(vhds.baothanhhoa.vn) - Sức ép từ rác thải rắn không chỉ với riêng một huyện, xã nào của tỉnh Thanh Hóa mà nó đang trở thành vấn nạn chung của cả nước. Từ những bức thiết đó, 1 dự án xử lý rác thải hình thành bao giờ cũng đem lại những kỳ vọng nhất định cho chính quyền cũng như người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều dự án tầm cỡ lại rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hoặc “chết yểu” do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các dự án xử lý rác thải rắn: Vì sao chậm tiến độ? (Kỳ 2) Kỳ vọng rồi... thất vọng

Sức ép từ rác thải rắn không chỉ với riêng một huyện, xã nào của tỉnh Thanh Hóa mà nó đang trở thành vấn nạn chung của cả nước. Từ những bức thiết đó, 1 dự án xử lý rác thải hình thành bao giờ cũng đem lại những kỳ vọng nhất định cho chính quyền cũng như người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều dự án tầm cỡ lại rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hoặc “chết yểu” do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính...

Bức thiết ô nhiễm môi trường tại bãi rác TP Sầm Sơn.

Sức ép từ rác thải rắn

Rác thải trên địa bàn tỉnh đang được tập kết tại các bãi rác Đông Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Tĩnh Gia, Ngọc Lặc, Thọ Xuân... Các bãi rác trên chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp truyền thống, lạc hậu, nên trải qua năm tháng đều rơi vào tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Bãi rác Sầm Sơn (tại phường Trung Sơn) là một ví dụ. Từ nhiều năm qua, bãi rác này luôn trong tình trạng quá tải và ô nhiễm trầm trọng, không chỉ cuộc sống của người dân thị thành bị đảo lộn mà đó còn là điểm trừ trong con mắt của du khách.

Được biết, ngày 04/7/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 7784/UBND-NN về việc thực hiện giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiến tới đóng cửa hoàn toàn bãi rác TP Sầm Sơn. Nội dung theo quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3470/QĐ-UBND ngày 08/9/2016, rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Sầm Sơn được vận chuyển về xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiến tới đóng cửa hoàn toàn bãi rác TP Sầm Sơn.

Chủ trương là vậy, nhưng đến thời điểm hiện tại, bãi rác Đông Nam (huyện Đông Sơn) mặc dù là dự án lớn, công suất 500 tấn rác thải/ngày đêm, song cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Hiện trạng đầu tư của dự án đang chậm tiến độ. Đó là lý do, khiến bãi rác này chưa thể tiếp nhận xử lý lượng rác thải rắn từ TP Sầm Sơn như chủ trương chỉ đạo. Và thực tế, bãi rác TP Sầm Sơn vốn đã quá tải lại ngày càng quá tải tạo nên sức ép không hề nhỏ cho thành phố du lịch biển.

Nặng nề hơn tại huyện miền biển Hậu Lộc còn không có nổi một bãi rác tập trung chứ một nhà máy xử lý rác là mong ước xa vời. Để giải quyết tình trạng rác thải trên địa bàn, huyện này đưa ra giải pháp “mô hình lò đốt rác theo cụm xã”. Tuy nhiên, giải pháp trên cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Lò đốt rác nhỏ, công nghệ thủ công, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Đó cũng là lý do cho tới nay huyện này mới chỉ xây dựng được 3 mô hình lò đốt tại các xã Phú Lộc, Hòa Lộc, Đại Lộc... Trong khi, theo thống kê, mỗi ngày lượng rác thải của huyện miền biển này cũng ngót nghét 100 tấn rác các loại.

Vậy rác thải còn lại của các xã huyện miền biển này được xử lý như thế nào? Hiện tại, hầu hết các xã của huyện đều phó mặc trách nhiệm cho các đơn vị doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác ra khỏi địa phương. Còn vận chuyển đi đâu, đổ thải thế nào, xử lý rác ra sao thì không ai biết... Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc vì sao rác ở khắp mọi nơi, rác bị đổ thải trộm ra đường quốc lộ, rác đổ trộm ra đồng ruộng...

Không chỉ huyện Hậu Lộc, TP Sầm Sơn mà tình trạng về sức ép rác thải đang diễn ra ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Loay hoay tìm hướng xử lý

Theo khảo sát, đánh giá của Sở TN&MT, trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 5 dự án xử lý rác được kỳ vọng, được xem là giải pháp cốt lõi trong xử lý rác thải rắn, gồm: Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phường Đông Sơn, TX Bỉm Sơn; Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc; Dự án công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cho thị trấn Triệu Sơn và xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn. Nhưng cả 5 dự án này đều chậm tiến độ hoặc chưa triển khai xây dựng. Các dự án xử lý chất thải rắn chậm triển khai đầu tư, xây dựng không chỉ khiến việc xử lý rác thải tại các địa phương gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn khác để thay thế cho các dự án đang chậm tiến độ. Số phận các dự án trên đi đến đâu đang là câu hỏi dần có câu trả lời.

Tại Cẩm Thuỷ, ngày 11/2/2020, UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị dừng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu để huyện kêu gọi dự án khác mang tính khả thi hơn. Tương tự, huyện Hậu Lộc, từ năm 2018, UBND huyện cũng đã có báo cáo xin dừng thực hiện dự án tại xã Tiến Lộc. Ông Vũ Huy Cần - Trưởng phòng TN&MT huyện Hậu Lộc cho rằng, huyện đang kêu gọi một nhà đầu tư mới, vị trí được đặt tại xã Minh Lộc. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết đây vốn là vị trí dự án nhà máy rác cho 5 xã miền biển huyện Hậu Lộc đã triển khai đầu tư mặt bằng, đường sá và không thể hoạt động do sự phản đối của nhân dân?!

Được biết, trước những bất cập trên, Sở TN&MT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025. Đồng thời, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được chấp thuận chủ trương đầu tư báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi các dự án chậm tiến độ để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư mới.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]