Cơn mưa chiều vừa tạnh, khu tái định cư Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn) nhìn xa như một đài hoa khoe sắc, kết bởi cỏ hoa, mái nhà, của hàng cờ đỏ sao vàng phấp phới, được ôm ấp bởi trập trùng núi non miền biên viễn. Gặp lại tôi, bí thư chi bộ, trưởng bản Ngàm Lò Văn Piên tay bắt mặt mừng, rồi hướng mắt về phía những ngôi nhà sàn vừa được dựng lên trên nền đất mới: “Đảng, Nhà nước lo cho chúng mình cả đấy. Được sinh sống ở nơi khang trang, sạch đẹp thế này giống như mơ thành thật, chẳng ai phải lo lũ quét đất vùi nữa”. Căn nhà Piên còn thơm mùi gỗ mới, được phủ vec-ni bóng loáng, soi thấy mặt người, phía bên ngoài, trời đã nhá nhem trong huyên náo tiếng nô đùa của lũ trẻ.

Ngược 8 năm trước, lần đầu tôi đến Co Hương, Lò Văn Piên mới chân ướt chân ráo làm trưởng bản, quanh năm lo đối phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhiều hơn chỉ đạo sản xuất. Mùa mưa, bà con đi lánh nạn nhiều hơn ở nhà. Có năm phải hơn mươi lần chạy lũ. Con suối Khà chảy từ bên kia biên giới, mang về những cá cùng tôm, nước tưới mùa màng, nhưng cũng tàn nhẫn cướp đi của Co Hương bao trâu bò, lợn gà, nhà cửa, cả những đứa trẻ còn chưa kịp lớn, gặp lũ, đi mãi không thấy về. Đau đớn lắm. Đỏ hoe con mắt rồi lại lau, lũ đến lại chạy, không kể ngày dài hay đêm mưa lạnh thấu xương cắt thịt, cuộc sống của họ buộc chặt vào leng keng tiếng kẻng báo động, lời hô hoán chạy thoát thân như một điệp khúc buồn. Bởi họ quá nghèo. Cái nghèo hằn lên vết nhăn trên mặt người khắc khổ, hắt ra từ những tiếng thở dài thõng thượt...

Liên miên chạy lũ, những căn nhà của họ chưa kịp kín vách nứa đã cong vênh, thông thống cho mưa hắt gió lùa. Đám trẻ, đứa nhỏ mặc lại quần áo đứa lớn, chạy vụt đi khi thấy người lạ, để lại tiếng cười dài dại khuất sau những góc nhà xiêu vẹo. Vì nghèo, nên con đường đến trường của chúng cũng xa xăm, heo hút. Ngày nắng thì lưa thưa, ngày mưa lớn bé, chúng tuyệt nhiên ở nhà vì đường xa trơn trượt, lắm đèo nhiều dốc, mặc sức cho thầy, cô giáo bấm choạc ngón chân trên đường trơn mưa dầm gió bấc đến tận nhà vận động...

Trời đất như vô tình, năm 2018, trên đồi Pom Lóc phía sau những nóc nhà chơ vơ, tạm bợ ấy bị nứt há. Cả trăm nghìn khối đất đá có thể đổ sập vùi lấp họ bất kể lúc nào. Nỗi sợ xui khiến, nhiều người đã phải giết lợn mổ gà “làm vía”, cầu cho vía khỏe, vía lành, đuổi cái vía dở, vía đen...

Trong bĩ cực bế tắc, ngày Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng lên thăm, trực tiếp leo đồi thị sát vết nứt, đã thắp lên trong họ ánh sáng niềm tin về một ngày mai tươi sáng hơn. Mà đến giờ hỏi lại, lớn bé trong bản còn nhớ, đó là ngày 25-8-2021. Sau ngày ấy không lâu, một chính sách mới, cứu cánh cuộc đời họ đã ra đời - Kết luận số 590-KL/TU ngày 8-9-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Kết luận thống nhất triển khai Đề án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Trong đó yêu cầu khẩn trương đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư phục vụ di dời khẩn cấp người dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ rất cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Và chưa đầy hai tháng sau kể từ chuyến thăm của người đứng đầu tỉnh, trên đồi Pom Phai, cách không xa nơi ở cũ, những xe lu, máy ủi, máy khoan đã bắt đầu phá đá mở đường, san đồi bạt núi, hối hả xây dựng nơi ở mới cho bà con Co Hương.

Trên đồi Pom Phai giờ đã là khu tái định cư kiên cố với những nếp nhà sàn khang trang, vững chãi kề nhau bên con đường bê tông rộng rãi. Bí thư Piên xòe bàn tay bấm đốt lẩm nhẩm: “Tính ra, Đảng, Nhà nước đã cho mỗi hộ dân mình gần 400 triệu đồng rồi, nay mai còn cấp tiền hỗ trợ di chuyển nhà nữa”.

Đường rời Co Hương về phố huyện Quan Sơn giờ đã thênh thang, có cầu treo, đập, tràn kiên cố băng qua sông sâu suối xiết. Trên con đường ấy, xe tải liên tục vào ra, chở theo ăm ắp nứa vầu về nơi chế biến, tiêu thụ và những nụ cười tươi rói, như xua tan canh cánh nỗi lo của tháng ngày xưa chạy lũ.

Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, hội tụ đầy đủ các vùng địa lý. Trong đó khu vực miền núi chiếm khoảng 3/4 diện tích của tỉnh, địa hình chia cắt phức tạp, thường xuyên chịu tác động tiêu cực, nặng nề của thiên tai, như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Mà cảnh hoang tàn, đổ nát, tang thương trong trận lũ lịch sử năm 2019 tại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) là nỗi đau chưa thể nào nguôi. Biến đổi khí hậu ngày thêm gay gắt, nơi chân đồi ven suối vẫn còn hàng trăm hộ dân bám trụ mưu sinh, đánh cược mạng sống với mưa lũ đất trời. Và khi nguồn hỗ trợ từ Trung ương để đưa người dân đến nơi an toàn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, Thanh Hóa đã chủ động, đi trước một bước. Chính sách bố trí sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được ra đời trong hoàn cảnh ấy, là sự tiếp nối xuyên suốt của một quyết tâm cao chính trị chăm lo cho cuộc sống Nhân dân, đặt đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Song trong điều kiện tỉnh rộng, người đông nên việc triển khai thực hiện một chính sách mang tính khai phá, đi tắt đón đầu ấy chẳng dễ dàng gì. Mà thực tế thi công mặt bằng tái định cư nơi núi cao vực sâu, chia cắt bởi dọc ngang sông suối đã là một rào cản ở ngay “vạch” xuất phát.

Nơi thượng nguồn sông Mã trập trùng núi cao chạm mây, huyện Mường Lát có 88 bản, khu phố. Có bản ở cách trung tâm huyện tới hơn 80 cây số đường rừng uốn lượn, bên núi cao chon von, bên vực sâu hun hút. Nhưng hơn nửa nhiệm kỳ, Bí thư Huyện ủy Hà Văn Ca đã đặt chân đến hầu khắp, nên ông nhớ tên bí thư chi bộ, trưởng bản như cán bộ huyện dưới xuôi nhớ tên lãnh đạo xã. Riêng bản Ón, xã Tam Chung ông không dưới 5 lần đến trực tiếp chỉ đạo việc di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân đến nơi an toàn trong những ngày dài mưa to lũ lớn.

Đó là một bản đồng bào Mông, nằm vắt vẻo ở vị trí “đầu ve”, vừa giáp ranh tỉnh Sơn La, vừa tiếp giáp với nước bạn Lào. Núi cao nhấp nhô lại bị băm xẻ bởi thung sâu suối dài, nên chuyện lớn đầu tiên là tìm vị trí xây dựng khu tái định cư tập trung cho 42 hộ dân với 244 nhân khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở. Không có đất bằng, Huyện ủy Mường Lát đã chỉ đạo khảo sát, thăm dò, đánh giá các yếu tố tác động, quyết định san gạt khẩn cấp nửa quả đồi cao, đào đắp cả nghìn khối đất đá. Nhưng rồi, lúc triển khai thi công, những máy móc công trình lại phải thường xuyên “đắp chiếu” mặc mưa nắng hoen rỉ. Bởi bản Ón thuộc tiểu vùng khí hậu hay mưa và nhiều loại hình thời tiết cực đoan. Như bí thư chi bộ, trưởng bản Giàng A Chống nói: “Ở mình, mùa nào cũng thế à. Sáng ra cái ông trời nó vui, nhưng qua trưa, nó buồn sập xuống đổ mưa. Khi nó ngủ, lạnh, chúng mình phải nấu nước tắm. Có đợt cái trời buồn, mưa liên tục 3 tháng à”. Mưa xuống, nền đất ướt dính, thành ra đơn vị thi công phải “nằm dài” nơi rừng sâu heo hút đợi... cái trời vui.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca nhẩm tính: Mới việc đào đắp, san lấp, tạo mặt bằng khu tái định cư bản Ón đã bằng tiền đầu tư xây dựng một khu dân cư có cùng diện tích ở dưới xuôi. Trong khi, phần việc còn lại chiếm khối lượng tương đối lớn, như gia cố nền móng, đầu tư lưới điện, hệ thống nước sạch... Nhưng xác định việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện đã huy động tối đa nguồn lực, tập trung chỉ đạo nhà thầu khắc phục khó khăn, khẩn trương thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Khó khăn cũ chưa qua, khó khăn mới lại ập đến, cũng như mưa lũ, cơn sau ập cơn trước - câu chuyện đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tưởng dễ lại khó. Bởi dẫu có phải chạy lũ, nhưng ăn đời ở kiếp, bình sinh họ đã quen với mênh mông của núi, nhà cách nhà bằng tiếng hú dài, nên diện tích 200m2 mỗi hộ trên khu tái định cư là quá nhỏ bé. Hay chuyện ra nơi ở mới, ai ở đầu khu, ai cuối đường, ai ở trong, ở ngoài. Rồi chuyện chẳng mấy người tin Nhà nước sẽ bạt được núi san được đồi...

Tôi nhớ câu chuyện của người phụ nữ Mông trong căn nhà tuềnh toàng, trống huơ trống hoác, nắng lọt phía trên, gió lùa bên vách ở cạnh suối Lát, đã gặp hồi năm trước. Phàng Thị Như, 21 tuổi nhưng đã làm mẹ của 3 đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt. Cuộc sống nơi rừng xanh núi đỏ chìm trong thiếu thốn, lại liên miên chạy lũ, nên bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo, lũ trẻ quanh năm đói cơm rét áo. Kể cả mùa mưa năm 2020, trong lần vượt cạn sinh đứa con thứ 3, Như không dám nằm ổ trong nhà vì sợ bị lũ cuốn, phải nghiến răng nằm võng đung đưa giữa 2 xe máy, mở ra buộc lại hơn 10 lần khi qua những gò, đống sạt lở trên con đường mưa dầm dề dẫn về bệnh viện huyện.

Sắp được đến khu tái định cư, chắc mình vui lắm? Ngày ấy tôi hỏi.

Như gạt phắt: “Bụng mình nó không tin đâu. Đào đến bao giờ cho hết núi, người Mông mình đào mãi rồi. Đào chỗ thấp, đất lại từ chỗ cao trụt xuống, giống như nó đã vùi lấp mấy nhà ở bản mình đó”.

Thế rồi, bí thư Chống lại cùng cán bộ xã lặn lội đến từng hộ để nói chuyện bằng tiếng Mông cho đồng bào hiểu. “Họ ừ. Nhưng cái bụng ai cũng muốn ở chỗ đẹp. Mình đã làm theo hướng dẫn của huyện, đánh cái số vào cái giấy tương ứng với chỗ đất tái định cư. Ai bốc được cái số nào, thì ở chỗ đó. Mình cũng thế, công bằng, nên người dân tin”, Chống kể. Khi dân bản Ón đã “ưng cái bụng”, Huyện ủy Mường Lát huy động thêm lực lượng công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên cùng với dân bản di chuyển đồ đạc, dựng nhà làm cửa... Đến nay, việc đã thành!.

Gần hai tháng nay trên khu tái định cư hiện hữu 3 cấp nền ở vị trí trung tâm bản Ón, vợ chồng Như tất bật việc làm nhà. Gặp lại tôi, chút ngượng ngùng thoáng qua, Như mừng rỡ, buột miệng thốt lên: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã xây khu tái định cư, cảm ơn cái bộ đội biên phòng, cái cán bộ về làm cho mình cái nhà vững như cái núi, cái đồi”...

Chuyến thị sát của Bí thư Tỉnh ủy, Kết luận 590 ra đời, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, những ngày dầm mưa dãi nắng san đồi bạt núi của kỹ sư, công nhân, sự kề vai sát cánh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang,… Chẳng phải tất cả đã hành động theo mệnh lệnh từ trái tim. Và, điều đó đã chạm đến trái tim đồng bào đấy sao!

Chăm lo cuộc sống Nhân dân, đặt việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết là chủ trương có tâm, có tầm, minh chứng tính nhân văn, vì con người của Đảng, mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cái tầm ở chỗ, hưng thịnh xưa nay trăm chính sách đều hướng về người dân, bởi dân là gốc, “dân vi quý”.... Và cái tâm, cái tầm ấy đang lan tỏa, thấm sâu, không chỉ tạo ra những khu tái định cư cho hàng trăm hộ dân sinh sống trên miệng hố “tử thần”, vỗ về cương thổ, còn là những căn nhà cho đồng bào sinh sống trên sông chấm dứt kiếp sống bèo bọt lênh đênh, hay nhà ở cho người nghèo, cho người yếu thế dễ bị tổn thương, để không còn ai bị bỏ lại phía sau...

Tôi nhớ, trước Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIX mới đây, sau khi nghe cử tri và Nhân dân huyện Quan Hóa kiến nghị di dời thêm một số khu vực dân cư có nguy cơ cao thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã tái khẳng định rằng, mặc dù còn rất nhiều việc phải lo, phải làm, song lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn luôn quan tâm, chăm lo cuộc sống Nhân dân, đặt việc đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Và rồi, ngoài những khu tái định cư đã hoàn thành, hay đang hoàn thiện các bước chuẩn bị đầu tư, tỉnh tiếp tục rà soát những khu vực có nguy cơ cao thiên tai mới phát sinh do thiên nhiên, khí hậu biến đổi không ngừng.

Và trên những khu tái định cư, cuộc sống mới đã khởi đầu, lửa reo vui trong gian bếp đủ đầy, xen lẫn tiếng cười vui của lũ trẻ. Được quan tâm sinh kế, những Lò Văn Piên, Giàng A Chống, Phàng Thị Như... đang háo hức với dự định mới, tham gia trong lớp tập huấn kiến thức phát triển du lịch cộng đồng, hay những mô hình kinh tế hứa hẹn ấm no hơn...

Đường về hôm nay sao gần thế - những nếp nhà sàn vững chãi, cờ đỏ sao vàng phấp phới, rạo rực nơi núi rừng biên viễn. Lòng miên man câu hát, như Giàng A Chống đã thể hiện trước người dân bản Ón, trong đêm vui mừng ngày Tết Độc lập: “Đảng làm nên bài ca chiến thắng, cho đất nước và tình yêu. Cho mỗi ước mơ trên đời...”.

Nội dung: Đỗ Đức

Ảnh: Đỗ Đức và Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền