Sant Andreu là một khu vực nằm ở phía Đông Bắc thành phố Barcelona, tuy nhiên, khi rảo bước trên những con phố của khu vực này, chẳng ai nghĩ lại thuộc về thủ phủ của vùng Catalonia. Các con đường ở đây đều rất hẹp và luôn đông đúc, tuy nhiên, rất ít phương tiện qua lại, bởi ở đây rất hiếm bãi đỗ xe.

Những căn nhà hay công trình ở đây thường chỉ cao hai tầng, một điều khá kỳ lạ ở Barcelona, một điểm đặc biệt khác là tất cả những căn nhà ở đây đều có màu đất nung. Trên một số con đường, chúng ta có thể bắt gặp những hàng cây cam duyên dáng trĩu nặng quả được trồng ở hai bên hè phố.

Chính ở nơi đây đã khai sinh ra một CLB mang tên UE Sant Andreu, viết tắt của Unio Esportiva Sant Andreu. CLB này được thành lập vào năm 1909, tức 13 năm sau khi khu vực này trở thành một phần của thành phố Barcelona. Tuy nhiên, khi hỏi người dân ở đây, chẳng ai nhận họ là dân Barcelona cả, thay vào đó, họ sẽ nói với bạn rằng họ đến từ làng Sant Andreu.

Đến tận bây giờ, mối liên hệ giữa người dân làng vẫn còn rất khăng khít. Một điều nữa cũng khiến Sant Andreu thu hút người hâm mộ đó chính là thứ chủ nghĩa cánh tả được cổ động viên của CLB này thể hiện mỗi khi đến sân.

Khi các lá thăm may rủi của Copa Del Rey đưa họ gặp Atletico Madrid vào năm 2018, NHM của đội bóng này quyết định đến sân Wanda Metropolitano với những biểu ngữ ủng hộ tổ chức phi chính phủ "Open Arms" (Vòng tay rộng mở-ND), một tổ chức phu chính phủ hướng đến việc trợ giúp người tỵ nạn nhập cảnh vào Châu Âu bằng đường biển. Đến tận bây giờ, CLB này vẫn để logo của tổ chức này trên áo đấu và hợp tác chặt chẽ với tổ chức phi chính phủ này.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ tổ chức Open Arms, Sant-Andreu còn là đội bóng đầu tiên ở Tây Ban Nha lên tiếng phản đối hành vi khiếm nhã của chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha, ông Luis Rubiales, với cầu thủ nữ Jenni Hermoso ở trận chung kết World Cup bóng đá nữ hồi tháng 8 năm ngoái.

Chính vì những hoạt động xã hội này mà Sant-Andreu đã thu hút cổ động viên từ rất nhiều thành phần xã hội của vùng Catalan có cùng quan điểm chính trị với họ, đặc biệt là những người luôn quan tâm tới các vấn đề lớn bên ngoài sân cỏ.

Có thể nói, UE Sant-Adreu đã thể hiện đúng cái tôn chỉ "Mes Que Un Club" (hơn cả một câu lạc bộ-ND) mà Barcelona từng thể hiện trong giai đoạn hoàng kim của mình, cùng chính vì vậy mà rất nhiều nhà tài trợ địa phương đã đứng ra hỗ trợ đội bóng nhỏ bé này.

Đơn cử như vào tháng 11 năm ngoái, nhãn hàng bia địa phương Estrella Damm đã trở thành nhà tài trợ chính của CLB này. Hồi tháng 7 năm ngoái, Meyba, công ty cung cấp áo đấu cho Barcelona ở giai đoạn 1980-1990, đặc biệt là ở giai đoạn "Dream Team" của HLV Johan Cruyff, đã quyết định chọn Sant Andreu là mục tiêu cho công cuộc "tái xây dựng" bộ phận áo đấu của họ, một bộ phận chính thức phá sản vào năm 1997. Ngay lập tức, 1.000 bộ áo đấu đã được sản xuất và bán hết trong vòng vài ngày, dù mức giá để có được bộ áo đấu này không hề rẻ, cụ thể là 59 Euro.

"Rất khó để mua được một bộ, bởi chẳng có cửa hàng nào có chúng cả, kể cả cửa hàng của CLB", một thương nhân sở hữu cửa hàng quần áo ở địa phương chia sẻ với The Athletic. "Ngay khi hạ giá là mấy bộ quần áo này liền bị bán hết sạch".

Điều khiến bộ áo của Sant Andreu nổi bật đó là bởi nó mang màu cờ Catalan, khá giống với các bộ quần áo phụ của Barca trong vòng 10 năm trở lại đây.  Thêm vào đó, UE Sant Andreu là đội đầu tiên làm điều này.

"Từ hơn 100 năm nay, chúng tôi đã khoác lên mình màu áo này rồi. Đau đớn thay khi thấy nhiều người gọi đây là áo Barca", chủ tịch Manuel Camino của CLB chia sẻ vào năm 2013. "Barca mới chính là những người mặc áo của chúng tôi. Đáng buồn hơn, họ lợi dụng màu áo này một cách trắng trợn".

Lịch sử đã chứng minh những gì chủ tịch Manuel Camino chia sẻ cách đây 10 năm hoàn toàn đúng. Cụ thể, Sant Andreu đã khoác lên mình bộ áo này kể từ ngày thành lập, ngoại trừ khoảng thời gian TBN nằm dưới ách thống trị của nhà độc tài quân sự Francisco Franco. Ở giai đoạn đó, họ phải lấy màu áo chủ đạo là màu áo trắng, tiếp đó là một bộ quần áo màu vàng sọc xanh. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thành công nhất của CLB tới từ vùng quê nhỏ bé này, đặc biệt là ở khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1977, khoảng thời gian Sant Andreu được thi đấu ở giải hạng hai Tây Ban Nha."

Cũng như các CLB địa phương nhận được ít kinh phí và sự đầu tư khác, UE Sant Andreu cũng từng trải qua một giai đoạn khó khăn, chủ yếu xuất phát từ khả năng quản lý tài chính kém cỏi của đời chủ tịch trước, đó là Joan Gaspart, người cũng từng là chủ tịch Barcelona trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2011, cùng với đó là vợ cũ của Dani Alves, Dinora Santana. Sau đó, Camino trở thành chủ tịch của CLB và là người lèo lái CLB bước qua giai đoạn khó khăn vì nợ nần chồng chất.

"Chúng tôi bị kho bạc cũng như hệ thống an sinh xã hội phạt tiền rất nhiều lần, ngoài ra, chúng tôi còn phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ chi trả hằng tháng", Francesc Vives, một phát ngôn viên gắn bó với CLB suốt 22 năm qua chia sẻ. "Những khoản nợ này đã khiến chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn về mặt kinh tế. May thay, Camino đã trả lại và lèo lái chúng tôi khỏi khó khăn".

Sant Andreu trước đó sở hữu khoản nợ lên tới 700.000 Euro. Kể từ khi Camino trở lại, khoản nợ này được rút xuống còn 500.000 Euro. Tuy nhiên, họ vẫn trả những khoản phạt có trị giá lên tới 8.500 Euro một tháng.

David Mordillo, giám đốc chính của CLB, chia sẻ rằng CLB đã phải mất 7 năm để phục hồi sau khi bị rớt xuống hạng 5 vào năm 2015. Cũng theo Mordillo, đây chính là quãng thời gian mà UE Sant Andreu "phải chịu đủ thứ thiệt hại, từ mặt thể thao, kinh tế đến mặt hình ảnh xã hội".

Kể từ năm 2015, CLB đã bắt đầu cho thấy sự trở lại, đặc biệt là sau cuộc đối đầu với Atletico Madrid ở vòng 32 Copa Del Rey mùa giải 2018, trận đấu kết thúc với tỷ số 5-0 sau hai lượt trận nghiêng về đội chủ sân Wanda Metropolitano.

Có một điều lạ về UE Sant Andreu, đó là cứ sau mỗi một trận thua, số lượng fan của họ lại càng đông hơn. Cụ thể, theo Gerard Alvarez, trưởng bộ phận truyền thông và Marketing của CLB chia sẻ: "Chúng tôi thua nhiều hơn thắng mỗi khi thi đấu, cũng giống như lịch sử vùng Catalan vậy. Nhưng cứ sau mỗi trận thua, người ta lại theo dõi chúng tôi nhiều hơn".

Trong ngày Sant Andreu ăn mừng việc lên hạng 4 vào tháng 6 năm nay sau trận thắng ở lượt về trận play-off thăng hạng với Salamanca, CLB này đã quyết định di chuyển về sân nhà để ăn mừng với NHM.

Đầu tiên, họ tập trung ở quảng trường Placa D'Orfila, trung tâm của làng, và là nơi tòa thị chính và nhà thờ của làng - nhà thờ Sant Andreu Del Palomar tọa lạc. Ở nơi đó, có hàng ngàn, hàng vạn khán giả đã tập trung để chào đón những người anh hùng trở về trong trang phục truyền thống của đội bóng, một khung cảnh khiến các cầu thủ cũng phải ngạc nhiên khi di chuyển tới quảng trường này.

"Chúng tôi đi xuyên qua trung tâm quảng trường, lúc này bị bao vây bởi một dòng người đông đúc", Josu Rodriguez, một trong những cầu thủ kỳ cựu nhất đội chia sẻ.

"Sau đó, chúng tôi leo lên ban công của tòa thị chính. Lúc chúng tôi nghiêng mình lên các thanh chắn, chúng tôi có thể thấy dưới quảng trường là hàng nghìn người đang đứng chật kín. Chỉ trên TV, hoặc khi một đội bóng nào đó ở hạng hai hoặc La Liga ăn mừng chiến công, tôi mới thấy được cảnh tương tự".

Dù là một đội bóng nhỏ, nhưng UE Sant Andreu lại có được một sân vận động có sức chứa lên tới 6.583 người, được xem là sân vận động lớn trong số các đội thuộc cùng hạng đấu. Thông thường, một trận đấu của đội bóng sẽ thu hút không dưới 2.000 fan. Đôi lúc, số lượng người theo dõi một trận đấu có thể lên tới 3.000 hoặc 4.000 người, đơn cử như ở trận đấu với CE Europa, trận derby quan trọng nhất của vùng này, toàn bộ khán đài đứng của sân vận động này đã quá tải.

"Có được một lực lượng cổ động viên đông như thế giúp chúng tôi rất nhiều, vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng hợp tác với họ", Alvarez chia sẻ. "Chúng tôi thực hành dân chủ trong cả việc quyết định giá vé thường cũng như giá vé mùa, ngoài ra, chúng tôi còn giúp đỡ người hâm mộ mỗi khi họ di chuyển cùng đội bóng".

Ở cuối buổi phỏng vấn, Rodriguez chia sẻ một câu chuyện vui như một lời chia tay với trang tin The Athletic: "Một ngày nọ, tôi về nhà sau một trận đấu, thế rồi, vợ tôi hỏi tôi một cách đầy ngạc nhiên về việc tại sao lũ nhóc lại hỏi xin ảnh tôi ở cái thành phố mà Messi, Pique và Barcelona mới là bá chủ cơ chứ ? Khi đó, tôi biết rằng CLB đang "ăn nên làm ra". Có thể nói, đến lũ trẻ con cũng muốn làm fan của UE Sant Andreu ở thời đại này"!.

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền