Có một điều chúng ta cần phải làm rõ trước khi tìm hiểu về người đàn ông này, đó là tên ông chỉ nên được đọc là Jassim Al Thani, hoặc vương tử Jassim Al Thani, chứ không phải là Sheikh Jassim Al Thani như một số tờ báo lớn của Việt Nam vẫn đang đưa hàng ngày. Vậy, chúng ta cần phải hiểu từ Sheikh ở đầu tên của người đàn ông sắp trở thành chủ sở hữu của Man United này như thế nào?

Trong tiếng Ả Rập, Sheikh, hay còn có nhiều cách phát âm khác là Shayk, Sheekh, Shaikh, có nguồn gốc từ một chữ trong tiếng Ả Rập cổ liên quan tới tuổi tác và sự già đi, đó là từ Shin-ya-kha, có nghĩa là "lãnh đạo, người có chức sắc hoặc quý tộc". Từ này thường được sử dụng nhiều nhất ở vùng Bờ biển Ả Rập như một tước hiệu cho các thủ lĩnh bộ lạc Bedouin. Tuy nhiên, khi chuyển ngữ sang các thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Việt, chúng ta lại thường hiểu chung chung Sheikh là một cái tên hoặc một tước hiệu ngang với "nhà vua".

Thực tế, tước hiệu "Sheikh" của ngài Jassim Al Thani rộng hơn rất nhiều. Bất cứ một lãnh đạo của một nhóm Hồi giáo hay một bộ lạc nào đó của người Ả Rập cũng có thể được coi là một Sheikh cuả nhóm tôn giáo hay bộ lạc đó. Ví dụ, Mustafa Sabri là một trong những lãnh đạo tôn giáo quyền lực nhất của Đế chế Ottoman, vì vậy, ông được mang tước hiệu là Shaykh al-Islam, tức "người lãnh đạo tối cao của tôn giáo Islam".

Một điều nữa cũng cần phải nêu ra đó là tước hiệu "Sheikh" không chỉ giới hạn trong giới tính nam, mà còn có ở giới tính nữ. Ví dụ, một nữ chức sắc có uy tín trong cộng đồng Hồi giáo sẽ được gọi là Shaykhah, ví dụ như Shaykhah Fakhr-un-Nisa, người phụ nữ được mệnh danh là "niềm tự hào của phụ nữ Hồi giáo và là bà hoàng của thư pháp".

"Không chỉ nhắm tới việc đưa Man United trở lại thời hoàng kim bên trong cũng như bên ngoài sân cỏ, thương vụ này còn nhắm đến việc đưa NHM Man United trở thành một phần quan trọng của CLB này. Thương vụ này cũng không vướng phải bất cứ một khoản nợ nào và sẽ được chi trả thông qua Quỹ đầu tư Nine Two của ngài Jassim, một quỹ đầu tư sẽ được dùng để sửa sang lại sân vận động cùng các hệ thống xung quanh CLB, ngoài ra, quỹ đầu tư này sẽ được dùng để cải thiện các trải nghiệm của NHM bóng đá ở Anh cũng như toàn thế giới".

Đó là những gì mà quỹ Nine Two đưa ra sau khi thông báo ý định mua lại nửa đỏ thành Manchester cho truyền thông Anh quốc. Có thể thấy rõ tham vọng cũng như nhiệt huyết nơi các ông chủ tương lai của sân Old Traffford, từ những dòng thông báo đầy sức nặng tới cái tên khơi gọi lại rất nhiều cảm xúc cho người hâm mộ Man United: 92 Foundations, lấy theo tên của Class Of 92 huyền thoại.

Tuy nhiên, vẫn có hai câu hỏi khiến các tờ báo lớn về thể thao của Anh quốc nói riêng cũng như Châu Âu nói chung phải đau đầu, đó là: đâu mới là hình ảnh thực của Jassim Al Thani? Ông ấy là người như thế nào?.

Cho đến nay, những gì mà truyền thông Anh quốc biết được về người đàn ông này đó là: ông thuộc dòng dõi Al Thani đang trị vì Qatar, ông theo học Học viện Quân sự Sandhurst tọa lạc ở thị trấn Sandhurst thuộc hạt Berkshire. Tiếp đó, ông là chủ tịch của Qatar Islamic Bank, hay Ngân hàng Hồi giáo Qatar, và từng là một thành viên của Credit Suisse, ngân hàng tư nhân lâu đời nhất của Thụy Sĩ.

Một điều khác cũng được trang tin The Athletic nêu ra, đó là Jassim Al Thani sinh năm 1982 và là con của cựu thủ tướng Qatar, ông Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani, người nắm giữ chức vụ này từ năm 2007 đến năm 2013.

Với những ai theo sát kỳ World Cup 2022 trên đất Qatar vừa rồi, chắc chắn chúng ta sẽ còn nhớ hình ảnh một người đàn ông thuộc gia đình Hoàng gia Qatar đang nhìn vào Emiiliano Martinez với một vẻ khó chịu đi kèm chút khó hiểu khi thủ môn người Argentina làm hành động có phần "khó coi" với phần thưởng Găng tay Vàng được trao cho anh. Một số nguồn tin của các báo Châu Âu đồn đại rằng đó chính là Sheikh Jassim, ông chủ tương lai của Man United. Tuy nhiên, theo The Athletic, người đàn ông trong bức ảnh "huyền thoại" đó không phải là Sheikh Jassim, mà là một thành viên khác trong gia đình hoàng gia Qatar.

Chính vì những sự bí ẩn xung quanh người đàn ông này mà nhiều người tin rằng ông chỉ là một cái tên "không có thực" được gia đình Hoàng gia Qatar dựng lên nhằm hợp thức hóa việc thâu tóm Manchester United để "thu về một mối" với PSG. Một minh chứng cho điều này đó là xuyên suốt những cuộc đàm phán với nhà Glazer và Raine Groups, người đàn ông kín tiếng này không hề hiện diện, thay vào đó là Nasser Al-Khelaifi, chủ tịch hiện tại của Paris Saint Germain.

Tuy nhiên, theo những ghi nhận từ các nguồn tin khác nhau của mình, trang tin The Athletic đã khẳng định rằng Jassim Al Thani là một người có thật với rất nhiều những thống kê và thông tin liên quan tới nhân vật này.

Cụ thể, theo The Athletic, một hồ sơ được lập nên bởi Companies House, cơ quan đăng ký công ty của Vương quốc Anh, cho biết ngài Jassim được sinh vào tháng 4 năm 1982, một số hồ sơ khác còn nêu rõ hơn ngày sinh của ngài Jassim là ngày 10 tháng 4 năm 1982.

Với năm sinh là 1982, ngài Jassim bước vào tuổi 28 khi ông trở thành một thành viên của Credit Suisse vào tháng 4 năm 2010. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc vị vương tử này mới chỉ 16 tuổi khi ông tốt nghiệp từ trường Quân sự Hoàng gia Sandhurst vào năm 1998 theo một thông báo hằng năm của Ngân hàng Thụy Sĩ.

Các thành viên trong Bộ Quốc phòng Anh quốc cũng xác nhận với The Athletic rằng vương tử Jassim Bin Hamad Bin Jassim Al Thani đã theo học ở Sandhurst từ năm 1997 và tốt nghiệp khóa Vận hành 973 một năm sau đó.

Ngài Jassim sau đó trở thành một trong số 100 ứng viên được tuyển lựa vào The Wish Stream, một tạp chí của thị trấn Sandhurst. Sau đó, ông trở thành một thành viên của Inkerman Company, được đặt theo tên của một trong những trận chiến khốc liệt nhất chiến tranh Crimea giữa liên quân Anh-Pháp và Đế quốc Nga.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1998, Jassim trở thành quản lý trưởng của Al Mirqab Capital, một công ty chuyên về phương tiện giao thông được đầu tư và quản lý bởi cha của ông, Hamad Bin Jassim Bin Jaber Al Thani, thường được viết tắt là HBJ ở các báo tiếng Anh.

Có lẽ, thứ gây tò mò nhất đối với NHM Man United khi nhìn vào bảng lý lịch trích ngang của người đàn ông bí ẩn này đó là làm thế nào mà một vương tử mới chỉ 28 tuổi như Jassim Al Thani lại có thể vươn lên nhanh chóng ở một ngân hàng tư nhân lâu đời như Credit Suisse?

Theo The Athetlic, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các giám đốc điều hành của Credit Suisse được giao nhiệm vụ phải tìm kiếm một đối tác nhằm giữ vững sự độc lập của Credit Suisse khỏi tay nhà nước Thụy Sĩ.

Một trong những đối tác đầu tiên của ngân hàng này đó là Quỹ đầu tư công của Qatar, được biết đến dưới cái tên Qatar Investment Authority (QIA), khi đó được điều hành bởi cựu thủ tướng Hamad Bin Jassim. Ở thời điểm đó, QIA đã đầu tư khoảng 4 tỷ bảng vào ngân hàng Barclays, nhà tài trợ chính của Premier League trong giai đoạn hoàng kim của giải đấu danh giá nhất nước Anh, qua đó giúp Ngân hàng này tránh khỏi "nanh vuốt" của Chính phủ Anh.

Vào tháng 10 năm 2008, Credit Suisse tuyên bố họ đã nhận được khoảng đầu tư lên tới 10 tỷ Franc Thụy Sĩ, tính theo thời giá hiện tại là 8,8 tỷ bảng, tiền đầu tư tới từ Qatar Holding LLLC, một chi nhánh của Qatar Investment Authority.

Theo một nguồn giấu tên của The Athletic ở Credit Suisse, việc bổ nhiệm Jassim Al Thani vào ban lãnh đạo của Credit Suisse có nguyên nhân rất lớn tới từ khoản đầu tư của QIA. Tuy nhiên, theo nguồn tin giấu tên này, gia đình Qatar không bổ nhiệm Jassim vào để tạo ảnh hưởng lên ngân hàng này mà chỉ muốn có một "nguồn tin" thân cận trong ngân hàng này mà thôi.

Theo những nguồn tin thân cận với Hoàng gia Qatar của The Athletic, vương tử Jassim Al Thani là một người kín tiếng và luôn biết lắng nghe những sự chỉ bảo của các "tiền bối" khi làm việc ở Ngân hàng Credit Suisse.

Tuy nhiên, cũng theo một nguồn tin khác của The Athletic, dù mang tiếng là ít nói, nhưng vương tử cũng là một người sáng dạ và luôn "biết cách đặt ra những câu hỏi sắc sảo. Ngoài ra, cậu ta cũng rất chăm chú".

Cũng có lúc vương tử sẽ "mở lòng" với mọi người. Một nguồn tin thường xuyên tham gia các buổi họp ở Credit Suisse cho biết Jassim thường xuyên gọi mình bằng cái tên tắt thân mật là "JJ", thậm chí, đã có lúc ông sử dụng cái tên tắt này trong các chữ ký của mình. Cũng theo nguồn tin này, Jassim Al Thani là một người hút thuốc rất nhiều, thậm chí hút thuốc ngay cả trong các buổi họp của mình. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, việc hút thuốc trong các buổi họp là một việc thường thấy của Jassim Al Thani mỗi khi làm việc với các đối tác.

Một điều khác cũng được nêu ra bởi nguồn tin này, đó là ngài Jassim Al Thani thường xuyên trao đổi bằng tiếng Anh trong các buổi họp mặt của mình, nhưng khi cần đến sự tư vấn của các chuyên gia người Qatar, ông sẽ sử dụng tiếng Ả Rập rồi sau đó trở lại sử dụng tiếng Anh với các đối tác Phương Tây mà mình tiếp xúc.

Có lẽ, vì sự bí ẩn này mà vương tử Jassim thường bị cho là "khó đoán định". Đôi lúc, trong các buổi họp của mình, vị vương tử này sẽ tỏ rõ thái độ vô cảm với những vấn đề đang bàn luận. Không khó để bắt gặp hình ảnh ông gác hai chân lên nhau như bức ảnh Instagram do bố ông đăng tải, thậm chí, người ta còn bắt gặp hình ảnh ông nhìn về hướng khác hoặc châm một điếu xì gà thượng hạng.

"Đôi lúc, anh ta đưa ra một ý kiến khiến bạn nghĩ anh ta đang lắng nghe, thế rồi, anh ta lại nêu ra một quan điểm khác khiến bạn nghĩ ngược lại", một đối tác cũ của vương tử Jassim chia sẻ với The Athletic. "Đôi lúc, anh ta sẽ khiến bạn ngạc nhiên, nhưng đôi lúc, anh ta lại không làm thế".

Theo The Athletic, điều này có nguyên do từ những khác biệt văn hóa giữa Ả Rập và phương Tây, hai nền văn hóa có những khác biệt sâu rộng về mặt tôn giáo cũng như văn hóa.

Nhìn bề ngoài, Jassim trông giống như một người đại diện hơn là một chủ tịch hay một thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, mọi sự lại không như vậy. Ông luôn chú tâm tới những vấn đề được bàn luận, tuy nhiên, thứ ông tập trung vào không phải là cung cách quản lý của một công ty mà là tính chất thương mại của công ty đó.

Với việc các cuộc đàm phán đang đi tới những bước cuối cùng, NHM Man United hoàn toàn có thể trông đợi vào một tương lai tươi sáng ở sân Old Trafford dưới thời vương tử Jassim Al Thani, một người hâm mộ Man United từng được các nhóm fan "lắm tiền nhiều của" của Man United tìm đến khi muốn lập nên một nhóm đầu tư mua lại Man United từ tay nhà Glazer vào năm 2010. Tuy nhiên, với cái mác "vương tử" của một gia đình hoàng gia luôn bị đưa vào "tầm ngắm" của báo chí Phương Tây, chắc chắn vương tử Jassim sẽ phải rất đề phòng trước những câu hỏi "khó" của cánh nhà báo “xứ sở Sương mù” trong thời gian sắp tới.

Nội dung: KDNX

Nguồn ảnh, tư liệu: The Athletic, Internet.

Đồ họa: Mai Huyền