“Ngôi nhà nhỏ” Phúc Tâm An của cô Trần Thị Thủy có trụ sở chính tại 155 Lạc Long Quân, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, cùng 4 cơ sở khác tại các huyện Nga Sơn, Như Thanh, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy luôn sáng đèn, chào đón các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ.
Thành lập lần đầu từ năm 2012, đến năm 2015, “Ngôi nhà nhỏ” của cô Thủy được Sở Kế hoạch đầu tư cấp phép với tư cách pháp nhân là Công ty TNHH MTV Hỗ trợ giáo dục Phúc Tâm An. Luôn tâm niệm có thể giáo dục kỹ năng sống, can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ, phục hồi chức năng, giáo dục kỹ năng tiền học đường, cô Thủy và các thầy cô giáo tại Trung tâm dành hết tâm tư của mình vào những bạn nhỏ, mong muốn các em có thể hòa nhập cộng đồng.
“Nhắc tới “nhà”, là nhắc tới nơi đầy tình yêu thương đặc biệt, ở đây thầy cô và các bạn nhỏ dành cho nhau những tình yêu rất đỗi khác biệt nhưng đầy ấm áp”, thầy Lê Công Minh, giáo viên tại Trung tâm Phúc Tâm An chia sẻ.
Trước năm 2012, cô Trần Thị Thủy chỉ là một tiểu thương, ngày ngày bận rộn với những ly cà phê, trà đá, nước chanh. Sự ra đời của cậu con trai thứ 2, lại làm người mẹ này thay đổi nhiều tâm tư đến vậy. Hơn 10 năm đồng hành, chia sẻ với các phụ huynh cùng hoàn cảnh với mình, cô Thủy và các thầy cô tại Trung tâm Phúc Tâm An luôn lắng nghe, thấu hiểu và đem đến những sự giúp đỡ cần thiết nhất.
Nói về nhân duyên đến với công việc đặc biệt này, cô Thuỷ chia sẻ với chúng tôi về cậu con trai thứ của mình. Khi em 28 tháng tuổi, cô nhận ra những khác biệt ở con mình và đưa em đi kiểm tra, “đến khi em 30 tháng tuổi thì bắt đầu điều trị, bác sĩ đánh giá, em là trường hợp mắc chứng tự kỷ nặng và phức tạp, nên cô bắt đầu đồng hành cùng em từ thời điểm đó”.
Những năm 2010, việc điều trị và dạy dỗ trẻ tự kỷ ở Thanh Hoá chưa phát triển. Những ngày đầu, cô cùng em học các lớp hỗ trợ ở Khoa tâm bệnh, bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hoá. Biết rằng chỉ trông chờ vào bệnh viện và các thầy cô khi đó là rất khó, để con tiến bộ, cô Thuỷ quyết tâm học thêm kiến thức chuyên môn để đồng hành cùng con.
“Chỉ chờ đợi là rất khó, cô nghĩ rằng mẹ phải là người đồng hành, phải hiểu biết và có chuyên môn mới có thể giúp được con”. Người mẹ ấy cùng cậu con trai bé nhỏ của mình rong ruổi khắp giảng đường, lớp học của khoa Giáo dục kỹ năng đặc biệt của trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương để nhận lấy cho mình sự hiểu biết, kiến thức chuyên môn và niềm hy vọng ngày một bừng sáng hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, các khóa học về tự kỷ từ Nam ra Bắc đều có bóng dáng của người mẹ tần tảo này.
Ngôi nhà đầu tiên đón nhận các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ được mở tại thị trấn Bút Sơn, cô cùng 2 cô giáo khác, đón 4 em học sinh đầu tiên với những biểu hiện khác nhau. Sang năm tiếp theo đã có 5 giáo viên đồng hành cùng 10 em học sinh. Đến nay, hơn 10 năm, số giáo viên ở lại cùng cô Thuỷ ngày một nhiều và những phụ huynh, học sinh tin tưởng trung tâm cũng tăng lên đáng kể, cho thấy sự quan tâm và nhận thức của các bậc phụ huynh cũng như cộng đồng về trẻ tự kỷ đã được cải thiện rõ rệt.
“Các em vẫn chỉ là những đứa trẻ, các em chỉ nhìn thế giới không giống chúng ta. Cô và các cô giáo ở đây luôn trân trọng điều đó và muốn giúp các em có thể hòa nhập hơn với cộng đồng”, cô Phùng Thị Tú - Thạc sĩ tâm lý, phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm chia sẻ thêm. Các em lớn 14, 15 thậm chí 20 tuổi tại đây đều là những em đã theo trung tâm từ những ngày đầu, gắn bó với các cô thực sự như một ngôi nhà thứ 2, một người mẹ thứ 2.
Những người thầy nơi đây mang một sứ mệnh đặc biệt hơn, họ mang đến hy vọng cho những đứa trẻ bị rối loạn phát triển, những đứa bé mắc chứng tự kỷ và mang lại cả niềm tin, giảm bớt gánh lo cho các gia đình. Trung tâm tiếp nhận những em bé nhất từ 13 tháng tuổi, mỗi em là một bông hoa, toả hương sắc theo một cách khác nhau.
Chia sẻ từ một giáo viên chuyên phụ trách can thiệp cá nhân, các em ở đây đều bị rối loạn phát triển, hầu hết là mắc chứng tự kỷ, còn lại là các loại rối loạn khác như chậm nói, tăng động giảm chú ý, khuyết tật trí tuệ, rối loạn học tập.
“Tất cả các em khi được đưa đến Phúc Tâm An đều được đánh giá bởi các chuyên gia hoặc tham gia đánh giá tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, khi có kết quả ban đầu, các thầy cô tại trung tâm mới tiếp tục đánh giá chức năng hiện tại của trẻ, từ đó đưa mục tiêu trọng tâm và lên kế hoạch can thiệp cho trẻ”. Cô L.T.N, một giáo viên tại trung tâm Phúc Tâm An chia sẻ
“Khi bắt đầu, luôn luôn phải nương theo trẻ, bởi sở thích của các bạn bị rối loạn hành vi rất hạn hẹp. Phải dùng sở thích của các bạn để làm quen rồi mới có thể dạy các bạn”, Cô L.T.N chia sẻ thêm.
16 năm sống cùng một đứa trẻ đặc biệt, cô Thủy thầm cảm ơn những nhọc nhằn khiến cô nhận ra vẻ đẹp trong trái tim màu xanh mãi thơ ngây của con mình, cũng như đồng cảm những ai mang vẻ khác biệt ấy. Rằng có những điều sẽ chẳng bao giờ trở lại như lúc ban đầu, nhưng nếu không còn vấn đề phải đối mặt, ta sẽ không thể tận hiến cho cuộc đời này.
“Cô nghĩ mình giữ 2 vị trí, là phụ huynh đồng hành cùng con, nên rất mong muốn các thầy cô và xã hội sẽ hỗ trợ con nhiều càng nhiều. Song, cô cũng là một cô giáo luôn theo sát con ở những giờ học can thiệp, mong muốn các bậc phụ huynh đồng hành cùng con, không phó mặc con cho các thầy cô trên lớp.”
Số lượng người tự kỷ trong 10 năm qua đã tăng hơn gấp đôi trên toàn cầu. Theo số liệu của WHO, hiện 1/68 đứa trẻ sinh ra mắc chứng này. Việt Nam được ước đoán có khoảng 500.000 người tự kỷ và hàng triệu người thân của họ đang chật vật đối mặt với hội chứng, song "tự kỷ" chưa được định nghĩa và mới chỉ được đưa vào nhóm “khuyết tật khác” trong Luật Người khuyết tật, chưa có thống kê nào của bộ Y tế về số người tự kỷ và thực trạng.
Những năm gần đây, trẻ tự kỷ nhận được nhiều sự quan tâm hơn, qua những chính sách về học tập cũng như an sinh xã hội. Ngày 2-4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, trở thành ngày thắp đèn xanh trên toàn cầu vì người tự kỷ.
Và từ hôm nay, nếu bạn thấy những ánh đèn xanh lơ trên các tòa nhà, xin đừng quên, hàng triệu người tại Việt Nam đang cần chúng ta thấu hiểu và tôn trọng. Biết đâu nhờ sự cảm thông của bạn, một người giỏi nghệ thuật và nhạy cảm với màu xanh sẽ có cơ hội trưởng thành.
Cách có thể giúp được các em hiệu quả nhất là được phát hiện sớm và can thiệp sớm. Cha mẹ mới chính là người xác định con đường đi của con, đồng hành cùng con và sự ủng hộ của xã hội khi đó sẽ là hồ nước mát trong, xoa dịu và chữa lành những tâm hồn ngây thơ còn nhiều khiếm khuyết. Bởi tự kỷ thì không được chữa khỏi, chỉ có yêu thương và giáo dục đúng cách mới giúp được những người mắc chứng tự kỷ tiến bộ và hòa nhập cộng đồng.