Nếu là một người lớn lên ở giai đoạn đầu thế kỷ 21, chắc chắn mọi thanh niên ở Việt Nam đều đã từng nghe qua cái tên "Tổ chức ly khai Basque", hay còn gọi là ETA qua sóng truyền hình mỗi khi đất nước Tây Ban Nha gặp phải một vụ khủng bố. Tuy nhiên, ETA, tên đầy đủ là Euskadi Ta Askatasuna, hay "Tự do và quê hương Basque", chỉ là một phần rất nhỏ trong cái lịch sử đấu tranh giành độc lập kiên cường nhưng cũng không kém phần đẫm máu của người dân dải đất rộng lớn trải dài từ Pháp sang Tây Ban Nha này.

Cũng vì ý thức độc lập cao mà các đội bóng của Xứ Basque có những chính sách rất khắt khe với việc tuyển mộ. Một trong số những ví dụ tiêu biểu cho điều này đó là Athletic Club Bilbao, đội bóng có trụ sở ở thành phố Bilbao cùng tên. Đối với đội bóng này, một cầu thủ Athletic Club đúng nghĩa phải là người xứ Basque, sinh ra và lớn lên ở các tỉnh, các vùng khác nhau của vùng đất này, dù là ở vùng xứ Basque thuộc Pháp hay xứ Basque thuộc Tây Ban Nha.

Vậy, ý thức độc lập và chính sách khắt khe trong việc tuyển mộ quân của các CLB xứ Basque tới từ đâu? Câu trả lời nằm ở chính lịch sử, văn hóa và nguồn gốc của vùng đất này, đặc biệt là ở mặt ngôn ngữ. Có thể nói, ngôn ngữ Basque là một "ẩn số" với các nhà ngôn ngữ học trên toàn thế giới, không chỉ bởi người ta chưa tìm ra một tài liệu hay một văn bản chính thức nào viết bằng ngôn ngữ này, mà còn bởi tính chất khác biệt hoàn toàn với các hệ ngôn ngữ trên toàn thế giới của nó. Chính vì vậy mà ngôn ngữ Basque thường được các nhà ngôn ngữ học trên thế giới xếp vào nhóm ngôn ngữ biệt lập (Isolated language-ND). Và cũng chính bởi tính chất dị biệt với các nhóm dân Tây Ban Nha khác, vốn có nguồn gốc ngôn ngữ Romance giống nhau, mà Xứ Basque luôn là "đứa con nổi loạn" nhất trong số những người anh em của đại gia đình Tây Ban Nha này.

Hai ví dụ tiêu biểu cho chính sách khắc nghiệt này của đội bóng xứ Basque đó là Aymeric Laporte, một cầu thủ sinh ra hoàn toàn ở bên ngoài biên giới xứ Basque nhưng lại được chấp nhận vào đội bóng Athletic Club chỉ vì... ông bà cố của anh là những người sinh ra ở xứ Basque. Một trường hợp khác đó là Bixente Lizarazu, cũng được đem về Athletic Club dù sinh ra và lớn lên ở một đất hoàn toàn thuộc Pháp vì cựu cầu thủ này có họ hàng và gốc gác ở vùng đất này. Ngoại lệ duy nhất của Athletic Club, Inaki Williams, một cầu thủ có gốc Ghana, cũng chỉ được chọn sau khi đội bóng này biết được anh và cậu em trai Nico sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bilbao, nơi bố anh tỵ nạn sau khi thực hiện một cuộc hành trình gian khổ xuyên sa mạc Sahara để đến với vùng đất mới Tây Ban Nha.

Thời điểm hiện tại, NHM bóng đá xứ Basque được phân chia bởi hai CLB chính, đó là CLB Athletic Blibao ở thành phố Bilbao, trong tiếng Basque gọi là Bilbo, và CLB Real Sociedad có đại bản doanh ở thành phố San Sebastian, hay trong tiếng Basque gọi là Donostia, cả hai đều đang chơi ở giải La Liga thuộc hệ thống giải đấu của Tây Ban Nha. Nhưng ở thời kỳ Franco, xứ Basque từng có một đội bóng phải "chinh chiến" ở một nơi cách Tây Ban Nha bởi Đại Tây Dương, đó là Mexico.

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 14 tháng 4 năm 1931, thời điểm vua Alfonso thứ 13 bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha, dẫn đến sự thành lập của Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha. Sự thay đổi đột ngột về mặt thể chế này đã ảnh hưởng rất nhiều lên người dân ở các xứ tự trị Tây Ban Nha theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, bóng đá và các hệ thống giải đấu của Tây Ban Nha vẫn được giữ nguyên vẹn. Bilbao khi đó đang là "ông trùm" ở giải VĐQG Tây Ban Nha với hai lần liên tiếp giành cú đúp danh hiệu quốc nội, La Liga và Copa Presidente de la Republica - một phiên bản "Cộng hòa" của Copa Del Rey. Trong những ngày lịch sử đó, Bilbao có được 3 danh hiệu VĐQG và 3 danh hiệu Cup Cộng hòa. Nếu tính luôn cả danh hiệu họ giành được ở thời kỳ quân chủ, Bilbao có tổng cộng 4 danh hiệu VĐQG Tây Ban Nha và 4 danh hiệu Copa trong quãng thời gian 6 năm, từ năm 1930 đến năm 1936. Trong đội hình của Bilbao khi đó có rất nhiều hảo thủ như Jose Muguerza, Ignacio Aguirrezabala, Jose Iraragorri và Guillermo Gorostiza.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang cho các xứ tự trị khi vào ngày 17 tháng 7 năm 1936, một nhóm các tướng lĩnh trong quân đội Tây Ban Nha theo tư tưởng Falanga, một biến thể của tư tưởng Phát xít, đã nổi lên chống lại chính quyền Đệ nhị Cộng hòa cách mạng, dẫn đến cuộc Nội chiến đẫm máu nhưng không kém phần nổi tiếng trong lịch sử Tây Ban Nha cũng như thế giới. Một cuộc nội chiến đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng như gia đình của bà Dolores Ibarruri - "đóa hoa lạc tiên bất tử" của cuộc cách mạng Tây Ban Nha, người đã đóng góp cho nước bạn Liên Xô người con trai anh hùng của bà, trung úy Rubén Ruiz Ibárruri, người đã hy sinh ở trận chiến Stalingrad bi hùng diễn ra vào tháng 9 năm 1942, giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Tuy sau đó, phe Đệ nhị Cộng hòa đã bị đánh bại và bị xóa sổ hoàn toàn khỏi đất Tây Ban Nha, nhưng tinh thần bất khuất của những người lính Đệ nhị Cộng hòa và nền bóng đá Tây Ban Nha, đặc biệt là các đội bóng tới từ các vùng tự trị của Tây Ban Nha, vẫn luôn được thể hiện rõ trên các sân bóng bất chấp sự đàn áp tàn khốc của nhà độc tài Francisco Franco khi đó.

Trở lại với câu chuyện của CD Euskadi. Ở giai đoạn 1937, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, Lehendakari, tổng thống đầu tiên và duy nhất của xứ Basque, Jose Antonio Aguirre, quyết định thành lập một đội bóng cấp vùng mang tên Euskadi. Vai trò của đội bóng này đó là du đấu khắp Châu Âu để đem nguồn ngoại tệ về cho chính quyền xứ Basque cũng như thể hiện tinh thần dân tộc bất khuất của người dân xứ Basque trong thời gian Nội chiến. Đội bóng này có nòng cốt là các cầu thủ của Athletic Club với một số cầu thủ tới từ Xứ Basque khác như Serafin Aedo, người vô địch cùng Betis ở mùa 1934-1935, Enrique Larringa tới từ Racing Santander, Luis Regueiro tới từ Madrid FC, tức Real Madid FC của thời Đệ nhị Cộng hòa, và cuối cùng là Isidro Lángara của Oviedo CF.

Euskadi bắt đầu chuyến du đấu của mình bằng trận đấu gặp ĐKVĐ giải VĐQG Pháp, Racing De Paris trên sân Parc Des Princes. CLB xứ Basque sau đó có được chiến thắng trước Marseille. Tuy nhiên, trận đấu quan trọng nhất trong chuyến du đấu này không diễn ra trên đất Pháp, mà là trên đất Liên Xô, đồng minh lớn nhất của Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha khi đó.

Có thể nói, đây là chiến dịch tuyên truyền về hình ảnh bất khuất và tinh thần dân tộc của người Xứ Basque tốt nhất từ trước tới giờ. Trong số 9 trận đấu trên đất Liên Xô, Euskadi chỉ để thua một trận và để hòa trận còn lại. Trong số 7 trận thắng đó của đại diện xứ Basque có những trận thắng trước các đại diện "khổng lồ" của bóng đá Liên Xô khi đó như Lokomotiv & Dinamo Moskva, Dinamo Kiev, Dinamo Tbilisi cũng như ĐT Georgia. Trước khi trở lại quê nhà Tây Ban Nha, Euskadi thi đấu hai trận đấu nữa gặp Racing De Paris cùng một vài ĐTQG khác như Tiệp Khắc, Na Uy và Đan Mạch. Ở trận đấu cuối cùng trong chuyến du đấu của mình, ĐT Xứ Basque giành chiến thắng đậm 11-1, tỷ số vẫn được xem là kỷ lục của nền bóng đá này.

Sau hành trình du đấu vĩ đại đó của mình, những tưởng Euskadi sẽ trở về như những người anh hùng. Nhưng sự nghiệt ngã của số phận đã khiến họ trở thành những kẻ tha hương không nhà cửa. Ngay sau khi trốn thoát khỏi chế độ Franco, Euskadi vượt Đại Tây Dương để thi đấu ở Cuba, nơi họ gặt hái được rất nhiều chiến thắng. Tuy nhiên, phải đến khi chuyển tới Mexico, quốc gia duy nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thời điểm đó ủng hộ nền Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha, số phận của CLB này mới thực sự thay đổi. Nguyên nhân xuất phát từ việc ở thời điểm đội bóng Xứ Basque chuyển đến Mexico, đất nước này vừa mới kết thúc Cuộc cách mạng Mexico lịch sử, một chính trị gia có tư tưởng đồng điệu với tư tưởng của nền Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha.

Vậy, làm thế nào mà một đội bóng "ly khai" của Tây Ban Nha được quyền tham gia một giải đấu cách đó một bờ biển Đại Tây Dương? Ở thời đó, bóng đá Mexico vẫn còn là một nền bóng đá nghiệp dư được thi đấu giữa các đội bóng tới từ thủ đô Mexico, trong đó có rất nhiều đội bóng tới từ Tây Ban Nha, "mẫu quốc" cũ của Mexico, cùng với đó là rất nhiều nhóm dân nhập cư khác, đa số đến với Mexico vì kế sinh nhai. Mọi chuyện thay đổi 180 độ khi Euskadi đến với vùng đất non trẻ này. Ở Mexico, Euskadi là một đội bóng rất nổi tiếng, vì vậy, LĐBĐ Mexico quyết định mời họ ở lại quốc gia này để thi đấu cho giải nghiệp dư của Mexico dưới cái tên Clup Deportivo Euskadi ở mùa giải 1938-1939. Cuối mùa giải đó, CLB tới từ Xứ Basque này kết thúc ở vị trí thứ 2 sau nhà vô địch Asturias FC.

Ngày 1 tháng 4 năm 1939, Francisco Franco tuyên bố kết thúc chiến tranh và sự thành lập của chính quyền Falangista do nhà độc tài này đứng đầu. Vì vậy, chính quyền Xứ Basque cùng các chính quyền ly khai khác phải lưu vong tới Pháp; Euskadi, "đứa con tinh thần" của chính quyền này cũng vì vậy mà tan rã. Những cầu thủ như Roberto Etxebarrria hay Guillermo Gorostiza quyết định trở lại quê nhà sau khi được chính quyền Franco ân xá. Trong khi đó, các cầu thủ còn lại của CD Euskadi quyết định ở lại Châu Mỹ la tinh. Đa phần trong số họ thi đấu ở Mexico như Larrinaga và Reguiero chuyển tới Asturias FC, còn những cái tên như Aedo và Blasco chuyển tới Real Club Espana. Chính ở quãng thời gian này, các cầu thủ tới từ Xứ Basque đã kích thích niềm đam mê bóng đá của người dân Mexico, dẫn đến sự thành lập giải đấu VĐQG đầu tiên của Mexico vào năm 1943, thời điểm cao trào của Đệ nhị thế chiến.

Langara, một trong số những tiền đạo hay nhất Xứ Basque thời kỳ đó quyết định trở lại Tây Ban Nha để hoàn thành giấc mơ giải nghệ ở Real Oviedo. Tuy nhiên, các đồng đội của ông lại quyết định ở lại Mexico dù được chính quyền Franco ân xá để trở về Tây Ban Nha. Luis Regueiro, người thi đấu cho ĐT Tây Ban Nha ở giai đoạn trước Nội chiến và ở World Cup 1934 có một người con sau đó đại diện cho ĐT Mexico ở kỳ World Cup 1966 diễn ra trên đất Anh.

Cho tới ngày nay, ký ức về CD Euskadi vẫn còn sống mãi trong sử sách của Mexico như những nhà tiên phong của công cuộc "chuyên nghiệp hóa" bóng đá Mexico. Có thể nói, chiến tranh đã đưa những "đóa hoa lạc tiên bất khuất" này rời khỏi quê mẹ, nhưng cũng chính chiến tranh đã giúp họ "tỏa hương" và đâm hoa kết trái ở một vùng đất mới, một vùng đất đã được hưởng lợi rất nhiều từ di sản của họ.

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền