(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn về việc đẩy mạnh kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Sở NN&PTNT phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo này đến nay đã đạt một số kết quả đáng chú ý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ động vật hoang dã và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại

Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn về việc đẩy mạnh kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Sở NN&PTNT phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo này đến nay đã đạt một số kết quả đáng chú ý.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực này được ngành nông nghiệp chỉ đạo, tham mưu sát sao; Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh cùng các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về công tác bảo vệ rừng, PCCCR và bảo vệ động vật hoang dã...

Đặc biệt, ngay tại cấp xã đã tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh được 279 lần; ngoài ra có 128 hội nghị tuyên truyền cấp thôn, bản, khu phố thu hút trên 3.000 lượt người tham gia. Các ban Đảng, MTTQ, đoàn thể đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức gặp mặt tuyên truyền đến Ban trị sự các đền, chùa, BQL các lễ hội và chủ các nhà hàng, quán ăn, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã không mua bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các loài động vật hoang dã và không nuôi, nhốt, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Tất cả đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ động vật hoang dã hiện nay.

Hình ảnh tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm đỏ, tôm rồng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội vào những ngày này.

Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Qua đó phát hiện và xử lý hành chính 1 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm gồm 15 các thể động vật rừng, thu nộp ngân sách 30 triệu đồng. Công an huyện Mường Lát khởi tố hình sự 1 vụ vi phạm đối với đối tượng Đỗ Hữu Cường (22 tuổi, ngụ tại xã Tén Tằn, Mường Lát) có hành vi tàng trữ sản phẩm động vật quý, hiếm và rao bán trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng cho rằng do công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế vì vậy hoạt động săn bắn, bẫy bắt, vận chuyển các loài động vật hoang dã và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại vẫn còn diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ. Những ngày qua, trên thị trường xuất hiện việc mua bán loài tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm đỏ, tôm rồng) được quảng cáo là có xuất xứ tại Nha Trang (Khánh Hoà).

Loài tôm này có đặc điểm: to khoảng hơn ngón tay cái, vỏ đỏ và 2 càng to. Giá bán dao động từ 350-400 nghìn đồng/kg. Song theo tìm hiểu của phóng viên, đây là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi ở nước ta. Tôm hùm đất có khả năng đào hang rất giỏi, có thể phá hại cả hệ thống kênh mương; đồng thời loài tôm này ăn tạp, vì vậy làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái bản địa. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã có dự án nuôi nghiên cứu khảo nghiệm tôm hùm đất và kết luận loài này có hiệu quả kinh tế không cao, có tập tính gây hại. Chính vì vậy, tôm hùm đất không được đưa vào danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Từ đó để thấy, để công tác kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại thực sự hiệu quả, công tác tuyên truyền cũng như kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng cần sát sao và mạnh mẽ hơn nữa.

Mai Phương


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]