(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa vẫn đang từng ngày phải sống chung với ô nhiễm bụi bặm, nước thải, tiếng ồn... từ hoạt động khai thác chế biến đá diễn ra tại Cụm công nghiệp núi Vức. Song, khi hỏi về giải pháp xử lý môi trường với lãnh đạo chính quyền địa phương, câu trả lời gần như bất lực, vượt quá khả năng xử lý của cấp sở tại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ô nhiễm nghiêm trọng từ khai thác và chế biến đá

Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa vẫn đang từng ngày phải sống chung với ô nhiễm bụi bặm, nước thải, tiếng ồn... từ hoạt động khai thác chế biến đá diễn ra tại Cụm công nghiệp núi Vức. Song, khi hỏi về giải pháp xử lý môi trường với lãnh đạo chính quyền địa phương, câu trả lời gần như bất lực, vượt quá khả năng xử lý của cấp sở tại.

Không khó để chúng tôi có thể mục thị Cụm công nghiệp núi Vức lâu nay "nức tiếng" ô nhiễm này. Tình trạng ô nhiễm diễn ra ngay từ con đường chính chạy qua các thôn 7, thôn Dân, thôn Nam Hưng, thôn Quang, thôn Thắng Sơn... với sự xuất hiện của hàng loạt các ổ voi, ổ gà liên tiếp, cộng với hàng loạt các xe vận tải “cỡ khủng” lưu thông. Hỏi một hộ dân ven đường, đáp lại là tiếng thở dài ngao ngán, bất bình: “Con đường dẫn vào Cụm công nghiệp này xuống cấp trầm trọng. Về mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bay mù mịt... Các anh coi, ngày nào xe tải trọng lớn cũng chạy qua nườm nượp bụi mù mịt. Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác thường xuyên phải tưới nước tránh bụi. Thậm chí nhiều hộ phải đóng kín cửa để tránh bụi”.

Dọc tuyến, cứ đi được một đoạn chừng vài ba trăm mét, là sự xuất hiện của hàng loạt các cơ sở xẻ đá. Một hộ dân sống gần các xưởng lên tiếng: “Đâu chỉ bụi bặm ô nhiễm mà đến cái lỗ tai cũng không yên vì tiếng ồn từ máy móc hoạt động. Thương cho lũ trẻ đang tuổi ăn học, cơ thể phát triển mà phải sống chung với tình cảnh này”.

Một thực tại trước mắt là do làng nghề quy hoạch thiếu tập trung, nhiều hộ làm nghề nhỏ lẻ hoạt động đan xen trong các khu dân cư. Trong quá trình hoạt động, các loại đá phế phẩm được tập kết tràn lan ra lòng, lề đường. Nhiều cơ sở hoạt động chỉ được che chắn tạm bợ, nên quá trình xẻ, mài đá khiến ồn ào, bụi bay mù mịt...

Một hộ dân thôn 7 bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc di chuyển các hộ kinh doanh đá ra khỏi khu dân cư vào cụm công nghiệp nhưng đến nay vẫn không được giải quyết?!”.

Cụm công nghiệp núi Vức với nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá gây ô nhiễm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cụm công nghiệp núi Vức thuộc địa bàn 3 xã Đông Hưng, Đông Quang và Đông Vinh, TP Thanh Hóa với cả trăm doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến đá. Hầu hết khi hỏi các thủ tục về bảo vệ môi trường thì các doanh nghiệp này gần như không có. Cụ thể, không xây dựng bể lắng lọc, xử lý nước thải. Trong quá trình hoạt động, tiếng ồn, bụi bặm và nước thải chảy tràn lan.

Trao đổi với lãnh đạo địa phương được biết, năm 2005 UBND huyện Đông Sơn đã phê duyệt quy hoạch khu Công nghiệp núi Vức (thời điểm đó Cụm công nghiệp còn thuộc UBND huyện Đông Sơn quản lý). Từ thời điểm đó, với chính sách vận động, kêu gọi, có nhiều doanh nghiệp tiên phong vào Cụm công nghiệp núi Vức hoạt động, song cũng không ít doanh nghiệp tự phát mọc ngoài quy hoạch, nằm lẫn cả trong khu dân cư. Vì hoạt động mang tính chất tự phát và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, nên công tác đầu tư, chú trọng về vấn đề môi trường gần như không có, hoặc có nhưng cũng không đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, cho rằng: “Hiện nay, quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức đã gần như bị vỡ, với nhiều doanh nghiệp mọc lên tự phát, các cơ sở hoạt động nhiều năm nhưng chưa được thuê đất. Sự việc từ xưa để lại nên xã rất khó xử lý?! Hiện UBND xã Đông Hưng đã làm tờ trình xin điều chỉnh lại quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận”.

Về giải pháp môi trường, chính quyền xã cũng thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp, nhưng khó kiểm soát, quản lý. Nguyên nhân một phần vì số lượng doanh nghiệp nhiều, lực lượng thường xuyên kiểm tra của xã mỏng và chế tài xử lý vi phạm hành chính cũng chưa đủ sức răn đe, dẫn đến nhiều cơ sở, doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ công tác đảm bảo môi trường.

Đã đến lúc cần có một sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong việc chấn chỉnh hoạt động khai thác cũng như sản xuất đá gây ô nhiễm tại đây. Việc quyết liệt đưa các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư vào cụm công nghiệp và việc điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức với các điều kiện bắt buộc về môi trường lúc này là sự cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]