúp cải thiện cuộc sống, số tiền này còn giúp chúng tôi yên tâm với nghề và tự tin hơn khi trải nghiệm ở những nơi xa xôi như thế này.

Bà Nguyễn Thị Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mậu Lâm, huyện Như Thanh cho biết: 15 nhóm lớp học tại các điểm lẻ của nhà trường còn rất nhiều vất vả, khó khăn. Phần đa các nhóm lớp này đều có 100% các em học sinh là người dân tộc thiểu số, nên việc tiếp xúc của các em với các cô rất vất vả. Nhiều em khi mới đến trường chưa hề biết nói tiếng phổ thông. Nghị định 06 là động lực giúp các cô giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề, với cuộc sống những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện.

Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Anh cũng trăn trở, bởi đây là nghị định mới, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các giáo viên. Do đó làm thế nào để không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng đồng thời về lâu về dài việc phân công mặt bằng lao động không tốt cũng sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn nội bộ; công tác tăng cường giám sát việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ và chất lượng của hoạt động tăng cường tiếng Việt tại những nơi được hưởng chế độ; đối tượng giáo viên được giao giảng dạy tại những lớp cần được tăng cường tiếng Việt có am hiểu văn hóa vùng miền hay không?...

Ngoài ra, Nghị định 06 của Chính phủ còn hỗ trợ cho giáo viên mầm non, gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số theo quy định. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các giáo viên giao tiếp tốt hơn và hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ người dân tộc thiểu số.

Nghị định 06/2018/NĐ-CP đã phần nào giúp cuộc sống của các học sinh và giáo viên vùng khó vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn. Tuy nhiên để nhanh chóng đưa nghị định đi vào cuộc sống, các địa phương cần chủ động, khách quan trong việc lập danh sách đối tượng được thụ hưởng, đồng thời, các cấp, ngành liên quan cũng cần nhanh chóng hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết để các giáo viên mầm non vùng khó nhanh chóng được hưởng quyền lợi để yên tâm công tác tốt.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]