Rafaela Pimenta thường được coi là người phụ nữ quyền lực nhất của làng "cò bóng đá", một phần vì bà là "tổng quản" của một số lượng lớn các cầu thủ, trong đó có Erling Haaland, chân sút chủ lực của Man City thời điểm hiện tại. Có thể nói, bà là một "của hiếm" trong giới môi giới bóng đá, vốn là "địa hạt" của những gã đàn ông lọc lõi đầu “đầy sạn”.
Để xây dựng được "đế chế" của mình, đương nhiên, người phụ nữ này phải luôn học hỏi từ người tốt nhất, và người được bà chọn "tầm sư học đạo" đó chính là Mino Raiola, "ông trùm của mọi ông trùm" trong giới "cò cầu thủ". Bên cạnh đó, bà còn là một chuyên gia đầu ngành về luật ở Brazil, một thứ "vũ khí" sắc bén giúp bà có thể đối thoại một cách thẳng thắn với các ban bệ “lọc lõi" nhất làng bóng đá.
Kể từ khi "sư phụ" Mino Raiola qua đời vào năm ngoái, Pimenta bắt đầu quản lý công việc và sổ sách của ông thầy "khét tiếng" ở Monaco. Có một điều khá thú vị mà bà chia sẻ với các phóng viên của The Guardian, đó là trong suốt cuộc đời làm bóng đá của mình, bà chỉ gặp đúng hai người phụ nữ "quyền lực" nhất trong ban lãnh đạo của các CLB bóng đá Châu Âu, đó là Marina Granovskaia của Chelsea dưới thời Roman Abramovich, người còn lại là Karren Brady của West Ham.
Sau khi chia sẻ thông tin thú vị trên kèm một nụ cười, Pimenta đưa ra một kết luận: "Trước đây, phụ nữ muốn viết sách thì phải dùng tên đàn ông, nếu không thì đừng mơ đến chuyện sách được phát hành. Điều tương tự cũng xảy ra ở giới làm khoa học. Cụ thể, có rất nhiều phụ nữ không được đứng tên những phát minh khoa học quan trọng do họ sáng chế ra. Một điều chắc chắn sẽ gây sốc cho nhiều người. Càng sốc hơn khi biết rằng, tình trạng này vẫn còn dai dẳng cả ở thời kỳ hiện đại".
Một điều "chua chát" khác của những người phụ nữ "có chức có quyền" đó là họ phải chứng minh nhiều hơn đàn ông. Cụ thể, theo Pimenta: "Để tiếng nói có ‘trọng lượng’, phụ nữ phải chứng tỏ họ nổi trội hơn đàn ông. Thêm nữa, nếu chúng tôi tức giận, chúng tôi là ‘con đàn bà cau có’, nếu chúng tôi phản ứng, người ta sẽ cho rằng chúng tôi ‘thái quá’ vì chúng tôi là phụ nữ, mà phụ nữ thì hay nhạy cảm. Nếu phụ nữ muốn làm lãnh đạo, người ta sẽ nói chúng tôi là ‘lũ đàn bà lắm tham vọng và máu lạnh’. Với đàn ông, những điều trên là bình thường. Chúng tôi hoạt động trong một ngành không hề đếm xỉa đến sự công bằng. Cứ nhìn những gì xảy ra ở World Cup bóng đá nữ mà xem. Đôi lúc tôi phải tự hỏi: ‘Cái quái gì vậy’?”.
Trong bản danh sách các cầu thủ được Pimenta đại diện có Esther Gonzalez và Misa Rodriguez, những cầu thủ đóng góp công sức trong chiến dịch World Cup tuyệt vời của đội tuyển Tây Ban Nha hồi giữa năm nay. Tuy nhiên, tất cả đã bị che mờ bởi "nụ hôn độc dược" của chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha, Luis Rubiales, dành cho Jenni Hermoso. Điều đáng buồn hơn là Jenni Hermoso, nạn nhân của nụ hôn đó, phải trải qua rất nhiều lời đàm tiếu từ giới bóng đá Tây Ban Nha. Kể cả khi cô đăng đàn tố cáo Luis Rubiales và đâm đơn tố cáo hành vi xâm hại cơ thể của ông, phải mất ba tuần, vị chủ tịch này mới chịu rời khỏi vị trí chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha.
Khi nhắc lại chuyện này, Pimenta không che giấu nổi sự bất bình: "Tại sao hắn ta có thể ‘thoát tội’ dễ dàng thế? Tại sao người ta có thể ủng hộ hắn chứ? Một điều đáng buồn hơn cả, đó là khi nhìn vào ‘độ trễ’ trong việc xử lý vụ việc này, tôi có thể thấy rằng toàn bộ hệ thống vẫn chưa thực sự thống nhất trong việc kết tội những hành vi như thế".
Vậy, Rodriguez và Gonzalez đã đối mặt với sự việc này như thế nào? "Tôi phải chia sẻ rất nhiều với Misa và Esther vì tôi cảm thấy lo lắng cho cảm xúc của các em ấy. Thật đáng buồn làm sao! Các em ấy đã cố gắng hết mình, đã vươn xa trên con đường cầu thủ nữ đầy khó khăn của mình, thế mà chỉ vì một vụ việc dơ bẩn mà tất cả những thành quả đó đã bị che mờ".
Một điều đáng buồn hơn với Pimenta, đó là không chỉ những người làm bóng đá Tây Ban Nha, mà cả những người làm bóng đá trên thế giới cũng coi nhẹ vụ việc này. Cụ thể, bà chia sẻ: "Tôi biết nhiều thứ tiếng, vì vậy, tôi có thể đọc nhiều tờ báo khác nhau trên thế giới. Đôi lúc, tôi vẫn đọc thấy những suy nghĩ đại loại như: ‘Con bé này phản ứng thái quá rồi, chỉ là một nụ hôn thôi mà! Rõ ràng nó cũng hưởng ứng nụ hôn đó mà’?”.
Gặp phải nhiều điều tiêu cực trong bóng đá, đặc biệt là bóng đá nữ, nhưng Rafael Pimenta không hề tỏ ra bi quan, thậm chí ngược lại, bà còn cho rằng bóng đá là một thứ vũ khí sắc bén cho những sự thay đổi. Cụ thể, bà chia sẻ: "Bóng đá còn rất nhiều điều phải sửa chữa, nhưng tôi tin rằng nó là một thứ ‘vũ khí’ sắc bén của sự thay đổi".
Là người phụ nữ được "siêu cò" huyền thoại Mino Raiola "chọn mặt gửi vàng" trước lúc lâm chung, tuy nhiên, cũng giống như mọi mối quan hệ của ông trước đây, mối quan hệ giữa cả hai lại bắt đầu từ sự khó chịu của người đối diện dành cho tay cò nổi tiếng "không sợ trời, không sợ đất này".
Theo chia sẻ của Pimenta, thời điểm mới gặp Mino, bà đang là một giảng viên luật ở Sao Paolo. Mối lương duyên với bóng đá của bà chỉ bắt đầu sau khi bà phát hiện ra rằng nếu làm bóng đá, bà sẽ thu hút được nhiều học viên hơn là làm cho chính quyền Brazil ở bộ phận chống độc quyền. Cũng trong quãng thời gian đó, bà đang làm luận án tiến sĩ về luật đối ngoại, vì vậy, Mino Raiola quyết định tìm đến bà để hiểu thêm về luật lệ chuyển nhượng của Brazil, đồng thời, tìm một đối tác hiểu rõ luật lệ của đất nước này. Tuy nhiên, với bản tính không chịu nghe ai của ông, Mino Raiola đã khiến Pimenta phải khó chịu.
Cụ thể, bà chia sẻ với các phóng viên của The Guardian: "Mino ngồi trước mặt tôi rồi cứ thế ‘xả’ khói thuốc. Mỗi khi tôi nói cái gì là lão ta sẽ ngắt lời tôi bằng một câu trả lời. Sau một tiếng trao đổi, tôi nói thẳng với lão ta: ‘Anh biết nhiều về luật Brazil thì cứ tự đi mà làm. Thế nhé’. Lúc đó, tôi bực đến mức phải bỏ ra ngoài".
Bị ấn tượng bởi sự mạnh mẽ và câu "đáp trả" đầy chất thép của nữ luật gia người Brazil, Raiola quyết định "truy lùng" bà khắp mọi nơi dù không có số điện thoại hay bất cứ tài khoản mạng xã hội nào của bà. Đến khi bà chuyển đến Brasilia, tay cò này mới tìm ra Pimenta. Khi đó, Raiola đã "xuống nước" với Pimenta: "Em là người duy nhất hiểu rõ việc mình làm. Nếu tôi có công chuyện ở Brazil, chỉ có mỗi mình em giải quyết được thôi". Thế nhưng, những gì mà Raiola nhận được chỉ là lời đáp trả thân thiện nhưng lạnh lùng của Pimenta: "Nghe cũng ổn đấy Mino, nhưng tôi không muốn dính dáng đến anh".
Là một gã cứng đầu, vậy nên, Raiola không hề muốn bỏ cuộc. Ông bắt đầu thuyết phục Pimenta rằng bóng đá sẽ giúp bà tập trung vào hai ngành bà đam mê nhất, đó là luật và tâm lý học. Kể từ đó, Pimenta và Raiola trở thành một "bộ đôi hoàn hảo", một bên là một người am hiểu luật lệ "đường phố" cùng những ngón nghề đàm phán lắt léo, còn một bên hiểu rõ những kẽ hở của các bộ luật để có thể tận dụng chúng trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Raiola không chỉ muốn Pimenta làm việc cho ông ở Brazil, mà ông còn muốn bà sát cánh cùng ông ở trời Âu, một nơi vẫn còn xa lạ với một người phụ nữ Brazil như bà.
Khi nhắc tới "sư phụ" của mình, Pimenta nhớ nhất một điều đó là phong thái ứng xử của Raiola. Cụ thể, bà chia sẻ: "Mino Raiola là một tay cò kỳ lạ. Lão ta là một tay cò thiên tài, nhưng chẳng bao giờ lão ta chịu mặc vest cả, đã thế, lão ta còn thô lỗ và cộc cằn nữa chứ. Có lẽ, lão ta biết rằng lão ta là kẻ làm chủ cuộc chơi". Tuy nhiên, cũng theo Pimenta, Mino là một tay cò có thể đối mặt với mọi cầu thủ trên thế giới: "Chúng tôi làm việc với đủ dạng cầu thủ tới từ khắp mọi nơi trên thế giới. Với tôi, một người phụ nữ, thêm nữa lại là người Brazil, điều này chẳng dễ dàng gì. Một phần bởi ở Italia, nơi chúng tôi có rất nhiều mối làm ăn, người ta vẫn luôn cho rằng phụ nữ Brazil tới đây chỉ để kiếm tiền từ những công việc liên quan tới ngành công nghiệp ‘mát mẻ’ mà thôi".
Về phần Mino Raiola, ông cũng tự hào về "đệ tử" của mình không kém. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn, Mino Raiola từng chia sẻ như sau về Pimenta: "Mấy tay chủ CLB nghĩ tôi ra khỏi phòng là xong rồi. Thế nhưng, chỉ 5 phút sau khi Rafaela bước vào phòng, chúng nó đã gào ầm lên với tôi: "Làm ơn quay lại đi. Con mụ này ‘khó nhằn’ quá"!.
Thời điểm Erling Haaland đang chuẩn bị chuyển đến Man City từ Borussia Dortmund, Mino Raiola đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Dù rất đau buồn trước sự ra đi của "ông thầy" người Italia, Pimenta vẫn tiếp tục thương vụ này vài tháng sau đó. Khi chứng kiến những gì Erling Haaland làm được trong màu áo Man City, người phụ nữ quyền lực nhất giới "cò" bóng đá chia sẻ: "Xúc động lắm, tôi luôn ước gì Mino Raiola đang ở đây. Lúc Erling Haaland đá trận đầu tiên cho Man City, tôi khóc cả buổi"!.
Thời điểm hiện tại, Pimenta đang phải đối đầu với một cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến với FIFA, cơ quan luôn tỏ rõ sự khó chịu với những người đại diện cho cầu thủ, bởi lẽ, họ là "tiếng nói" cho các thân chủ của mình, những người chỉ hiểu rõ về bóng đá, về các chiến thuật, chứ không hoàn toàn hiểu hết những sự lắt léo của các điều luật.
Theo Pimenta, các cầu thủ ở thời điểm hiện tại phải thi đấu quá nhiều. Cụ thể, bà chia sẻ: "Một trong những lý do khiến FIFA luôn coi chúng tôi là ‘cái gai’ trong mắt họ, đó là bởi chúng tôi chính là những người đã thẳng thừng tuyên bố với họ: ‘Cầu thủ phải thi đấu quá nhiều, phải di chuyển quá nhiều vì những kỳ tập trung đội tuyển quốc gia, rồi thì tập trung CLB ở những trận đấu vô thưởng vô phạt’. Tôi nghĩ, họ muốn hạn chế quyền lực của những đại diện để các cầu thủ dễ bị ‘sai bảo’ hơn. Có rất nhiều ‘lỗ hổng’ trong những điều luật này, nhưng chúng tôi vẫn cần đến những phán quyết cuối cùng của các thẩm phán".
Ở cuối buổi phỏng vấn, Pimenta chia sẻ một kỷ niệm mà theo bà, đã tạo động lực cho bà trong “cuộc chiến” với FIFA: "Thời điểm Mino bị đình chỉ, án đình chỉ của anh ta nhanh chóng được rút lại sau khi chúng tôi ra tòa. Sau đó, một người có tiếng nói trong giới làm luật đã đăng một dòng tweet ủng hộ Mino Raiola. Người đó chia sẻ với tôi rằng ngay sau dòng tweet đó, một người lạ đã gọi cho anh ta để cảnh báo: ‘Muốn làm bóng đá tiếp thì liệu hồn mà xóa cái dòng tweet đó đi’. Tôi tin anh ta nói thật. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tin vào công lý, và chừng nào chúng tôi còn sống, chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng vì công lý".