(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn nửa thế kỷ xây dựng, phát triển, các thế hệ nhà giáo Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn miệt mài chở những chuyến đò tri thức. Từ sự tận tuỵ của thầy cô, nhiều học sinh của trường đã thành công trên nhiều lĩnh vực. Điều đáng trân quý là dù đi đâu, làm gì, họ vẫn hướng trái tim yêu thương về ngôi trường giàu truyền thống, nơi nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ và bồi đắp tâm hồn mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường THPT Ba Đình: 55 năm khởi nguồn bồi đắp truyền thống hiếu học

Hơn nửa thế kỷ xây dựng, phát triển, các thế hệ nhà giáo Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn miệt mài chở những chuyến đò tri thức. Từ sự tận tuỵ của thầy cô, nhiều học sinh của trường đã thành công trên nhiều lĩnh vực. Điều đáng trân quý là dù đi đâu, làm gì, họ vẫn hướng trái tim yêu thương về ngôi trường giàu truyền thống, nơi nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ và bồi đắp tâm hồn mình.

Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn).

Từ truyền thống cha ông…

Huyện Nga Sơn được mệnh danh là miền đất học. Là những người nông dân chân chất, chân lấm tay bùn, song ai cũng thấu tỏ lý lẽ “ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lý” và do đó, nhà nhà, người người chăm lo đến sự học. Trước năm 1963, Nga Sơn chỉ có trường cấp 1,2 mà chưa có trường cấp 3. Con em muốn học lên cấp 3 phải sang Hà Trung, Hậu Lộc hoặc lên tận Thị xã Thanh Hóa. Trước yêu cầu đó, ngày 20/8/1963, Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 1878QĐ/VX thành lập Trường cấp 3 Nga Sơn. Đến tháng 12/1986 nhân kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Ba Đình, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 1666 QĐ/UBTH đổi tên trường thành Trường PTTH Ba Đình. Đây được xem là những sự kiện trọng đại có ý nghĩa mở ra một thời kì mới trong công tác nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Đến những chặng đường phát triển vẻ vang..

Trải qua 55 năm xây dựng, phát triển, Trường cấp 3 Nga Sơn - THPT Ba Đình đã trải qua 3 chặng đường phát triển vẻ vang.

Trường cấp 3 Nga Sơn:Trong điều kiện chiến tranh leo thang bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thầy và trò gặp muôn vàn thách thức, vừa phải duy trì nề nếp, nâng cao chất lượng, vừa phải tổ chức lao động xây lán lớp học, làm bàn ghế, tạo cảnh quan. Trong 2 năm đầu, trường phải học nhờ Trường cấp II Nga Sơn và phòng y tế của huyện. Để tránh chiến tranh phá hoại, trường phải di chuyển về 2 khu: khu bắc, khu nam và sơ tán đến các địa điểm: khu bắc gồm các điểm Nga Văn, Nga Trường, Nga Hải và khu nam gồm các điểm Nga Mỹ, Nga Trung, Nga Nhân. Khi phải sơ tán đến các xã để tránh chiến tranh phá hoại, thầy trò phải đội mũ rơm đến trường, thậm chí phải tổ chức học ban đêm. Hưởng ứng khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thầy và trò nhà trường đã hănghái tòng quân lên đường nhập ngũ. Đã có 17 thầy giáo và 2.145 học sinh tham gia lực lượng vũ trang góp phần to lớn vào trang sử hào hùng của dân tộc. Nhiều học sinh nhà trường đã trở thành những dũng sĩ diệt Mỹ ưu tú như Lê Quang Vinh, Mai Văn Chính… Trong điều kiện bom gào, đạn rung đó, các phong trào thi đua vẫn được đẩy mạnh, nhất là phong trào “Ba sẵn sàng”, “ Năm xung phong” để duy trì và nâng cao chất lượng dạy học. Trong các tập thể học sinh nở rộ những bông hoa điểm tốt và lần đầu tiên có học sinh đạt giải cấp tỉnh. Đó là Nguyễn Thị Hải lớp 10B niên khoá 1966 - 1967 đạt giải Ba môn Toán và đến 1974 là em Trần Hợp Chính lớp 10H đạt giải Nhì môn Toán. Các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường diễn ra sôi động. Số lượng học sinh và số lớp dần tăng lên, năm 1975 có tới 27 lớp với gần 1400 học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt từ 95 đến 100%. Nhà trường đã vươn lên vị trí dẫn đầu ngành giáo dục cả nước.

Trường THPT Ba Đình trao thưởng cho giáo viên đạt thành tích trong năm học 2017-2018.

Trường PTTH Ba Đình tỏa sáng cùng sự nghiệp đổi mới đất nước: Sự nghiệp đổi mới đất nước đã mở ra thời cơ và vận hội mới cho giáo dục. Trường cấp 3 Nga Sơn vinh dự, tự hào được đổi tên thành trường PTTH Ba Đình nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Đây là mốc son quan trọng, nâng tầm vị thế của trường cấp 3 Nga Sơn, đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới cho các thế hệ học sinh trong giai đoạn lịch sử mới. Kế thừa kết quả đã đạt được, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo ra những bứt phá về chất lượng. Năm học 1992 - 1993, em Mai Viết An đạt giải ba Quốc gia môn Hoá học do thầy giáo Mai Văn Đính giảng dạy đã có tác dụng to lớn trong việc động viên, khích lệ các thầy cô giáo và các em học sinh vươn lên giảng dạy, học tập. Kể từ năm 1993 đến 2000, nhà trường liên tiếp có 12 học sinh đạt giải Quốc gia ở các bộ môn Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 7 giải ba và 2 giải khuyến khích… Đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh liên tục dẫn đầu toàn tỉnh. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, dạy nghề được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhà trường tổ chức lao động cải tạo cảnh quan, xây dựng trường lớp như lao động đóng gạch, nung vôi, đan manh, dóc quại, dệt chiếu, se lõi, ủ nấm….và do đó, các dãy nhà lớp học tranh tre nứa lá tạm bợ đã được thay thế bằng các dãy lớp học gạch ngói. Đến năm 1992, UBND huyện đầu tư xây dựng mới 2 dãy nhà lớp học cao tầng đầu tiên, đặt nền móng cho quá trình hiện đại hóa trường lớp.

Trường cấp 3 Nga Sơn - THPT Ba Đìnhchuyển mình trong thiên niên kỷ mới. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng nhà trường dẫn đầu ngành giáo dục Thanh Hóa, nhà trường đã có nhiều giải pháp bứt phá đi lên. Chất lượng học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đỗ vào các trường đại học được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Nhà trường tiếp tục đạt 10 giải học sinh giỏi Quốc gia, khu vực với 1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích ở các bộ môn Lịch sử, Máy tính casio.Đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đạt trên dưới 100 giải và được xếp trong top đầu của Thanh Hoá. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học đã lên trên 300 em mỗi năm, nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa của các trường đại học. Tiếp theo em Trần Văn Dũng là 1 trong 2 học sinh cả nước lần đầu tiên đạt 3 điểm 10 thi đại học năm học 2002 - 2003 là em Bùi Đức Ngọt đạt 3 điểm 10 Học viện Cảnh sát nhân dân và thủ khoa của đại học Y Hà Nội năm học 2007 - 2008. Năm học 2002 - 2003, em Nguyễn Văn Quý đạt giải Ba chung kết năm Đường lên đỉnh OLYMPIA, đội tuyển nữ đạt giải nhì toàn quốc cuộc thi nữ sinh tương lai do Tạp chí thế giới mới tổ chức. Cơ sở vât chất, thiết bị được nâng cấp toàn diện. Bằng sự đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã xây dựng được các dãy nhà lớp học kiên cố, nhà Hiệu bộ, nhà đa năng, nhà Truyền thống, nhà học bộ môn, thư viện đạt chuẩn và thiết bị hiện đại.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Ba Đình.

Thành quả từ sự nỗ lực

Trải qua 55 phát triển, từ những dãy lán lớp học, nhà cấp 4 lụp xụp, bàn ghế xi măng, đồ dùng dạy học đơn sơ hay những mảnh sân trường đầy cát và nắng gió, nay là những dãy nhà cao tầng, cây xanh cổ thụ toả bóng quanh năm, bồn hoa cây cảnh khang trang, hiện đại. Hơn 35 nghìn học sinh tốt nghiệp ra trường, trong số đó có đến 1/3 đạt trình độ đại học. Họ đã và đang ngày đêm đem tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho sự phát triển của quê hương đất nước.

Đằng sau sự trưởng thành của các thế hệ học sinh là sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ nhà giáo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thầy giáo, cô giáo luôn chung sức chung lòng, tâm huyết, thương yêu, chỉ bảo ân cần cho học sinh. Các nhà giáo không chỉ đem đến niềm tin của trí tuệ, sự hiểu biết, thắp sáng ước mơ, khát vọng mà còn hun đúc trong nhân cách của các em đạo lý và giá trị làm người.

Từ năm 1992 đến nay nhà trường đã có 61 thầy cô giáo được vinh danh Chiến sỹ thi đua cấp cấp tỉnh và cấp toàn quốc, 59 thầy cô giáo được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh, có 137thầy cô giáo có SKKN xếp loại giỏi… Nhiều thầy cô giáo không chỉ dạy giỏi, quản lý giỏi mà còn là nguồn cán bộ quản lý có năng lực của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban ngành từ trung ương đến địa phương. Nhà giáo Mai Văn Đính vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; nhà giáo Bùi Nga, Hoàng Thị Luyến được phong tặng Nhà giáo Ưu tú.

Nhìn lại hơn nửa thế kỉ xây dựng, đổi mới và phát triển, hơn nửa thế kỷ ươm mầm vun trồng bao thế hệ học sinh mới thấy hết được những thành tựu mà nhà trường đạt là tâm huyết, trí tuệ, tình cảm của biết bao thế hệ nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, say mê, nhiệt huyết trong mỗi giờ lên lớp, thi đua sáng tạo trăn trở đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, đổi mới khâu soạn bài, lên lớp, tăng cường thực hành thí nghiệm, sử dụng phương tiện nghe, nhìn và đồ dùng thiết bị dạy học, giúp học sinh nắm bắt kiến thức bằng trực quan sinh động, vận dụng kiến thức vào thực tế. Không chỉ chủ động truyền đat kiến thức, các thầy cô còn hướng dẫn phương pháp học tập bộ môn, định hướng cho học sinh biết cách tự học, tìm tài liệu tham khảo, vận dụng kiến thức vào phân tích, tổng hợp và thực hành để học sinh chủ động học tập, lĩnh hội kiến thức.

Với kết quả phấn đấu, Nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2005; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất các năm 1991, 1996, 2001; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ và Bằng khen.

Để xứng đáng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trong thời gian tới, thầy và trò Trường THPT Ba Đình tiếp tục đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt, ích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân, phụ huynh và các em học sinh.

Chắc chắn rằng, Trường THPT Ba Đình mãi là điểm sáng của ngành giáo dục Thanh Hóa.

Xuân Hương


Xuân Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]