Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết trong số 7,1 triệu trẻ em tị nạn ở độ tuổi đi học, có tới 3,7 triệu em không được đến trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

UNHCR: Hơn một nửa số trẻ em di cư trên thế giới không được đi học

Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết trong số 7,1 triệu trẻ em tị nạn ở độ tuổi đi học, có tới 3,7 triệu em không được đến trường.

Một người tị nạn làm bài tập tại trường tiểu học Jugudi, ở trại tị nạn Nyarugusu, tỉnh Kigoma, Tây Bắc Tanzania. (Ảnh: UN)

Phát biểu nhân dịp công bố báo cáo ngày 30/8, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi UNHCR nhấn mạnh "trường học mang lại cho người tị nạn cơ hội thứ hai", tuy nhiên “chúng ta đang thất bại với những người tị nạn vì họ không có cơ hội phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho tương lai của mình".

Theo báo cáo "Tăng cường nỗ lực: Giáo dục cho người tị nạn trong khủng hoảng", trẻ em càng lớn lên, các rào cản tiếp cận với giáo dục càng trở nên khó khăn hơn. Chỉ 63% trẻ em tị nạn được học tiểu học, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 91% trên thế giới. Trên khắp thế giới, 84% thanh thiếu niên đi học trung học, so với chỉ 24% người tị nạn.

Sự sụt giảm đáng kể về số lượng trẻ em tị nạn được đi học tiểu học và trung học là kết quả trực tiếp của việc thiếu kinh phí cho giáo dục người tị nạn. Do đó, UNHCR kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức giáo dục và các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sáng kiến mới để tăng cường giáo dục trung học cho người tị nạn.

"Chúng ta phải đầu tư vào giáo dục người tị nạn. Nếu không như vậy, chúng ta sẽ phải chịu chi phí cho một thế hệ thanh niên bị kết án lớn lên mà không thể tự chăm sóc bản thân, tìm việc hoặc đóng góp đầy đủ cho cộng đồng của họ" - ông Filippo Grandi nói thêm.

Sáng kiến giáo dục trung học tập trung vào việc xây dựng và khôi phục các tòa nhà trường học, đào tạo giáo viên và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các gia đình tị nạn để họ có thể trang trải chi phí học tập cho con cái mình.

Báo cáo mới của UNHCR cũng kêu gọi người tị nạn cần được đưa vào hệ thống giáo dục quốc gia, thay vì giới hạn họ chỉ được vào các trường thay thế không chính thức. UNHCR nhấn mạnh rằng người tị nạn cũng nên được phép tham gia các chương trình giáo dục chính quy và không chính quy trong giáo dục mầm non, tiểu học và trung học. Từ đó, họ sẽ có thể có được bằng cấp được công nhận, là bàn đạp duy nhất để tiếp cận với bậc đào tạo đại học hoặc dạy nghề cao hơn.

Hiện tại, mặc dù thanh thiếu niên tị nạn có thể vượt qua các rào cản để tiếp cận với trường trung học, nhưng chỉ có 3% trong số họ đủ may mắn để bảo đảm một vị trí trong một tổ chức giáo dục đại học. Điều này quá ít ỏi so với tỷ lệ 37% những người có cơ hội bước vào giảng đường đại học trên toàn thế giới.

Trước tình trạng này, UNHCR cũng đang kêu gọi một quan điểm thực tế hơn từ phía các trường học, trường đại học và các Bộ Giáo dục liên quan đến các tài liệu cần thiết để đăng ký thi và nhập học.

Nhiều người tị nạn bị từ chối đến trường vì họ đã bỏ lại các giấy chứng nhận kiểm tra và giấy tờ tùy thân khi họ rời khỏi nhà. Ngay cả khi những tài liệu này thuộc quyền sở hữu của họ thì một số quốc gia sở tại vẫn từ chối công nhận giấy chứng nhận được cấp tại các nước xuất xứ của người tị nạn.

UNHCR đánh giá việc cấp bách là cung cấp giáo dục cho trẻ em tị nạn trên toàn thế giới. Vào cuối năm 2018, có hơn 25,9 triệu người tị nạn trên toàn thế giới, trong đó 20,4 triệu người thuộc thẩm quyền của UNHCR. Khoảng một nửa dưới 18 tuổi và có hàng triệu người bị mắc kẹt trong các tình huống khủng hoảng kéo dài, với rất ít hy vọng trở lại đất nước của họ trong tương lai gần.

Huy động sự hỗ trợ cho sáng kiến giáo dục trung học sẽ là một trong những trọng tâm của Diễn đàn Thế giới tiếp theo về người tị nạn được tổ chức vào tháng 12 tới đây. Một diễn đàn sẽ cung cấp một cơ hội quyết định để tăng cường phản ứng tập thể của các quốc gia trên khắp thế giới khi đối mặt với cuộc khủng hoảng mà người tị nạn phải gánh chịu.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]