Đối với FIFA, một kỳ World Cup được xem là "hoàn hảo" phải đáp ứng được ba tiêu chí tối quan trọng, đó là các cầu thủ, các nhân viên cũng như NHM của các đội bóng tranh tài phải được hỗ trợ VISA để họ có thể dễ dàng tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thứ hai, quốc gia tổ chức World Cup còn phải đảm bảo các vấn đề như an ninh, giao thông và thương mại. Và cuối cùng, đó là... miễn thuế cho tổ chức này. Cụ thể, theo The Athletic, ở Thụy Sĩ, một quốc gia "khét tiếng" về thuế doanh nghiệp, FIFA không phải chi một đồng thuế nào bởi tổ chức này được xem là một tổ chức "phi lợi nhuận" dù thực tế FIFA đem về số lợi nhuận lên tới hàng tỷ đô-la mỗi năm.

Theo một báo cáo về các ứng viên cho kỳ World Cup 2026 của FIFA, tổ chức này đã để mắt tới ba ứng viên đó là Mexico, Canada và Mỹ bởi những lý do sau. Đầu tiên, theo FIFA, tổ chức này sẽ được miễn thuế hoàn toàn ở Mexico và Mỹ, dù vậy, khi tổ chức trên đất Canada, FIFA sẽ phải chịu một khoản thuế "có giới hạn". Thêm vào đó, trong quãng thời gian bầu cử chủ nhà World Cup 2026, Donald Trump, khi đó đang là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, đã gửi một lá thư ủng hộ việc đăng cai tổ chức FIFA World Cup trên đất Mỹ vào năm 2026.

Dù đã được xem là một trong ba chủ nhà tiềm năng cho kỳ World Cup 2026, nhưng nước Mỹ vẫn gặp phải một đối thủ khá "nặng ký", đó là Ma-rốc. Cụ thể, theo The Athletic, trong quãng thời gian cạnh tranh với Mỹ, Mexico và Canada, Ma-rốc đã chấp nhận điều khoản miệng về việc miễn thuế cho FIFA. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải tìm ra những cách khác để thu hút sự chú ý của FIFA, những người sẽ quyết định xem ai sẽ là chủ nhà của kỳ World Cup 2026.

Rất may cho những nhà hoạt động hành lang cho kỳ World Cup 2026, tổng thống Mỹ thời điểm đó, ngài Donald Trump, đã giúp đỡ họ bằng một lá thư gửi cho chủ tịch Gianni Infantino vào tháng 5 năm 2018. Trong lá thư gửi đến chủ tịch FIFA, tổng thống Donald Trump khẳng định với ngài Gianni Infantino rằng bên cạnh vấn đề thuế quan, các cầu thủ, quan chức cũng như NHM trên toàn thế giới sẽ được bảo đảm an toàn và không phải chịu bất cứ sự phân biệt nào trong quãng thời gian tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra trên đất Mỹ, Mexico và Canada.

Với những người vận động hành lang, đây có thể được xem là "lá bùa hộ mệnh", bởi lẽ, ở thời điểm đó, giới làm thể thao thế giới đã đặt ra câu hỏi về việc nếu Mỹ đăng cai tổ chức FIFA World Cup 2026, quốc gia này có sẵn sàng mở cửa với những quốc gia luôn được xem là "thù địch" với họ như Libya, Syria, Yemen, CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Iran hay không?

Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với tổng thống Mỹ của The Athletic, dù đã thể hiện rõ thiện chí của mình trong bức thư với chủ tịch Gianni Infantino, các cam kết này của vị tổng thống thứ 45 chưa chắc sẽ được thực hiện bởi các vị tổng thống nhiệm kỳ sau trong trường hợp Donald Trump phải rời khỏi Nhà Trắng. Cụ thể, nguồn tin này chia sẻ: "Lá thư này chỉ đồng thuận với những gì FIFA yêu cầu chứ không đảm bảo bất cứ điều gì. Có thể hiểu đại ý lá thư này như sau: "Này, chúng tôi chưa thể hoàn toàn đồng ý với những điều khoản này. Có thể chúng tôi sẽ mềm mỏng hơn, sẽ tôn trọng những yêu cầu trên, nhưng chúng tôi không đảm bảo việc chúng tôi có thể tuân theo những yêu cầu của FIFA".

Có được sự ủng hộ của Donald Trump thông qua lá thư gửi cho FIFA là thế, nhưng những người vận động hành lang cho kỳ World Cup 2026 cho Mỹ hiểu rằng để "lá thăm" của họ có sức nặng, họ phải xây dựng một mối quan hệ thân thiết hơn với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thời điểm đó. Để làm được điều này, họ phải nhờ đến một người, đó là Robert Kraft, chủ tịch của New England Patriots và New England Revolution, CLB cũ của cầu thủ gốc Việt Lee Nguyễn. Về mối quan hệ của cả hai, theo The Athletic, dù Donald Trump và Robert Kraft đã biết nhau từ trước, nhưng phải đến năm 2011, thông qua những cuộc điện thoại hỏi thăm cũng như việc Donald Trump đến dự đám tang của Myra, vợ của Robert Kraft, cả hai bắt đầu trở nên thân thiết với nhau hơn.

Cũng theo The Athletic, sau khi Mỹ, Mexico và Canada chính thức giành được quyền đăng cai World Cup 2026, tổng thống Donald Trump đã tiết lộ rằng chính Kraft là người đầu tiên tiếp cận ông trong quãng thời gian vận động hành lang cho kỳ World Cup 2026, nhờ đó mà Mỹ đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ cho chiến dịch vận động hành lang cho kỳ World Cup 2026. Về phần Kraft, ông cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc Mỹ đăng cai tổ chức World Cup. Cụ thể, có đến 7 trận đấu ở kỳ World Cup 2026 sẽ được tổ chức trên sân Gillette của New England Revolution, trong đó có một trận diễn ra ở vòng tứ kết.

Những tưởng mối quan hệ giữa cả hai sẽ luôn keo sơn và bền chặt, nhưng mọi thứ đã thay đổi 180 độ ở thời điểm tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở. Cụ thể, theo chia sẻ của Kraft, sau sự kiện những người ủng hộ tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tấn công đồi Capitol vào ngày 6 tháng 1, sự kiện được xem là "thời khắc đen tối nhất nước Mỹ", Kraft đã dừng mọi liên lạc với tổng thống Donald Trump. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh radio địa phương, vị tỷ phú này còn chia sẻ rằng đưa Trump lên làm tổng thống không khác gì "đưa một gã say rượu lên làm tổng thống cả"!

 Bên cạnh Donald Trump, một cá nhân khác cũng góp phần giúp Mỹ đăng cai tổ chức kỳ World Cup 2026 đó là Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao của ông thời điểm đó. Thậm chí, trong một cuộc trao đổi qua tin nhắn với Jason Miller, cố vấn truyền thông của Donald Trump thời điểm đó, ông này khẳng định với The Athletic rằng Jared mới chính là người góp công lớn trong việc đưa World Cup 2026 đến với ba quốc gia Mỹ, Mexico và Canada.

Theo một nguồn tin của The Athletic, trong quãng thời gian vận động hành lang giành quyền đăng cai World Cup 2026 cho Mỹ, Mexico và Canada, chính Kushner đã đề nghị gặp mặt các nhà vận động hành lang cho kỳ World Cup 2026 để đề nghị giúp đỡ. Cũng theo nguồn tin này, trong cuộc gặp ở Nhà Trắng, Jared Kushner đã đặt ra hai câu hỏi với những người vận động hành lang, đó là: "Chúng tôi cần phải làm gì và chúng tôi có thể giúp các vị như thế nào"?

Bên cạnh việc gặp mặt các nhà vận động hành lang cho kỳ World Cup 2026, Jared Kushner còn dự khán các trận đấu của đội tuyển Mỹ ở kỳ World Cup 2022 diễn ra trên đất Qatar. Dù ở thời điểm đó, Jared Kushner không mặn mà lắm với bóng đá, nhưng cố vấn cấp cao của tổng thống Mỹ vẫn cho thấy anh hiểu rõ tầm quan trọng của việc đăng cai giải đấu lớn nhất hành tinh với Mỹ, khi đó đang gặp phải vấn đề hình ảnh với đồng minh và các quốc gia trên thế giới bởi những phát ngôn, chính sách và hành động được xem là thiếu chuẩn mực của "nhạc phụ" Donald Trump. Ngoài ra, theo một nguồn tin từ The Athletic thân cận với Kushner, cả hai đều muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này để cho thấy nội các của vị tổng thống thứ 45 có thể "ngã giá" thành công với bất cứ quốc gia và tổ chức nào trên thế giới.

Kể cả khi đã giành được quyền đăng cai World Cup 2026, Jared Kushner vẫn chưa dừng lại. Cụ thể, theo The Athletic, sau khi người bố vợ quyền lực nhất nước Mỹ của anh rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2021, Jared Kushner tiếp tục tham gia một cuộc đua khác, đó là cuộc đua giành quyền đăng cai trận chung kết ở sân MetLife, tọa lạc ở New Jersey, quê nhà của anh. Đẻ làm được điều đó, Jared Kushner đã thực hiện một cuộc vận động hành lang để cạnh tranh với với sân AT&T ở Arlington, Texas, khi đó được vận động hành lang bởi Jerry Jones, chủ sở hữu của CLB Dallas Cowboy ở giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (National Football League-ND).

Nổi tiếng là một người chuyên đưa ra những phát ngôn "thiếu chuẩn mực" của một chính trị gia lão luyện, bởi vậy, khi Donald Trump tham gia vào cuộc vận động quyền đăng cai World Cup 2026, không ít nhân vật trong cuộc vận động này đã tỏ rõ sự lo ngại về việc tổng thống Mỹ có thể làm hỏng chuyện bởi những phát ngôn của ông, đặc biệt là trên nền tảng Twitter, nền tảng ưa thích nhất của Donald Trump.

Những mối lo ngại này ngày càng có cơ sở khi Donald Trump đăng một dòng tweet vào ngày 26 tháng 4 năm 2018. Cụ thể, trong bài tweet của mình, tổng thống Mỹ thời điểm đó chia sẻ: "Nước Mỹ đã chính thức tham dự cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2026 cùng với Canada và Mexico. Chúng tôi sẽ cảm thấy rất thất vọng nếu các quốc gia mà chúng tôi luôn ủng hộ quay lưng lại với cuộc đua của chúng tôi. Tại sao chúng tôi phải ủng hộ những quốc gia này nếu họ không ủng hộ chúng tôi kia chứ"?

Có thể nói, dòng tweet kể trên đã giáng một đòn khá nặng vào khả năng giành được quyền đăng cai của nước Mỹ, bởi nó cho thấy một hình ảnh "hiếu chiến" của nước Mỹ, thậm chí, có thể được xem là một lời đe dọa gửi tới những quốc gia được cho là "không ủng hộ" nước Mỹ, điều sẽ gây ảnh hưởng nặng nề lên cuộc bầu cử vốn dựa rất nhiều vào hình ảnh của nước chủ nhà. Vì vậy, các nhà vận động hành lang tranh cử phải cân bằng giữa việc nhận được sự ủng hộ của Trump với việc giảm ảnh hưởng của vị tổng thống gây tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ lên cuộc chạy đua giành quyền đăng cai của họ nhằm "lấy lòng" bạn bè quốc tế cũng như hai đối tác Mexico và Canada, những người luôn cho thấy sự không hài lòng với tổng thống Mỹ thời điểm đó.

Rất may cho những nhà vận động hành lang cho kỳ World Cup 2026, mọi chuyện đều diễn ra một cách thuận lợi cho Mỹ, Mexico và Canada trong cuộc đua giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, với việc vị tổng thống tai tiếng nhất nước Mỹ sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau, nước Mỹ sẽ phải đứng trước một thách thức lớn khác bên cạnh những vấn đề về an ninh hay tiện ích cho các cầu thủ và quan chức, đó là... làm thế nào để kiểm soát sự thất thường của Donald Trump trong quãng thời gian kỳ World Cup 2026 được tổ chức trên đất Mỹ, Mexico và Canada?

Nội dung: KDNX

Ảnh: CNN, The Athletic, Vanity Fair, Copa America...

Đồ họa: Mai Huyền