(vhds.baothanhhoa.vn) - Tự xoay sở nguồn kinh phí lớn hằng năm để thuê doanh nghiệp vận chuyển rác thải, nhiều xã đã phải chịu sức ép không nhỏ! Hệ lụy, những đứa trẻ vừa chào đời, người già, người đi làm ăn xa cũng phải gánh gồng các khoản đóng góp về phí môi trường cho địa phương. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó, việc chính quyền các xã ký kết hợp đồng với nhiều đơn vị doanh nghiệp không có chức năng xử lý môi trường cũng để lại nhiều hệ lụy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ô nhiễm rác thải các xã miền biển Hậu Lộc: Bao giờ đến hồi kết? (Bài 2) Từ sức ép rác thải đến những miếng mồi ngon

Tự xoay sở nguồn kinh phí lớn hằng năm để thuê doanh nghiệp vận chuyển rác thải, nhiều xã đã phải chịu sức ép không nhỏ! Hệ lụy, những đứa trẻ vừa chào đời, người già, người đi làm ăn xa cũng phải gánh gồng các khoản đóng góp về phí môi trường cho địa phương. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó, việc chính quyền các xã ký kết hợp đồng với nhiều đơn vị doanh nghiệp không có chức năng xử lý môi trường cũng để lại nhiều hệ lụy.

Vô tội vạ các khoản phí môi trường

Ngư Lộc, một xã miền biển với hơn 18 nghìn dân và mật độ dân số cao nhất nhì cả nước. Dân số cộng với nghề cá đặc trưng, mỗi ngày xã này xả thải ra môi trường cả chục tấn rác thải và hàng trăm khối nước thải chưa qua xử lý. Khó khăn không có quỹ đất nên ước muốn có một bãi để tập kết rác thải tạm cũng là điều xa xỉ với địa phương chứ chưa nói là hệ thống xử lý nước thải...

Để giải quyết những bức bách trên, xã Ngư Lộc đã trực tiếp ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận chuyển rác ra bên ngoài là Công ty TNHH MTV Đức Tâm Phát và Công ty TNHH DVMT Vạn Lộc (địa chỉ huyện Hậu Lộc). Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, không ít hộ dân phản ánh tình trạng thu gom rác trong khu dân cư của các công ty này là không thường xuyên, không đúng lịch cam kết dẫn tới hôi thối, ô nhiễm...

Bên cạnh đó, để có tiền chi trả cho các công ty môi trường, các khoản đóng góp tại các xã miền biển này cũng đang khiến người dân không khỏi thắc mắc. Cụ thể, tại xã biển Ngư Lộc đã thu của người dân là 10 nghìn đồng/khẩu. Đối tượng thu được áp dụng theo khẩu, kể cả trẻ em mới lọt lòng, người già, người đi làm ăn xa... và cào bằng mức thu?

Một hộ dân khó hiểu: “Trẻ mới sinh ra, người già thì xả rác thải ra môi trường có là bao? Chưa kể người đi làm ăn xa cả năm không về nhưng cũng chịu mức thu bằng các đối tượng khác liệu có vô lý? Thực tế, nhiều gia đình đông khẩu nhưng chủ yếu lao động đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ không khỏi bất bình với khoản đóng góp”.

Tương tự, tại xã Đa Lộc, để giải quyết vấn đề môi trường, xã này đã thuê Công ty TNHH dịch vụ công ích Hậu Lộc vận chuyển rác ra ngoài địa phương. Song, khó hiểu khi xã này lại đồng ý để doanh nghiệp trên tập kết rác ngay trên đê biển? Việc đơn vị không vận chuyển thường xuyên khiến mùi hôi thối, ô nhiễm nồng nặc. Ngoài ra, xã Đa Lộc lại ủy quyền trực tiếp cho công ty này đứng ra thu phí môi trường của các hộ dân. Việc thu phí môi trường ở xã cũng được thu theo chính sách “bổ đầu khẩu” và trẻ từ 36 tháng tuổi. Có khác so với Ngư Lộc, xã Đa Lộc miễn trừ phí cho người già, học sinh sinh viên, người đi làm ăn xa... Và thực tại không chỉ Ngư Lộc, Đa Lộc, khoản phí môi trường tại nhiều xã ven biển ở Hậu Lộc cũng đang được thu một cách vô tội vạ.

Không có bãi tập kết, rác thải ngang nhiên được tập kết trên đê (địa bàn xã Đa Lộc) gây hôi thối, ô nhiễm.

Phó mặc hay trục lợi?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho rằng: “Lượng rác thải của xã hiện tại là hơn 10 tấn/ngày. Xã đã làm văn bản gửi lên các cấp, ngành chức năng xin cho xã một điểm để xử lý rác thải nhưng chưa có câu trả lời. Hiện rác thải của xã được tập kết tạm trong khu dân cư, trên đê biển... sau đó vận chuyển ra bên ngoài”.

Riêng về các khoản thu phí môi trường, ông Ngữ tỏ rõ quan điểm: “Đối tượng thu là tất cả người dân, người sinh sống, làm việc thì đều phải xả thải. Người mới sinh ra chưa có thu nhập thì bố mẹ phải chăm lo. Còn ông bà già hết tuổi lao động thì con cái phải chăm lo. Người đi xa nếu vẫn đăng ký hộ khẩu ở xã thì phải có trách nhiệm đóng góp. Anh (người dân - Pv) có về 1 ngày anh cũng phải xả rác”...

Đó là chuyện về các khoản phí, còn chuyện các xã này hợp đồng với các công ty chịu trách nhiệm thu gom vận chuyển rác thải thì sao? Qua trao đổi với chính quyền các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc hay Minh Lộc... quan điểm chính quyền các xã này cho rằng: Sau khi ký kết hợp đồng với các đơn vị thì việc vận chuyển, xử lý rác thế nào, đổ thải đi đâu là trách nhiệm nằm ở các công ty, doanh nghiệp đã ký kết với địa phương.

Phải chăng, từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, không ít các công ty, doanh nghiệp dù không có chức năng về xử lý môi trường, chức năng vận tải rác thải cũng lọt vào danh sách? Và hàng năm ôm vào mình khoản lợi nhuận khổng lồ!

Đơn cử, qua đấu mối từ chính quyền, chúng tôi tìm đến địa chỉ Công ty TNHH MTV Đức Tâm Phát (huyện Hậu Lộc). Trước mắt chúng tôi chỉ là một cửa hàng may mặc quy mô gia đình, với tấm biển trưng diện tên công ty. Không khó để chúng tôi tìm hiểu được ngành nghề đăng ký kinh doanh, mã số thuế của đơn vị này đã công khai trên mạng internet.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Đức Tâm Phát có ngành nghề đăng ký kinh doanh là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh vận tải hàng hóa bằng đường bộ? Hay như Công Ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Hậu Lộc, qua tra cứu ngành nghề đăng ký kinh doanh là thu gom, xử lý rác thải nhưng thực tế thừa nhận từ chính quyền xã, công ty này mới thành lập và không đủ khả năng xử lý rác thải như đăng ký...

Rõ ràng, khi đơn vị doanh nghiệp không có chức năng, hoặc chưa đủ năng lực xử lý môi trường lại được ưu ái ngồi vào bàn ký kết với chính quyền các xã là điều khó hiểu. Để rồi, khi đi vào hoạt động những đơn vị công ty, doanh nghiệp đang “tập tành làm môi trường” này đã huy động những chiếc xe vốn không chuyên dụng để vận chuyển rác thải, gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, đã không ít trường hợp do các doanh nghiệp không đấu mối, hợp đồng được với các bãi rác đổ thải đã bất chấp quy định đêm hôm đổ trộm ra sông, ra lề quốc lộ... hòng trục lợi. Và dĩ nhiên rác thải đã trở thành một miếng mồi ngon.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]