(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi lên huyện giáp biên Mường Lát rồi quay về Bá Thước, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Tĩnh Gia, được nghe những câu chuyện của người cán bộ ngân hàng lội suối, băng đồi đưa vốn Ngân hàng CSXH đến với đồng bào vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, thăm những mô hình “điểm” về chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Ở đó còn có cả nụ cười rạng rỡ của những hộ nghèo có nhà mới, hay niềm vui của những HS-SV nghèo ngày tựu trường được vay vốn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

15 năm Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa: Dấu ấn giảm nghèo trên những vùng đất khó

(VH&ĐS) Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi lên huyện giáp biên Mường Lát rồi quay về Bá Thước, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Tĩnh Gia, được nghe những câu chuyện của người cán bộ ngân hàng lội suối, băng đồi đưa vốn Ngân hàng CSXH đến với đồng bào vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, thăm những mô hình “điểm” về chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Ở đó còn có cả nụ cười rạng rỡ của những hộ nghèo có nhà mới, hay niềm vui của những HS-SV nghèo ngày tựu trường được vay vốn...

“Gió mới” vùng cao

Đón chúng tôi tại trung tâm huyện lị vùng cao Mường Lát là Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát Trần Văn Hoàng. Nụ cười, sự nồng nhiệt của những người cán bộ ngân hàng trẻ dường như xua đi mọi sự mệt mỏi sau chuyến hành trình dài. Dù rằng, Mường Lát là huyện nghèo, huyện xa nhất của tỉnh Thanh, song nhiều năm qua, nhờ một phần kênh vốn từ Ngân hàng CSXH đã góp phần làm thay đổi diện mạo KT-XH huyện vùng biên.

Theo báo cáo nhanh, năm 2016 tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn huyện Mường Lát đạt 19%, mở rộng cho vay thêm được 3 chương trình tín dụng mới. Hết tháng 6/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 143.322 triệu đồng. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 33.817 triệu đồng (đạt 119,1% so với cùng kỳ). 6 tháng đầu năm 2017, đã có 1.535 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Từ đó, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 1.500 lao động; xây dựng 42 căn nhà ở cho hộ nghèo và 330 công trình NS&VSMT nông thôn...

Trực tiếp dẫn đoàn lên với bà con người Mông, xã Pù Nhi, giám đốc Trần Văn Hoàng cho biết: “Sự chuyển biến rõ rệt nhất của đồng bào Mông là trong nhận thức, phát triển sản xuất kinh doanh. Bà con người Mông đã biết sử dụng vốn vay của Ngân hàng CSXH vào nuôi trâu, bò, thậm chí còn đầu tư chăn nuôi cả những con đặc sản, thị trường ưa chuộng như dê, nhím, thỏ... đem lại giá trị thu nhập cao. Có thu nhập, có cái ăn cái mặc bà con cũng không còn phải du canh, du cư như trước!”

Tiên phong của bản Cơm, xã Pù Nhi là Trưởng bản Hơ Pu Chính (41 tuổi). Nhờ 50 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH vùng khó khăn, ông Hơ Pu Chính đã đầu tư mua 2 cặp bò mẹ. Đến nay đã có tới 16 con bò, cộng với nửa đồi ngô, gia đình Pu Chính là một trong những hộ tiên phong thoát nghèo năm 2016 của bản. Trưởng bản Hơ Pu Chính cho biết thêm: “Toàn bản Cơm có tổng 143 hộ, 705 nhân khẩu thì có tới hơn 80 hộ đã đang được thụ hưởng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Cảm ơn ngân hàng đã giúp bà con thoát nghèo, có cái ăn, cái mặc, cái nước sạch và nhà vệ sinh khang trang để dùng”.

Đồng bào dân tộc Mông xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) được tiếp cận với các chương trình vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.

Không chỉ Mường Lát xa xôi đang từng ngày “thay da đổi thịt”, tại các huyện vùng cao khác như Bá Thước, Ngọc Lặc, Quan Hóa... nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH cũng đang thổi những “luồng gió mới” góp phần thay đổi diện mạo nơi đại ngàn. Dự buổi họp tổ TK&VV bản Tôm, xã Ban Công huyện Bá Thước, Trưởng bản Tôm - Hà Văn Lịch trước các tổ viên nhấn mạnh: “Nhờ các chương trình vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thời gian qua đã giúp cho nhiều hộ đồng bào của bản ta vươn lên thoát nghèo. Vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên lập thân, lập nghiệp; được làm thủ tục vay vốn xuất khẩu lao động. Sau khi trở về địa phương đã đầu tư nhiều mô hình VAC làm giàu. Điển hình như Lò Văn Xuân, Hà Văn Tình, Lò Văn Chuẩn, Lò Văn Vinh...

Đến những mô hình “nở hoa” trên đất khó

Từ các huyện vùng cao, xuôi về các huyện đồng bằng, ven biển, chúng tôi nhận thấy sự đầu tư sáng tạo, biến những cánh đồng hoang, những vùng đất khô cằn thành những mô hình sản xuất kinh doanh, những trang trại tập trung chăn nuôi quy mô lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiêu biểu như mô hình trang trại chăn nuôi thỏ của anh Lê Văn Thạo, xóm 7, xã Xuân Thịnh (huyện Triệu Sơn). Vốn là hộ nghèo, song nhờ vào nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cộng với sự cần cù, ham học hỏi, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong điển hình tiên tiến của thôn, xã.

Theo bà Lê Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thịnh cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH toàn xã đã có từ 40 đến 50 trang trại, gia trại lớn nhỏ. Trong đó, ngoài những con nuôi truyền thống như lợn, bò, trâu thì một số hộ đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi thử nghiệm, tiến tới nuôi thương phẩm nhiều loại con nuôi khác như: Thỏ, nhím, dê...

Về với huyện miền biển Tĩnh Gia, bà Trần Thị Hà - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện không giấu niềm vui mừng khi Tĩnh Gia là huyện có tổng dư nợ lớn nhất toàn tỉnh với 472.322 triệu đồng. Đồng vốn Ngân hàng CSXH đã giúp người nghèo, đặc biệt là tầng lớp thanh niên vươn lên khởi nghiệp, đầu tư vào các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Với vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp người dân trong việc đầu tư ngư lưới cụ vươn khơi bám biển; hình thành những mô hình nuôi trồng thủy hải sản, phát triển công nghiệp chế biến hậu cần nghề cá...

"Quả ngọt" 15 năm đồng hành cùng người nghèo

Tại Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ Ngân hàng CSXH khu vực Bắc Trung bộ diễn ra tại Thanh Hóa (ngày 26-27/8), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn, đã đánh giá cao vai trò của Ngân hàng CSXH trong việc cho vay vốn đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh 15 năm qua. Tuy nhiên, với yêu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất, hạn mức về dư nợ của người nghèo còn muốn nâng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Ngân hàng CSXH quan tâm hơn nữa về vốn vay ưu đãi đối với Thanh Hóa.

Có thể nói, trong 15 năm thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, từ 3 chương trình tín dụng năm 2002 đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ đạt 8.175,8 tỷ đồng, với 281,8 nghìn khách hàng đang vay vốn (tăng gần 17,8 lần so với cùng kỳ năm 2002). Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn (2002-2017) là 11,5% năm... Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 1.339,4 ngàn lượt hộ, giúp trên 789.7 nghìn hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường; góp phần đưa gần 229 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Đồng thời, tạo việc làm cho gần 348,4 ngàn lao động; giúp cho gần 333 ngàn HS-SV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng được gần 198,7 ngàn công trình nước sạch và 173,4 công trình vệ sinh; giúp hộ nghèo xây dựng được 33,2 ngàn ngôi nhà ở...

Bên cạnh đó, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]